Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) là doanh nghiệp kinh tế quốc phòng 100% vốn nhà nước, vốn điều lệ 100.000 tỷ đồng. Theo quyết định của Thủ tướng, tới năm 2020, vốn điều lệ của Tập đoàn này sẽ tăng lên 300.000 tỷ đồng.
Trong số các công ty con trực thuộc Tập đoàn Viettel, 4 đơn vị đã tiến hành cổ phần hoá và trở thành công ty đại chúng bao gồm: Viettel Post, Viettel Global, Viettel Consultant và Viettel Construction. Trong số đó, Viettel Construction đã lên sàn Upcom với mã chứng khoán CTR; đóng cửa phiên ngày 8/12, giá cổ phiếu này là 26.200 đồng. Theo dự kiến, Viettel Global cũng nối tiếp danh sách lên sàn Upcom trong những công ty con của Viettel.
Tuy nhiên, công ty được chờ đợi nhất và cũng là “con gà đẻ trứng vàng” của Tập đoàn Viettel – Viettel Telecom thì chưa có công bố về kế hoạch cổ phần hoá hoá cụ thể, cũng như thời gian IPO hay niêm yết dù đã có quyết định cổ phần hoá từ hơn 10 năm trước.
Các công ty đã cổ phần hóa của Viettel làm ăn ra sao?
Viettel Construction – công ty con đầu tiên của Viettel vừa đăng ký giao dịch ở sàn Upcom, có vốn điều lệ 471 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Viettel nắm 73,2% cổ phần. Tổng tài sản và vốn chủ sở hữu tại thời điểm 30/6/2017 lần lượt là 1.960 tỷ và 634 tỷ đồng.
Năm 2016, 43% doanh thu của Viettel Construction đến từ các thị trường nước ngoài. Năm 2017, Viettel Construction đặt mục tiêu 2.152 tỷ đồng doanh thu và 141 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế – tăng trưởng tương ứng là 25% và 7% so với năm 2016. Tỷ lệ cổ tức dự kiến từ 15-20%. Với 6 tháng đầu năm 2017, công ty có tổng doanh thu 1.272 tỷ, lợi nhuận trước thuế 62,9 tỷ đồng.
Viettel Global là công ty có vốn điều lệ lớn nhất trong số 4 công ty con đã được cổ phần hoá, với vốn điều lệ 22.438 tỷ đồng, quy mô tổng tài sản đạt 48.685 tỷ đồng. Công ty này đang kinh doanh ở 9 thị trường, đã bao gồm cả Myanmar (dự kiến khai trương dịch vụ di động vào quý I/2018). Tuy nhiên, Viettel Global không bao gồm Viettel Peru với thương hiệu Bitel (trực thuộc Tập đoàn Viettel) – đơn vị kinh doanh ở nước ngoài có lãi nhất.
Trong giai đoạn đầu tư lớn và chịu tác động bởi tỷ giá, Viettel Global đã ghi nhận khoản lỗ lớn trong năm 2016 để lại khoản lỗ luỹ kế 2.333 tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2017. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2017, nhờ số lượng thuê bao tăng trưởng mạnh mẽ ở các thị trường mới và tỷ giá phục hồi ở hầu khắp các thị trường, đặc biệt là Mozambique, kết quả kinh doanh của Viettel Global đã có sự phục hồi.
6 tháng đầu năm, Viettel Global đạt 8.729 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm 2016 và đạt lợi nhuận trước thuế 651 tỷ đồng so với mức lỗ gần 1860 tỷ đồng cùng thời điểm năm ngoái.
Trong khi đó, Viettel Post có những thay đổi vượt bậc sau khi cổ phần hoá năm 2009. Theo dự kiến, Viettel Post sẽ niêm yết cổ phiếu tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội theo nghị quyết ĐHCĐ thường niên năm 2011. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, câu chuyện niêm yết không còn được đề cập ở nghị quyết các kỳ ĐHCĐ kế tiếp.
Từ năm 2011 đến nay, ViettelPost có tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân đạt 41% và tăng trưởng lợi nhuận là 47%. Năm 2016 với doanh thu đạt 2.928 tỷ đồng – tăng 47% và lợi nhuận sau thuế đạt 112 tỷ đồng – tăng gấp đôi; lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu đạt 4.947 đồng.
Hiện tại, với số vốn điều lệ là 182 tỷ đồng, Tập đoàn Viettel sở hữu 68,08%, nhóm MB Capital nắm 7,17% và ông Nguyễn Duy Tuấn nắm 5,08% (ông Tuấn đang làm Giám đốc chi nhánh Viettel Điện Biên, trước từng là Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom và Tổng giám đốc Viettel Post). Năm 2016, công ty này đã phát hành thêm gần 4,7 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2015. Trên thị trường OTC, giá của Viettel Post khoảng 60.000 đồng/cổ phiếu.
Viettel Consutant là công ty nhỏ nhất trong số 4 đơn vị đã cổ phần hoá và trở thành công ty đại chúng của Tập đoàn Viettel, với vốn điều lệ gần 41,6 tỷ đồng, với 68% sở hữu của công ty mẹ. Năm 2016, doanh thu công ty đạt 81 tỷ đồng, tăng 16% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế gần 18 tỷ đồng tăng khoảng 20% so với cùng kỳ.
Những công ty nào của Viettel sẽ lên sàn và IPO kế tiếp?
Theo dự kiến Viettel Global sẽ là công ty lên sàn kế tiếp và được thực hiện theo các quy định về cổ phần hoá và đăng ký giao dịch. Tuy nhiên, việc lên sàn của Viettel Global sẽ còn có những thay đổi khi hiện nay Bitel (Viettel Peru) vẫn do Tập đoàn Viêttel quản lý.
Thực tế, Bitel thuộc lĩnh vực của Viettel Global và vẫn cùng chung chỉ đạo nhưng do quy định của Peru nên công ty này chưa sáp nhập vào bộ phận phụ trách đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, sau thời gian 5 năm, Bitel sẽ đủ điều kiện nhập vào Viettel Global và đem lại hiệu quả nhảy vọt bởi hiện tại mảng kinh doanh tại Peru đang chiếm tới 40% tổng lợi nhuận từ đầu tư nước ngoài của Tập đoàn Viettel (trong 6 tháng đầu năm 2017).
Chưa hết, ông Lê Đăng Dũng – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cũng tiết lộ việc có thể bán một phần các công ty con của Viettel ở nước ngoài bởi có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Trên thực tế, Viettel Global có dự kiến bán một phần mạng di động Metfone tại Campuchia (công ty đã thu hồi hết vốn đầu tư và thu lãi 200 triệu USD cho Viettel) nhưng chưa chốt đối tác. Và theo quy định của Tanzania, các mạng viễn thông tại quốc gia này phải IPO và niêm yết tối thiểu 25% cổ phần trên sàn giao dịch chứng khoán…
Trong khi đó, một số công ty thuộc Tập đoàn Viettel được xác định sẽ không cổ phần hoá theo quyết định của Thủ tướng gồm: Công ty TNHH một thành viên Nhà máy thông tin M3, Công ty TNHH một thành viên Nhà máy thông tin M1; và Công ty TNHH một thành viên Thương mại và Xuất nhập khẩu Viettel.
Vậy câu chuyện với Viettel Telecom – công ty có lợi nhuận lớn nhất và mạnh nhất thuộc Tập đoàn Viettel thì sao?
Cho đến nay, đề án tổng thể về tái cấu trúc, sắp xếp lại Tâp đoàn Viettel vẫn chưa được trình và phê duyệt, cũng chưa được công khai nên chưa thể xác định chính xác về vấn đề cổ phần hoá hay IPO Viettel Telecom dù trước đó công ty tiền thân đã có quyết định của Thủ tướng.
Trao đổi với báo Trí thức trẻ, Tiến sĩ Trần Toàn Thắng – Trưởng ban Kinh tế Thế giới (Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch Đầu tư) nói: “ Có nhiều quan điểm khác nhau, một số người cho rằng làm ăn tốt thì cổ phần hoá mới có người mua nhưng sự thay đổi cần hướng tới việc tốt hơn. Ở một số quốc gia, ngay cả trong lĩnh vực quốc phòng cũng do tư nhân cung cấp, Nhà nước khôg can thiệp. Ở đây, cổ phần hoá phải gắn với quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp, làm cho nó hiệu quả hơn. Còn nếu không hiệu quả hơn được thì cổ phần hoá hay không sẽ không có ý nghĩa”.
Trong khi đó, chia sẻ quan điểm về cổ phần hoá, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết, chỉ giữ lại doanh nghiệp lo cho quốc phòng – an ninh, các doanh nghiệp quân đội làm “kinh tế đơn thuần” cần được cổ phần hóa. Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Trần Văn Hiếu cũng đề nghị dù có thành lập cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thì tốt nhất vẫn nên cổ phần hóa.