Tết và “cuộc chiến” hàng nội – hàng ngoại

Hàng Việt lên ngôi

Theo ghi nhận của phóng viên về thị trường hàng hoá trong dịp Tết Nguyên đán tại Hà Nội, năm nay, mặt hàng bánh mứt kẹo dồi dào, đa dạng hơn, giá cả cũng không tăng đột biến. Trong khi tại các siêu thị lớn như Vinmart, Big C, Vinaconex, hàng Việt Nam chiếm khoảng 70-80%. Đặc biệt, năm nay các mặt hàng có uy tín của Việt Nam như Bánh Mứt Kẹo Hà Nội, Bibica, Hải Hà, Kinh Đô, Hữu Nghị… có sức mua mạnh, cùng đó là sự xuất hiện ít dần của các mặt hàng nhập khẩu.

Tại các siêu thị mini hoặc cửa hàng bán lẻ trên các các phố Hàng Buồm, Chợ Hàng Da lại đang diễn ra sự cạnh tranh khá gay gắt giữa hàng nội và hàng ngoại. Hầu như trên các kệ hàng bán bánh kẹo phục vụ tết, các loại bánh kẹo trong nước của nhiều doanh nghiệp sản xuất đang dần chiếm được lợi thế và lòng tin của người tiêu dùng. Năm nay, ngoài chất lượng, các đơn vị kinh doanh cũng trưng bày sản phẩm rất công phu với sự đa dạng các chủng loại, mẫu mã, nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ của hàng hoá.

Theo chị Minh Hải – chủ 1 siêu thị minimax trên đường Lương Thế Vinh – hiện nhu cầu mua sắm của người dân rất cao vì các cơ quan, doanh nghiệp bắt đầu trả lương thưởng cho người lao động. Các mặt hàng như bánh kẹo, rượu bia được tiêu thụ mạnh.

Đặc biệt, do thời tiết năm nay rét nên các mặt hàng rượu bán chạy hơn bia. Cũng theo chị Hải, phần lớn người tiêu dùng năm nay quan tâm đến các mặt hàng sản xuất trong nước vì giá cả hợp lý, có xuất xứ rõ ràng và chất lượng tốt cũng như mẫu mã đẹp, bắt mắt.

Đặc biệt, trong dịp Tết năm nay, người tiêu dùng đều hướng về các sản phẩm truyền thống mang đậm phong tục của người Việt. Những sản phẩm chế biến từ nông sản, đặc sản Việt là xu hướng mua sắm trong những năm gần đây. Trong đó, các mặt hàng được sản xuất từ trái cây, rau củ của Đà Lạt như dâu tây, atiso, hồng sấy khô… với giá cả phải chăng, chất lượng tốt được đánh giá phù hợp với nhiều phân khúc người tiêu dùng.

Theo chị Nông Phương Lan (Bắc Kạn), hiện nay, người tiêu dùng rất quan tâm đến chất lượng và các sản vật của địa phương, do vậy, trong dịp này, gia đình chị nhận được rất nhiều đơn đặt hàng miến dong Ngân Sơn, gạo và rượu ngô Bằng Phúc.

Người mua ưu tiên chất lượng

Dạo quanh thị trường hàng hoá dịp Tết 2018 có thể thấy, thị hiếu người tiêu dùng vẫn tập trung vào các sản phẩm quà tặng tiện lợi, bắt mắt, sang trọng. Đặc biệt là việc lựa chọn các giỏ quà tết cũng rất đa dạng và phong phú với giá dao động từ vài trăm đến hàng triệu đồng.

Hiện trên thị trường, các giỏ quà cũng có rất nhiều lựa chọn từ 200.000 đồng đến 2 triệu đồng/giỏ quà tuỳ vào chất lượng của hàng hoá và rượu. Nếu giỏ quà là các sản phẩm rượu bia, bánh kẹo nội thì giá chỉ bằng ½ các sản phẩm ngoại nhập. Ví dụ như 1 hộp bánh quy bơ nhập khẩu từ Đức, Pháp thường có giá ít nhất từ 130.000-350.000 đồng/hộp.

Trong khi đó, sản phẩm sản xuất trong nước chỉ có giá từ 30.000-120.000 đồng/hộp (tùy khối lượng). Theo chị Mai Anh (KĐT Đặng Xá, Gia Lâm), cuối năm cũng là dịp cảm ơn đồng nghiệp, đối tác và gia đình nội, ngoại 2 bên nên ngoài những tặng phẩm có giá trị cũng cần có 1 giỏ quà để người tặng và người nhận cảm nhận sự chia sẻ. Do vậy, ngoài hình thức, chất lượng của sản phẩm cũng là vấn đề cần phải quan tâm.

“Hiện các sản phẩm trong nước sản xuất chất lượng không thua kém các sản phẩm nước ngoài và rõ ràng về nguồn gốc, giá hợp lý, do vậy gia đình tôi đều lựa chọn bánh nội làm quà biếu” – chị Mai Anh chi sẻ. Ngoài việc mua giỏ quà Tết, người tiêu dùng lựa chọn thêm các loại hoa quả sấy nhập khẩu như hoa quả sấy của Thái Lan với mức giá khá cao. Cụ thể, giá các loại mứt sấy, hoa quả sấy được bán với giá từ 500.000 – 800.000 đồng/kg như mứt xoài với giá 550.000 đồng/kg, mứt bưởi 650.000 đồng/kg, mứt chanh vàng 500.000 đồng/kg…

Theo 1 chủ cửa hàng bánh kẹo tại phố Hàng Buồm, cửa hàng nhập cả hàng nội và hàng ngoại với tỉ lệ tương đương nhau để khách hàng có nhiều sự lựa chọn. Nếu mua về để thưởng thức, tiếp khách, đa số khách hàng chọn hàng nội. “Với tâm lý sắm Tết an toàn, cùng với ý thức “Người Việt dùng hàng Việt” hiện nay phần lớn người tiêu dùng đã lựa chọn các sản uy tín được sản xuất trong nước. Do vậy, các nhà sản xuất cần đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng để người tiêu dùng ngày một yên tâm hơn” – chị Mai Anh cho biết.

Hàng ngoại có “át” được hàng nội tại thị trường Việt Nam?

Bài viết mới