Nợ công có xu hướng giảm
Báo cáo của Thủ tướng cũng cho biết, trong 9 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã mua thêm 6 tỷ USD, nâng mức dự trữ ngoại hối lên cao nhất từ trước tới nay khi đạt trên 45 tỷ USD. Nợ công trong giới hạn cho phép và có xu hướng giảm; vốn FDI thực hiện đạt kỷ lục; thị trường chứng khoán cao nhất từ 2008; công tác quản lý thị trường, giá cả, phòng chống buôn lậu được tăng cường; năng lực cạnh tranh tăng; ước cả năm GDP đạt 6,7%;…
Đánh giá tình hình, Thủ tướng nhận định kinh tế vĩ mô đã có những bước chuyển tích cực, nhưng vẫn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém về: Chất lượng tăng trưởng; năng suất lao động; năng lực cạnh tranh; giải ngân vốn đầu tư; xử lý nợ xấu; tái cơ cấu nền kinh tế; quản lý đô thị; chất lượng giáo dục, đào tạo; phát triển thị trường khoa học công nghệ; phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm,…
Chất lượng tăng trưởng thấp hơn so với yêu cầu vẫn đang là thách thức với nhà điều hành. Nợ công cao, xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn. Đến cuối tháng 8/2017, tỷ lệ nợ xấu là 2,46%. Lũy kế từ khi hoạt động đến cuối tháng 7/2017, VAMC đã mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng với giá mua (mệnh giá trái phiếu đặc biệt) trên 261.000 tỷ đồng, trong đó đã thu hồi được trên 60.000 tỷ đồng…
Năng suất lao động xã hội của toàn nền kinh tế tăng 5,87%, tuy cao hơn so với năm 2016 nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao năng suất, chất lượng và cải thiện sức cạnh tranh của nền kinh tế so với các nước trong khu vực.
Nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước chậm tiến độ, hiệu quả thấp, thua lỗ, thất thoát. Dù số lượng thành lập mới khá cao, nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp, gắn kết với khu vực FDI còn hạn chế…
Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, tích tụ đất đai dù đã có chủ trương nhưng diễn ra chậm… “Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có quy định rõ ràng về cơ quan chịu trách nhiệm trong thực hiện, cũng như trách nhiệm của người đứng đầu; chậm đổi mới trong tư duy, cách nghĩ, cách làm”, Thủ tướng nhìn nhận.
Về xã hội, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm; chất lượng khám chữa bệnh tuyến y tế cơ sở chưa được người dân tin tưởng; trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, bạo lực có chiều hướng gia tăng. Các vấn đề tai nạn giao thông, cháy nổ, tội phạm hình sự… vẫn còn nổi cộm và chưa được giải quyết triệt để. Chính phủ cũng thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng cường quản lý tài nguyên, môi trường, chỉ đạo quyết liệt, xử lý nghiêm minh việc khai thác cát, rừng trái phép; chủ động thực hiện ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản,…
GDP năm 2018 dự kiến 6,5- 6,7%, lạm phát khoảng 4%
Về tình hình kinh tế năm 2018, Thủ tướng cho biết dự báo khu vực thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Mặc dù kinh tế thế giới phát triển hơn năm 2017 nhưng không đồng đều, tiềm ẩn rủi ro. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh xu hướng bảo hộ vẫn gia tăng, các thách thức phi truyền thống ngày càng gay gắt. Cuộc cách mạng 4.0 tác động trên nhiều phương diện vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn.
Dự kiến GDP năm 2018 rơi vào khoảng 6,5 – 6,7%
Trong bối cảnh đó, kinh tế trong nước còn tồn tại nhiều yếu kém, dư địa phát triển ngày càng hạn hẹp, cơ cấu nền kinh tế ở các ngành trọng điểm đòi hỏi nguồn lực và thời gian thực hiện.
Do đó, về tổng quát, Thủ tướng cho biết sẽ tiếp tục mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện các đột phá chiến lược; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất chất lượng hiệu quả sức cạnh tranh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp,…
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, nâng cao hiệu lực hiệu quả thực thi pháp luật, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí,…
Thủ tướng cũng công bố một số chỉ tiêu dự kiến cho năm 2018, gồm:
-Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,5-6,7% so với năm 2017
-Tốc độ khai thác tiêu dùng bình quân khoảng 4%
– Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7-8% so với năm 2017
– Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%
– Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 33-34% GDP
– Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%
-Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58 – 60%, trong đó lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có đạt 23%
Để thực hiện những chỉ tiêu này, theo Thủ tướng cần điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ phối hợp với chính sách tài khoá; nâng cao hiệu quả phân tích dự báo và ứng phó kịp thời với những biến động trong nước và quốc tế để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và những cân đối lớn của kinh tế nhất là về lao động, việc làm, vốn đầu tư phát triển,…
Tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, đảm bảo vốn tín dụng cho nền kinh tế nhất là ở các lĩnh vực ưu tiên gắn với kiểm soát chặt chẽ, nâng cao chất lượng tín dụng, quản lý hiệu quả thị trường ngoại tệ, vàng,…
Thực hiện chính sách tài khoá chặt chẽ, siết chặt kỷ luật tài chính ngân sách ở tất cả các ngành, cấp, tạo chuyển biến rõ nét trong chống thất thu nợ đọng thuế, chuyển giá. Triệt để tiết kiệm chi, gắn với bố trí các dự án, nhiệm vụ chi với khả năng cân đối nguồn lực… Đẩy mạnh đầu thầu trong công tác dịch vụ công.
Cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng tăng dần tỷ trọng thu nội địa, tỷ trọng chi đầu tư và giảm tỷ trọng chi thường xuyên, bảo đảm chi trả nợ. Phấn đấu giảm bội chi ngân sách nhà nước, đẩy mạnh cải cách khu vực công lập gắn với tinh giảm biên chế, sử dụng hiệu quả nợ công,…
Sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong nước và ngoài nước để phát triển kinh tế xã hội. Hoàn thiện cơ chế chính sách và huy động các nguồn lực đầu tư phát triển ưu tiên bố trí vốn đối ứng cho dự án oda để huy động nguồn lực ngoại tệ trong xã hội. Kiên quyết phòng chống lợi ích nhóm,…