Năm 2017, tăng trưởng GDP đạt 6,81%, lạm phát chỉ 3,53% trở thành những điểm nhấn cơ bản của kinh tế vĩ mô. Kết quả này có được là do sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Chính phủ. Đồng thời, điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động hệ thống tổ chức tín dụng đã đóng góp phần rất tích cực trong đó. Nhân dịp Tết Nguyên đán, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chia sẻ về định hướng của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2018.
Thưa bà, năm 2017, mặc dù tín dụng chỉ tăng 18,17%, nhưng đã hỗ trợ tăng trưởng GDP tăng tới 6,81%, vượt xa mục tiêu 6,7% từ đầu năm 2017. Bà có thể giải thích rõ về vấn đề này trên phương diện điều hành chính sách tiền tệ như thế nào?
Cần nhìn nhận kết quả tăng trưởng kinh tế vượt bậc của năm 2017 là thành quả nỗ lực chung của toàn nền kinh tế, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, sáng tạo; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhất là đối với các ngành sản xuất định hướng xuất khẩu; môi trường kinh tế vĩ mô ổn định.
Trong kết quả chung nêu trên, có một phần đóng góp tích cực từ điều hành chính sách tiền tệ, thể hiện trên các mặt sau:
Thứ nhất, đã góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi, giảm rủi ro cho các hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư. Cụ thể: lạm phát được kiểm soát ở mức 3,53%, thấp hơn chỉ tiêu do Quốc hội đề ra.
Đáng chú ý, điều hành chính sách tiền tệ đã giúp đảm bảo duy trì lạm phát cơ bản bình quân cả năm ở mức 1,41%, tạo dư địa để Chính phủ điều chỉnh giá các mặt hàng và dịch vụ nhà nước quản lý (điện, dịch vụ y tế).
Cùng đó, mặt bằng lãi suất cho vay có xu hướng giảm 0,5-1%/năm; dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng kỷ lục, củng cố và gia tăng niềm tin của nhà đầu tư đối với môi trường vĩ mô Việt Nam.
Thứ hai, chính sách tiền tệ đã đáp ứng đủ vốn cho nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Từ đầu năm, căn cứ mục tiêu tăng trưởng và lạm phát, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng chỉ tiêu định hướng tín dụng cả năm tăng khoảng 18%, có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.
Trên cơ sở đó, trong điều hành, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tăng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế. Năm 2017, tăng trưởng tín dụng thực tế đạt 18,17%, phù hợp với định hướng đầu năm, đặc biệt trong điều kiện giải ngân vốn đầu tư công gặp khó khăn thì tín dụng đã tăng ngay từ tháng đầu năm, góp phần thúc đẩy để cải thiện tốc độ tăng trưởng kinh tế ngay trong quý II/2017.
Thứ ba, tín dụng mở rộng đi đôi với an toàn, hiệu quả, tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh (chiếm khoảng 80% tổng dư nợ), nhất là lĩnh vực ưu tiên. Đến tháng 11/2017, tín dụng đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 26,93%; tín dụng đối với ngành bán buôn và bán lẻ tăng 23% và chiếm tỷ trọng 17,8% (cùng kỳ năm 2016 là 14,02% và 16,46%).
Đặc biệt, tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ như: tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 22,1%; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 11,53%; tín dụng đối với ngành công nghiệp ưu tiên phát triển tăng khá mạnh với tốc độ ước đạt 22,13%; cho vay ứng dụng công nghệ cao ước tăng 20%; tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 14,03%…
Thứ tư, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro được kiểm soát chặt chẽ. Đến tháng 11/2017, tỷ trọng tín dụng cho các ngành có tính rủi ro cao có chiều hướng giảm như tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản giảm từ 7,71% năm 2016 xuống 6,53% tổng dư nợ, tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán chỉ chiếm khoảng 0,17% tổng dư nợ.
Năm 2017, tỷ giá gần như ổn định suốt một thời gian dài, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành và xử lý mối quan hệ giữa cung ứng VND với điều hành tỷ giá như thế nào?
Năm 2017, thực hiện chủ trương của Quốc hội và Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, phấn đấu tăng dự trữ ngoại hối, điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, ổn định và phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều hành đồng bộ các công cụ, đưa tiền ra, thu tiền về linh hoạt để thực hiện mục tiêu đề ra.
Trong năm 2017, kinh tế vĩ mô ổn định, nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ đã thu hút đáng kể các dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước; cán cân thương mại thặng dư lớn, dòng tiền ròng đầu tư nước ngoài chảy vào trong nước tăng mạnh, tính chung cả năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã mua ròng được hơn 13 tỷ USD, kết quả là, nâng quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước lên mức kỷ lục gần 53 tỷ USD.
Để đạt được kết quả này, Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt bám sát diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh linh hoạt tỷ giá theo hướng mua ngoại tệ từ các tổ chức tín dụng theo cả 2 chiều tăng/giảm trong những giai đoạn cung – cầu ngoại tệ thuận lợi nhằm đạt 2 mục đích: vừa bổ sung dự trữ ngoại hối; vừa ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ.
Thông qua việc đưa tiền ra qua mua ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động hỗ trợ thanh khoản VND cho hệ thống tổ chức tín dụng và nền kinh tế. Trên thực tế, việc đưa tiền qua nghiệp vụ thị trường mở và tái cấp vốn chủ yếu để hỗ trợ thanh khoản khi thị trường thiếu hụt tạm thời (nhất là trước các dịp lễ, Tết) để tổ chức tín dụng cân bằng năng lực tài chính trong việc cấp tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Với việc điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ nêu trên, tỷ giá nhìn chung diễn biến tương đối ổn định, hệ thống tổ chức tín dụng mua ròng ngoại tệ từ khách hàng, từ đó Ngân hàng Nhà nước mua được lượng lớn ngoại tệ để tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối nhà nước lên mức kỷ lục; các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng được kiểm soát tốt đã đảm bảo duy trì lạm phát cơ bản bình quân cả năm ở mức 1,41%; thanh khoản của các tổ chức tín dụng đảm bảo và có dư thừa, lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp, mặt bằng lãi suất ổn định và lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên tiếp tục giảm.
Chủ trương của Chính phủ trong năm 2018 là phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Vậy, xin bà cho biết Ngân hàng Nhà nước định hướng điều hành lãi suất như thế nào để thực hiện chủ trương trên?
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2018 ngày 9/1/2018, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước định hướng năm 2018, ngành ngân hàng tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiêp và nền kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng.
Theo đó, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét, cân nhắc điều chỉnh linh hoạt lãi suất trên thị trường mở để hỗ trợ tổ chức tín dụng có điều kiện giảm lãi suất cho vay với thời điểm và liều lượng phù hợp.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng vào cuộc cùng Ngân hàng Nhà nước để phát thông điệp mạnh mẽ ngành ngân hàng phấn đấu giảm lãi suất cho vay theo định hướng của Thủ tướng Chính phủ.
Ngay sau hội nghị, trên cơ sở cân đối tổng thể cung – cầu, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm mức niêm yết lãi suất chào mua OMO từ 5%/năm xuống còn 4,75%/năm để hỗ trợ các tổ chức tín dụng có điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Các chỉ đạo và chính sách nói trên đã được thị trường phản ứng tích cực, cụ thể là ngay sau hội nghị toàn ngành, 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, Agribank, Vietinbank và BIDV) đã điều chỉnh giảm ngay 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn, trung, dài hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên và VPBank cũng điều chỉnh giảm 0,5-1%/năm lãi suất cho vay đối với khách hàng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động tốt trong các lĩnh vực hàng tiêu dùng, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo và môi trường.
Như vậy, sau khi điều chỉnh, lãi suất cho vay của khối ngân hàng thương mại nhà nước (chiếm khoảng trên 48% thị phần cấp tín dụng của toàn hệ thống) phổ biến ở mức 6%/năm đối với ngắn hạn và khoảng 9-10%/năm đối với trung dài hạn.
Năm 2018 được dự báo là nền kinh tế tăng tốc nhanh. Vậy mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ cụ thể như thế nào để hỗ trợ tăng trưởng ở mức hợp lý và góp phần kiểm soát lạm phát như mục tiêu của Chính phủ, thưa bà?
Năm 2018, kinh tế thế giới và trong nước được dự báo có yếu tố thuận lợi nhưng cũng đan xen những khó khăn, thách thức. Trên cơ sở các mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ và đánh giá kinh tế vĩ mô, tiền tệ, năm 2018 Ngân hàng Nhà nước định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16%, tín dụng tăng khoảng 17%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Các trọng tâm điều hành bao gồm:
Thứ nhất, điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở phù hợp với diễn biến thị trường, tình hình vốn khả dụng của tổ chức tín dụng để hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ góp phần thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ.
Thứ hai, điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ ưu tiên các công cụ hỗ trợ để các tổ chức tín dụng có điều kiện giảm lãi suất theo hướng mở rộng toàn hệ thống.
Thứ ba, tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu.
Thứ tư, điều hành các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng nhưng có linh hoạt; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận tín dụng nhưng không lơ là kiểm soát rủi ro.