Thận trọng với tăng trưởng tín dụng năm 2018

Theo báo cáo kinh tế vĩ mô quý IV -2017 mới công bố, Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP) cho biết, tín dụng của Việt Nam cuối năm 2017 đã ở mức khoảng 135% GDP, cao hơn các quốc gia có trình độ phát triển tương đương. Tỷ lệ này đang tiến gần tới mức của thời kỳ bất ổn trước đó và có thể dẫn tới rủi ro đối với cân đối tài chính của hệ thống ngân hàng.

Tuy cung tiền tăng trưởng thấp hơn năm 2016 hơn 2 điểm %, tỷ lệ M2/GDP năm 2017 đạt khoảng 165% GDP, cao hơn khá nhiều so với mức 146% của năm 2016, VEPR cho rằng NHNN cần bắt đầu thận trọng với tốc độ tăng cung tiền vì có khả năng dẫn tới bùng phát lạm phát trong thời gian tới khi các ảnh hưởng trễ phát huy tác dụng.

Thận trọng với tăng trưởng tín dụng năm 2018 - Ảnh 1.

Nguồn: báo cáo kinh tế vĩ mô của VEPR

Trong khi đó, dự báo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia về tín dụng năm 2018 chỉ ra một số điểm tích cực như tín dụng trung và dài hạn có xu hướng giảm sau khi tăng liên tục trong giai đoạn 2013 – 2016. Cơ cấu tín dụng cũng có sự chuyển biến rõ rệt khi tập trung cao vào khu vực sản xuất và ưu tiên. Tỷ trọng tín dụng chảy vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản giảm nhẹ, chiếm 15,8% trong tổng tín dụng (năm 2016 là 17,1%). Tuy nhiên, Ủy ban cũng lưu ý tín dụng bất động sản tiềm ẩn cao trong tín dụng tiêu dùng.

Được biết, NHNN đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm nay là 17%, đây là mức thấp hơn so với con số 18,17% đạt được trong năm 2017.

Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc đặt ra mục tiêu 17% cho tăng trưởng tín dụng, NHNN đang tỏ ra cẩn trọng hơn và con số đấy là phù hợp cho năm nay. Ông cho biết, đẩy tín dụng lên cao quá là không cần thiết. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu cho tín dụng là phải tăng 20-21%, tuy nhiên đến cuối năm mặc dù tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 18,17% nhưng GDP vẫn cán mốc.

Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, năm 2018 NHNN tiếp tục điều hành các chính sách về tín dụng linh hoạt, chú trọng cho vay các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên. Bên cạnh đó phải đảm bảo được chất lượng tín dụng, chuyển dịch các hoạt động kinh doanh của ngân hàng sang các lĩnh vực ít rủi ro hơn.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 17 năm 2018

Bài viết mới