Thái Bình muốn đổi 27.000m2 đất vàng lấy trung tâm hội nghị?

Mới đây, dư luận lại xôn xao với dự án xây dựng trung tâm hội nghị tỉnh Thái Bình với tổng kinh phí đầu tư gần 230 tỷ đồng.

Trung tâm hội nghị tỉnh (mới) sẽ được xây dựng tại khu đồi nhân tạo (phường Hoàng Diệu, TP Thái Bình). Ảnh: VNN

Trung tâm hội nghị tỉnh (mới) sẽ được xây dựng tại khu đồi nhân tạo (phường Hoàng Diệu, TP Thái Bình). Ảnh: VNN

Diện tích xây dựng công trình là 4.200m2, gồm 3 tầng nổi, 1 tầng bán hầm; tổng diện tích sàn xây dựng là 14.800m2. Tổng diện tích đất quy hoạch là 11.294m2.

Dự án do UBND tỉnh làm chủ đầu tư. Dự án đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên đã ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư, ngày 23/2.

Tiếp đến ngày 4/10, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Ca ký quyết định về việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư với hình thức chỉ định.

Đáng chú ý, để chuẩn bị nguồn vốn cho dự án, Thái Bình cũng phê duyệt phương án kêu gọi đầu tư theo hình thức BT. Theo đó, Thái Bình dự kiến sẽ sử dụng khoảng 27.000m2 đất, thuộc 5 khu chính tại trung tâm thành phố làm quỹ đối ứng cho nhà đầu tư.

Cụ thể gồm: Khu đất Chi cục Thuế (trụ sở cũ) tại mặt đường Lê Lợi, 1.098m2; Kho bạc tỉnh (cũ) liền kề với Chi cục Thuế, 2.070m2; khu đất trung tâm hội nghị tỉnh ở phố Hai Bà Trưng, 8.371m2; Khu đất trung tâm Chăm sóc bảo vệ sức khỏe cán bộ 1.682m2; khu đất nút giao thông đường Võ Nguyên Giáp – Vũ Đông – Hoàng Diệu, 14.147m2.

Theo ông Phạm Văn Nam – Công ty TNHH dịch vụ Nhà đất Thái Bình đánh giá, những khu đất trên đều là những vị trí trung tâm, đắc địa của thành phố.

Theo đó, ở những vị trí thuộc mặt đường Hai Bà Trưng, Lê Lợi thì có giá giao động từ 60 – 80 triệu/m2.

Tại khu đất trung tâm Chăm sóc bảo vệ sức khỏe cán bộ, thuộc đường Lê Thánh Tông thì có giá thấp hơn, giá giao động vào khoảng 50-60 triệu/m2.

Còn tại khu đất nút giao thông đường Võ Nguyên Giáp – Vũ Đông – Hoàng Diệu, đây là khu mới, ít sầm uất hơn thì có giá thấp hơn hẳn, giá giao động vào khoảng 25-35 triệu/m2.

Như vậy, với diện tích hơn 11.000m2 thuộc hai tuyến phố chính Hai Bà Trưng, Lê Lợi sẽ có giá khoảng hơn 700-900 tỷ.

Với diện tích hơn 1.682m2 tại tuyến phố Lê Thánh Tông cũng có giá dự đoán vào khoảng hơn 85 tỷ.

Khu đất còn lại có diện tích 14.147m2, sẽ có giá giao động khoảng 400- 500 tỷ.

Ông Nam nhấn mạnh, đây là mức giá sàn mặt đất được tính theo giá thị trường. Tuy nhiên, giá trị những khu đất đó sẽ tăng lên theo cấp số nhân tùy thuộc vào mục đích quy hoạch của chủ đầu tư và thành phố.

Ví dụ, mảnh đất đó nếu được quy hoạch thành khu công viên, trường học thì diện tích trên mới có giá từ 60-80 triệu/m2. Ngược lại, nếu xây trung tâm thương mại, nhà cao tầng thì mức giá sẽ có thể lên tới hơn 90 triệu/m2 tùy từng vị trí.

Dừng lại, rà soát

Sở dĩ dự án xây dựng trung tâm hội nghị tỉnh Thái Bình gây chú ý vì, dự án được phê duyệt đầu tư theo hình thức BT, chỉ định thầu vốn đang gây nhiều tranh cãi.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, với lỗ hổng pháp lý và cách làm hiện nay, nếu để doanh nghiệp tự đề xuất – tự triển khai dự án BT, nhà đầu tư có thể “ăn 4 bước”: Lần đầu là đẩy tổng mức đầu tư dự án lên cao để nâng chi phí đầu tư; Lần hai là “ăn” phần trăm từ các nhà thầu do chủ đầu tư BT tự chỉ định; Lần ba là đẩy chi phí đầu tư hạ tầng khu đất dự kiến đổi lấy hạ tầng để được giảm trừ vào tiền sử dụng đất; Lần bốn là giá đất được tính khi chưa có hạ tầng, nên giá đất thường được tính ở mức rất thấp.

Do đó, việc để doanh nghiệp “tự tung, tự tác” lập dự án, thuê đơn vị thi công, thiết kế, trong khi vai trò giám sát của chính quyền địa phương và các sở, ngành mờ nhạt là nguyên nhân khiến tổng mức đầu tư đội lên nhiều lần, việc này sẽ giúp doanh nghiệp có thêm được nhiều héc ta đất đối ứng ở vị trí đắc địa.

Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ ra nhiều bất cập, sai phạm tại các dự án BT, BOT.

Mới đây, báo cáo tình hình kinh tế xã hội trước Quốc hội trong phiên khai mạc kỳ họp thứ tư sáng 23/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm 2018 Chính phủ sẽ tập trung chấn chỉnh những bất cập, sai phạm trong các dự án đối tác công tư, nhất là các dự án BOT, BT.

Về vấn đề này, ngày 1/11, trao đổi với Đất Việt, ông Đoàn Hồng Kỳ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Bình cho biết, hiện đang tạm dừng dự án, rà soát, xem xét lại toàn bộ dự án.

Lý do được giải thích là do e ngại từ chính chỉ đạo chung của Chính phủ.

“Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu rà soát lại toàn bộ những dự án đầu tư theo hình thức BT, nên địa phương cũng đang tạm dừng lại, chờ chỉ đạo”, ông Kỳ cho biết.

Ông Kỳ cho biết thêm, tinh thần của tỉnh là sẽ rà soát từng phần, cái gì triển khai được, cái gì phải dừng lại, sau đó sẽ tổng hợp, báo cáo lại UBND tỉnh.

Tuy nhiên, vị Giám đốc Sở cho biết, nếu không thực hiện theo hình thức chỉ định, mà tổ chức đấu thầu, đấu giá công khai thì địa phương phải chuẩn bị được đất sạch, rồi những lo ngại về nợ công… nên cũng rất khó khăn.

Sắp có khu đô thị hơn 30ha gần Trung tâm Hội nghị Quốc gia

Bài viết mới