Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ yếu, có 9 nhóm hàng tăng giá, trong đó hàng hóa và dịch vụ ăn uống tăng 1,53%, giao thông tăng 0,79%, đồ uống và thuốc lá tăng 0,75%, hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,74%, văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,72%. Các nhóm hàng hóa còn lại cũng có sự tăng nhẹ.
Về nguyên nhân CPI “leo dốc”, phía Tổng cục Thống kê cho biết do Tết Nguyên Đán năm nay rơi vào giữa tháng 2 nên nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng cao.
Theo đó, giá một số mặt hàng lương thực thực phẩm, đồ uống thuốc lá phục vụ cho dịp Tết cũng tăng lên. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng điện lớn trong dịp này đẩy giá điện sinh hoạt tăng 1,31%.
Ngoài ra, giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 3,34% do một số đơn vị kê khai tăng giá chiều đông khách (trước Tết chiều từ Nam ra Bắc, từ thành phố về nông thôn và sau Tết là chiều ngược lại) từ 20%-60% so với giá vé bán ngày thường nhằm bù đắp phần chi phí cho phương tiện chạy chiều vắng khách.
Giá vé tàu hỏa tăng 19,26% do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tăng giá vé vào dịp Tết Nguyên Đán. Thời gian nghỉ Tết dài ngày nên nhu cầu du lịch tăng cao dẫn tới chỉ số giá nhóm du lịch trọn gói tăng 0,7% so với tháng trước.
Lạm phát cơ bản tháng 2 tăng 0,49% so với tháng trước và tăng 1,47% so với cùng kỳ 2017. Chỉ số giá vàng tháng 2 tăng 1,83% so với tháng trước, tăng 6,05% so với cùng kỳ. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 2 giảm 0,01% so với tháng trước và tăng 0,04% so với cùng kỳ năm ngoài.