Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị thẩm định Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Bến Lức, tỉnh Long An đến năm 2045. Theo đơn vị tư vấn VIUP, phạm vi lập quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính của huyện Bến Lức, gồm 14 xã và 1 thị trấn, với tổng diện tích tự nhiên khoảng 28.785ha. Thời hạn lập quy hoạch: giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030, dài hạn đến năm 2045.
Mục tiêu lập quy hoạch nhằm xây dựng đô thị Bến Lức dựa trên cơ sở cụ thể hóa Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; các quy hoạch chuyên ngành gồm: Quy hoạch hệ thống đô thị nông thôn quốc gia; Quy hoạch mạng lưới giao thông quốc gia…
Phát triển đô thị Bến Lức đến năm 2030 đạt tiêu chí đô thị loại III, giai đoạn dài hạn đến năm 2045 phấn đấu xây dựng đô thị Bến Lức theo chỉ tiêu đô thị loại II.
Đồng thời, phát triển khu vực này trở thành đô thị thông minh – sinh thái – bản sắc, tiên phong, áp dụng tiến bộ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào nâng cấp chất lượng đô thị; khai thác hài hòa, lợi thế sông Vàm Cỏ Đông, tạo lập không gian đô thị xanh, sinh thái gắn với đặc trưng của miền Tây sông nước, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đến năm 2030, dự báo quy mô dân số khoảng 350.000 người. Đến năm 2045 khoảng 650.000 người. Nhu cầu sử dụng đất xây dựng đô thị đến năm 2030 khoảng 8.000 – 9.000ha; đến năm 2045 khoảng 10.000 – 12.000ha.
Đánh giá về Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Bến Lức, các thành viên Hội đồng thẩm định cho rằng hồ sơ cơ bản đáp ứng được các yêu cầu theo quy định.
Để hoàn thiện hồ sơ, thành viên Hội đồng đề nghị đơn vị lập quy hoạch bổ sung các căn cứ pháp lý mới thay cho các quy định đã hết hiệu lực; đánh giá viêc thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt, chỉ rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, từ đó xác định các nhiệm vụ thực hiện trong khâu đồ án Quy hoạch phù hợp với thực tiễn; cập nhật các quy hoạch mới, đặc biệt là quy hoạch hạ tầng giao thông, công nghiệp; rà soát bổ sung các chỉ tiêu theo đô thị loại III; làm rõ hơn các căn cứ dự báo chỉ tiêu về dân số, đất đai, nhất là vấn đề chuyển dịch và phân bổ đất nông nghiệp; tính toán kế hoạch ngân sách đảm bảo tính khả thi của quy hoạch.
Kết luận hội nghị, Vụ trưởng Trần Thu Hằng đề nghị UBND huyện Bến Lức và đơn vị tư vấn tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của đại diện các bộ ngành Trung ương và chuyên gia các hội, hiệp hội chuyên ngành, đảm bảo chính xác và thống nhất thông tin số liệu, rà soát sớm hoàn thiện hồ sơ Nhiệm vụ để UBND tỉnh Long An trình Thủ tướng Chính phủ xem xét theo quy định.
>> Dự án Bến Lức
Quy hoạch 46 dự án với diện tích 22.942,6 ha
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Bến Lức được định hướng phát triển đô thị là công nghiệp – đô thị – thương mại – dịch vụ tổng hợp, tạo thành hành lang phát triển đô thị trung tâm ở Bến Lức – Tân An.
Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, huyện có 13 KCN hiện hữu và mở rộng với diện tích 4.551ha như KCN Vĩnh Lộc 2, Thuận Đạo, Nhựt Chánh, Phúc Long, Thịnh Phát, Phú An Thạnh, Prodezi, Tandoland,… Trong đó, huyện tập trung phát triển theo hướng thương mại – dịch vụ, logistics 469ha. Ngoài ra, huyện cũng bố trí đất ở cho toàn huyện là 6.395ha.
Theo danh mục các dự án khu đô thị, khu dân cư ưu tiên thực hiện, huyện Bến Lức có đến 46 dự án nhà ở với tổng diện tích lên đến 22.942,6 ha, cao nhất tỉnh Long An.
Theo kế hoạch phát triển, đối với khu vực phía Nam đô thị Bến Lức, huyện bố trí 3.261ha đất ở, trong đó có một số dự án đã được UBND tỉnh cho chủ trương khảo sát, tài trợ kinh phí lập quy hoạch và tổ chức đấu thầu dự án như khu đô thị sinh thái. Điển hình là dự án khu đô thị Waterpoint, xã An Thạnh đang được triển khai hoàn thiện.
Khu vực phía Bắc của huyện được định hướng phát triển đô thị sinh thái và công nghiệp, phù hợp phát triển các KCN đến năm 2030 của tỉnh. Trong đó, bố trí 2.709ha như KCN Prodezi, Tandoland, Hải Sơn, VSip Becamex; phát triển đất ở khu đô thị 3.133ha. UBND tỉnh đã cho lập quy hoạch khu đô thị 1.200ha xã Lương Hòa. Ngoài ra, khu vực này còn bố trí đất thương mại – dịch vụ 200ha.
Khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông của đô thị Bến Lức được định hướng phát triển công nghiệp – đô thị sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như quy hoạch khu đô thị sinh thái thông minh Bình Đức, khu phức hợp đô thị sinh thái nghỉ dưỡng Thạnh Lợi, khu đô thị kết hợp thương mại, vui chơi, giải trí. Đặc biệt, tuyến đường Vành đai 4 TP.HCM dự kiến qua khu vực trên tạo điều kiện phát triển kinh tế cho 3 xã: Bình Đức, Thạnh Hòa và Thạnh Lợi.