Phát biểu tại phiên họp tổ Quốc hội ngày 24/10, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, rất nhiều ý kiến cho rằng, tăng trưởng của Việt Nam chạy theo gia tăng dầu thô, tín dụng. Tuy nhiên, từ năm 2016, Việt Nam bắt đầu đối mặt với thực tiễn ngành công nghiệp khai khoáng liên tục giảm và giảm rất sâu, trong đó đầu tiên là dầu thô, tiếp đó là than đá.
“Theo kế hoạch khai thác dầu thô năm 2017 chỉ đạt 13,28 triệu tấn, so với 2016 giảm 3 triệu tấn, so với 2015 giảm 4,54 triệu tấn. Cứ mỗi 1 triệu tấn dầu thô giảm đi thì GDP giảm 0,25%, giảm 3 triệu tấn làm giảm GDP 0,75%.
Giờ muốn khai thác thêm để tăng trưởng thì cũng không được vì phải đi vào vùng biển xa, trữ lượng dầu thô giảm. Chúng ta cũng không có nhiều dầu thô đâu và lượng có khả năng thương mại thấp chứ không nhiều”, Phó thủ tướng nói.
Theo Phó thủ tướng, nếu năm 2016, tăng khai thác như năm 2015 thì GDP tăng thêm 0,75%, đạt tăng trưởng gần 7%. Tuy nhiên, năm nay thậm chí còn giảm hơn. Số liệu thống kê cho thấy, công nghiệp khai khoáng 9 tháng đầu năm giảm 8,08% nên không có việc tăng trưởng dựa vào dầu thô.
Về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, Phó thủ tướng khẳng định, Quốc hội không giao mà chỉ là chỉ tiêu định hướng nên Chính phủ có thể điều hành ở mức tăng trưởng 20-21%. 9 tháng năm nay tín dụng tăng 12%, tương đương 9 tháng năm ngoái nên câu chuyện tăng trưởng dựa vào tín dụng không phải.
“Nhiều ý kiến lo ngại 3 tháng cuối thì tăng thêm 9% tín dụng thì sợ lạm phát nhưng không lo ngại vì đây chỉ là chỉ tiêu định hướng thôi. Điều hành tín dụng cũng còn phụ thuộc khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Trước đây tín dụng tăng 30- 36%, năm 2009 cao điểm nhất là 53,9% thì giờ chỉ còn một nửa”, ông nói.
Phó thủ tướng cũng cho rằng, tổng mức tăng trưởng tín dụng không quan trọng bằng chất lượng tín dụng. Chỉ cần 1 công ty bất động sản bị vỡ nợ sẽ kéo theo dây truyền đỗ vỡ. Vừa rồi Chính phủ có cuộc họp quan trọng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước báo cáo các khoản nợ trên 5.000 tỷ đồng cho thấy, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các tập đoàn địa ốc, phần lớn là nợ nhóm 1 có khả năng mất vốn cao nhất, có tập đoàn lên cao nhất 20.000 tỷ đồng.
“Vừa rồi chủ yếu tín dụng chảy vào công nghiệp chế tạo, nông nghiệp nên tăng trưởng giảm bớt phụ thuộc vào đầu tư vốn, tín dụng. Cái đó hoàn toàn phù hợp với quy luật”, Phó thủ tướng nói.
Phân tích về động lực tăng trưởng cho năm 2017, Phó thủ tướng cho biết, theo số liệu từ các tổ chức nghiên cứu độc lập, hiện công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng rất mạnh chính là động lực tăng trưởng của quý III và 9 tháng đầu năm.
Trong đó, riêng công nghiệp chế biến chế tạo năm ngoái sự cố Glaxy Note 7 khiến Samsung mất 1 tỷ USD nhưng cả quý I/2017 đã chuyển sang Note 8 nên giúp nhóm sản xuất điện tử linh kiện trong 9 tháng tăng hơn 41%, trong đó Samsung tăng 45%, công nghiệp của Bắc Ninh tăng 25,1%, Hải Phòng tăng 20,1%, Thái Nguyên tăng 18,1%, hải Dương 11,2%, Đồng Nai 8,3%,…
“Tỷ lệ nội địa của Samsung hiện nay là 57%, trước đây là 20,1%, bao gồm doanh nghiệp Việt Nam tham gia và các doanh nghiẹp nội địa Hàn Quốc sang sản xuất ở Việt Nam. Nếu tình hình tiếp tục diễn ra như vậy, thì công nghiệp chế tạo dự kiến tăng 13,5%, cao nhất từ năm 2010 trở lại đây, không chỉ bù đắp cho công nghiệp khai khoáng mà còn là động lực để tăng trưởng”, ông cho biết.
Bên cạnh đó, xây dựng tăng từ 9- 9,5% do đầu tư hạ tầng đô thị và các dự án FDI và cả năm dự kiến là 7,5 – 8%, đóng góp vào 2,5- 2,6% tăng GDP.
Dịch vụ năm 2017 cũng có sự bứt phá, tăng trưởng đồng điều ở các tỉnh, trong đó bán buôn bán lẻ tăng cao nhất, du lịch quốc tế tăng mỗi tháng thêm 1 triệu khách du lịch, bình quân mấy tháng gần đây tăng 30% và còn tăng mạnh hơn từ nay tới cuối năm khi có có dịp lễ lớn.
“Riêng du lịch, dịch vụ đóng góp 3,2% điểm tăng trưởng trong tăng trưởng GDP 6,7%, cao hơn xây dựng và hoàn toàn bù đắp được sụt giảm của dầu khí. Thà tăng 1 triệu khách du lịch còn hơn tăng 1 triệu tấn dầu thô, vì vừa xanh, vừa sạch, vừa đẹp”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Nông nghiệp 9 tháng tăng 2,78% gấp 4,3 lần năm 2016. Chính phủ phấn đấu đạt 3- 3,05% của cả năm nay. Toàn ngành trong 9 tháng đóng góp vào tăng trưởng 0,43 điểm %, gấp 4 lần cùng kỳ năm 2016 và khả năng đạt 30- 34 tỷ USD xuất khẩu nông sản.
Ngoài ra, nông nghiệp 9 tháng tăng 2,78% gấp 4,3 lần năm 2016 cũng được đại diện Chính phủ chỉ ra là một trong số những động lực tăng trưởng. Chính phủ phấn đấu nông nghiệp cả năm nay đạt 3 – 3,05%. Riêng 9 tháng đầu năm nay, toàn ngành nông nghiệp đóng góp vào tăng trưởng 0,43 điểm %, gấp 4 lần cùng kỳ năm 2016 và khả năng đạt 30- 34 tỷ USD xuất khẩu nông sản.
“Về xuất khẩu, trong nước phục hồi khi đạt cao nhất từ năm 2012 tới nay và thu hẹp khoảng cách xuất khẩu giữa FDI và trong nước. Nhập siêu 9 tháng chỉ còn 300 triệu USD so với 2,5 tỷ USD (nhập máy móc) của 6 tháng. Bán lẻ thì năm nay doanh thu dịch vụ tiêu dùng dự kiến tăng 11-12%, lần đầu tiên trên 10%”, Phó thủ tướng nói thêm.