Ngày 14/03/2018 sẽ diễn ra phiên đấu giá chào bán cổ phần lần đầu của Tổng công ty Lương thực miền Nam – Công ty TNHH MTV (Vinafood 2). Hơn 114,8 triệu cổ phiếu được chào bán với giá khởi điểm 10.100 đồng.
Theo phương án cổ phần hóa, Vinafood 2 có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng do Nhà nước sở hữu 51%, bán cho cổ đông chiến lược 25%, chào bán ra bên ngoài 22,97%, còn lại bán cho nhân viên và công đoàn của Tổng công ty.
Tổng công ty Lương thực miền Nam là doanh nghiệp kinh doanh hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh, xuất nhập khẩu lương thực, thực phẩm chế biến, nông sản và dự trữ, lưu thông lương thực…. Giữ một vị thế lớn trong ngành với có hệ thống phân phối bao phủ khắp các tỉnh khu vực phía Nam song tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh, công tác tìm kiếm và phát triển thị trường mới cũng như chất lượng sản phẩm và chủng loại còn gặp nhiều hạn chế.
Theo bản công bố thông tin, cho đến thời điểm 16 giờ, ngày 27/7/2017, Tổng công ty chỉ nhận được duy nhất 01 bộ Hồ sơ tham gia nhà đầu tư chiến lược của Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T. Trước đó, khi xây dựng Phương án cổ phần hóa chỉ có 02 nhà đầu tư quan tâm và mong muốn làm nhà đầu tư chiến lược là Công ty Cổ phần FPT và Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T. Tuy nhiên, Công ty cổ phần FPT, hồ sơ để xem xét, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược không có đủ tính pháp lý (chỉ có hồ sơ photocopy).
Đến thời điểm hoàn thiện Phương án cổ phần hóa Công ty mẹ – Tổng công ty Lương thực miền Nam (15/12/2017), Tổng công ty chỉ nhận được hồ sơ của Công ty cổ phần Tập đoàn T&T đề nghị tham gia làm nhà đầu tư chiến lược.
Do đó, để kịp tiến độ theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Vinafood 2 đề xuất lựa chọn công ty cổ phần Tập đoàn T&T làm nhà đầu tư chiến lược để Ban chỉ đạo cổ phần hóa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trước đó, Vinafood 2 cho biết muốn lựa chọn nhà đầu tư chiến lược có uy tín trong ngành, đặc biệt là có năng lực tài chính để tái cơ cấu tài chính, có khả năng tìm kiếm, phát triển thị trường mới và nhà đầu tư có hệ thống kênh phân phối trong và ngoài nước để hỗ trợ Tổng công ty.
Tổng công ty này đã đặt ra nhiều tiêu chí cho nhà đầu tư chiến lược như phải có tối thiểu 03 năm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nông sản, lương thực; có giá trị tổng tài sản tại thời điểm 31/12/2015 theo báo cáo tài chính có kiểm toán tối thiểu là 10.000 tỷ đồng, vốn điều lệ của năm trước năm đăng ký tham gia nhà đầu tư chiến lược tối thiểu đạt 3.500 tỷ đồng; Có lợi nhuận sau thuế trong 03 năm liên tiếp và có tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu ≥ 5%, tỷ lệ lợi nhuận/tài sản ≥ 1% trong 03 năm liền kề trước năm đăng ký tham gia nhà đầu tư chiến lược… Và đối tác này phải cam kết cùng Tổng công ty thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, thực hiện liên kết với nông dân tạo thành chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu gạo của Tổng công ty.
Với 125 triệu cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược (25%), tạm tính theo giá khởi điểm của cuộc đấu giá IPO, lượng tiền mà T&T của bầu Hiển phải bỏ ra là 1.262 tỷ đồng.