Hàng triệu người Trung Quốc sẽ chen chúc trên những chuyến tàu để về quê, tạo nên cuộc hành hương lớn nhất thế giới vào dịp Tết Âm lịch hàng năm. Do dân số quá đông đúc, cuộc hành hương này thường tạo ra những trải nghiệm không mấy dễ chịu. Tuy nhiên, nỗ lực bước vào thế giới của những đoàn tàu siêu tốc của Chính phủ Trung Quốc đang góp phần nào khiến hành trình này thay đổi.
Trung Quốc vốn đã có hệ thống tàu viên đạn (bullet train) dài nhất thế giới, nhưng nước này đang có kế hoạch đầu tư 3.500 tỷ nhân dân tệ (tương đương 556 tỷ USD) để mở rộng hệ thống đường sắt thêm 18% trong vòng 2 năm tới, nâng tổng chiều dài lên 150.000 km.
Phần lớn số tiền này sẽ được dùng để mở rộng mạng lưới về phía Tây, trong đó bao gồm những nơi có địa hình phức tạp mà nhà thơ Lý Bạch từng miêu tả là đồi núi trập trùng mức khó như đường lên trời.
Gần 400 triệu người – tức là lớn hơn cả dân số Mỹ – sẽ đi lại bằng tàu trong dịp lễ Xuân Vận. Các nhà máy và văn phòng ở Trung Quốc đều đóng cửa trong kỳ nghỉ kéo dài 1 tuần, khi Trung Quốc chứng kiến cuộc di cư lớn nhất trên hành tinh này. Rất nhiều trong số 1,4 tỷ dân Trung Quốc trở về quê nhà để đoàn tụ với gia đình, bên cạnh đó ngày càng có nhiều người tận dụng cơ hội này để đi du lịch ở cả trong và ngoài nước.
Trong khi ở nhiều nơi trên thế giới, giá vé máy bay ngày càng rẻ khiến sức hấp dẫn của các loại tàu giảm sút, ở Trung Quốc điều ngược lại đang diễn ra. Trong dịp Tết âm lịch năm ngoái, lần đầu tiên có nhiều người chọn tàu viên đạn làm phương tiện di chuyển hơn là chọn các phương tiện truyền thống.
Dù chỉ mới xuất hiện khoảng 10 năm trở lại đây, tàu cao tốc đã bùng nổ ở Trung Quốc với hơn một nửa trong số 25.000 km mạng lưới được xây dựng trong giai đoạn từ 2013 đến 2017. Trung Quốc còn có kế hoạch đến năm 2025 sẽ tăng gấp rưỡi chiều dài mạng lưới, với 8 đường ray chính phục vụ tàu viên đạn chạy từ Đông sang Tây sẽ được khánh thành năm 2030. Ngoài ra còn có 8 đường khác chạy từ Nam đến Bắc.
Giới phân tích nhận định các tuyến tàu mới ngoài chuyện đáp ứng nhu cầu đi lại trong các dịp cao điểm còn có thể thúc đẩy tăng trưởng du lịch và các ngành dịch vụ khác, đồng thời phần nào lấp đầy khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa miền Đông và miền Tây.
Tuyến mới nhất vừa khai trương tháng 12 năm ngoái, nối Thành Đô (thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên) với Tây An (thành phố nằm ở phía Tây Bắc nổi tiếng với đội quân đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Có tốc độ tối đa 250km/giờ, tàu cao tốc xuyên qua những vùng rừng núi với thời gian chỉ bằng 1/4 so với tàu bình thường. Giá vé khởi điểm 42 USD bằng một nửa so với vé máy bay 1 chiều.
Chen Gaozhi, 1 doanh nhân sống ở Tây An , sẽ đi trên chuyến tàu này để về quê. Anh cho biết suốt 10 năm qua vẫn chọn máy bay làm phương tiện di chuyển trong dịp này, nhưng máy bay cũng thường xuyên bị chậm chuyến. “Trải nghiệm tồi tệ nhất là cách đây 4 năm khi tôi bay trở lại Tây An sau kỳ nghỉ Tết. Chuyến bay có lịch là 6h chiều nhưng phải đến nửa đêm máy bay mới cất cánh”, anh nói.
Theo ước tính mùa Xuân Vận năm nay sẽ có khoảng 390 triệu chuyến tàu trong vòng 40 ngày bắt đầu từ tháng 2, tăng 8,8% so với 1 năm trước và cao gần gấp đôi so với con số 200 triệu chuyến của năm 2010.
Lần cuối cùng Gaozhi về quê nghỉ lễ bằng tàu là từ khi còn đang là sinh viên. Chuyến đi kéo dài tới 16 giờ đồng hồ. Giờ thì anh sẽ chỉ mất hơn 3 giờ để có thể về nhà.