Đặt mục tiêu vượt tiến độ Chính phủ đề ra, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang chỉ đạo đẩy nhanh công tác GPMB, tiến tới bàn giao đủ mặt bằng sạch để khởi công dự án thành phần 3, cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng đoạn qua địa bàn tỉnh.
Hướng tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng
Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cho biết, địa phương đã tiến hành cắm cọc, mốc ngoài hiện trường đối với Dự án thành phần 3 thuộc Dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, giai đoạn 1 đi qua địa phận tỉnh. Đến nay đã đạt 100% tiến độ.
Tỉnh Hậu Giang đang triển khai công tác kiểm đếm, đạt khoảng 40% khối lượng; phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng để khởi công dự án trong tháng 5/2023 sớm hơn 1 tháng so với chỉ đạo của Chính phủ.
Được biết, Dự án thành phần 3 thuộc Dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, giai đoạn 1 đi qua địa phận Hậu Giang khoảng 37km. Điểm đầu dự án thành phần 3 ở ấp Trường Lợi, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Điểm cuối dự án thành phần 3 thuộc địa bàn thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Dự án đi qua huyện Châu Thành A khoảng 11km; đi qua huyện Phụng Hiệp gần 26km. Tổng diện tích dự kiến thu hồi đất để thực hiện dự án thành phần 3 khoảng 253ha. Dự án thành phần 3 sẽ có 3 nút giao liên thông với Quốc lộ 61C, giao với cao tốc Cần Thơ – Cà Mau và giao với Đường tỉnh 927. Dự kiến vốn bố trí cho dự án thành phần 3 trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 6.800 tỉ đồng.
Toàn tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng (giai đoạn 1) có chiều dài khoảng 188,2 km, với tổng vốn đầu tư hơn 44.500 tỉ đồng. Giai đoạn 1 dự án được đầu tư với quy mô 4 làn xe, bố trí làn xe dừng khẩn cấp không liên tục.
Dự án chia thành 4 dự án thành phần, các địa phương có đoạn tuyến đi qua sẽ làm cơ quan chủ quản đầu tư dự án tương ứng.
Cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng là tuyến cao tốc trục ngang trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long Kết nối các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc – Đông Nam, tạo dư địa, động lực, không gian phát triển cho toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.