Việc Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế hàng trăm ngàn mặt hàng trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung năm luật thuế nhận được rất nhiều ý kiến từ dư luận. Đa phần các ý kiến đều cho rằng nếu đề xuất của Bộ Tài chính được thông qua, ngân sách dù có thêm tiền nhưng sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Đó là đẩy thêm gánh nặng cho người nghèo; dung dưỡng cho tình trạng lãng phí, thất thoát ngân sách, chi vung tay quá trán.
Từ đó người dân và các chuyên gia đề nghị muốn an dân thì cần thận trọng, chưa nên tăng thuế đồng loạt. Thay vào đó phải giảm chi, tránh thất thoát, lãng phí và tạo môi trường thông thoáng để người dân bỏ tiền ra làm ăn.
Ông NGUYỄN VĂN PHỤNG, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính):
Sửa thuế theo tinh thần “khoan sức dân”
Việc Bộ Tài chính đang xây dựng chính sách, trong đó có đề xuất tăng một số mức thuế nhưng cũng có cả mức giảm thuế. Việc sửa các luật thuế không phải do chi nhiều hay ngân sách thiếu hụt nguồn thu.
Tinh thần “khoan sức dân” trong chủ trương xây dựng luật sửa đổi lần này thể hiện trên hai khía cạnh. Đầu tiên là chúng ta dự kiến sẽ đề xuất lên các cấp một số chính sách nhằm tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính để tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp (DN), giúp họ có thêm thời gian để tập trung nguồn lực, sức lực vào sản xuất, kinh doanh. Và khi sản xuất, kinh doanh đã phát triển thì với mức thuế dù ổn định và thấp hơn một chút mà quy mô DN tăng, doanh thu và thu nhập tăng thì chắc chắn tổng mức đóng góp cho ngân sách cũng sẽ tăng.
Ở khía cạnh thứ hai, Việt Nam (VN) hiện có trên 95% là DN nhỏ và vừa, trong đó có rất nhiều DN nhỏ, siêu nhỏ. Do vậy, chủ trương sửa đổi chính sách thuế lần này sẽ “khoan sức” cho một lớp đối tượng rất rộng trong cộng đồng DN… Việc còn lại là làm thế nào để giải thích cho người dân, DN hiểu và ủng hộ.
TS LÊ ĐĂNG DOANH, chuyên gia kinh tế:
Không thể hiện tinh thần khoan sức dân
Việc Bộ Tài chính dồn dập tăng nhiều loại thuế liên quan đến các mặt hàng thiết yếu là không hay, không thể hiện tinh thần khoan sức dân, không thể hiện tinh thần giảm chi phí của Chính phủ. Tăng thuế là tạo thêm gánh nặng cho người dân và DN.
Xin được dẫn chứng: Năm 2016, thu nhập bình quân của người VN khoảng 2.100 USD/người. Với khoản thu nhập như thế thì Ngân hàng Thế giới (WB) khuyên VN nên huy động thu thuế vào ngân sách nhà nước khoảng 18% GDP.
Thế nhưng hiện nay VN đã huy động nguồn thu từ thuế vào ngân sách khoảng 31%-32% GDP. Với một nước có thu nhập trung bình như VN mà cao như vậy là không bình thường.
Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục tăng thuế sẽ khiến người dân phải cắt giảm chi tiêu. Điều này đi ngược với mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Chính phủ thông qua thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng. Gia đình nghèo, thu nhập thấp sẽ phải thắt lưng buộc bụng trong chi tiêu. Thế nên việc đề xuất tăng thuế sẽ không được lòng dân và không hợp lý về kinh tế học, cũng như hoàn cảnh khởi nghiệp hiện nay.
Bộ Tài chính đưa ra lý do tăng thuế để phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng mới chỉ phù hợp một phần. Nếu Bộ Tài chính cứ lấy các khoản thu của những nước có thu nhập cao hơn rất nhiều so với VN để so sánh là chưa hợp lý, khập khiễng.
Các nước có thu nhập đến hàng chục ngàn USD/người trong khi VN chỉ hơn 2.100 USD/người. Ngay như Trung Quốc có thu nhập hơn 8.000 USD/người cũng thu thuế thấp, huy động vào ngân sách chỉ khoảng 21% GDP thôi.
Gia đình nghèo, thu nhập thấp sẽ phải thắt lưng buộc bụng trong chi tiêu nếu đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính được thông qua. Ảnh: HOÀNG GIANG
Bà PHẠM CHI LAN, chuyên gia kinh tế:
Sẽ tác động cả người nghèo
Việc tăng thuế sẽ ảnh hưởng lớn đến DN và người dân. Đơn cử trong trường hợp thuế giá trị gia tăng (VAT) tăng lên, giá hàng hóa đắt lên, người tiêu dùng sẽ mua ít đi thì thiệt hại lớn nhất vẫn là DN.
Trong khi đó, hàng xuất khẩu được miễn thuế sẽ có lợi về giá, cuộc cạnh tranh về giá sẽ cực kỳ khốc liệt đối với DN Việt.
Nguyên lý thuế ở các nước là đánh vào người cao hơn để chi cho người thấp hơn, hoặc cung cấp tiện ích cho phúc lợi xã hội. Thế nhưng dường như điều này trái ngược với quan điểm tăng thuế ở VN khi nhằm vào cả nhóm người nghèo và đối tượng thu nhập thấp.
TS VŨ THÀNH TỰ ANH, Giám đốc nghiên cứu của chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright:
Nếu tận thu, sức khỏe doanh nghiệp càng suy kiệt
Có thể hiểu được mục đích của việc tăng thuế mà Bộ Tài chính vừa đề xuất là để tăng ngân sách, nhằm giảm thâm hụt ngân sách và giảm nợ công. Tuy nhiên, vấn đề về nợ công và thâm hụt ngân sách của VN không xuất phát từ việc thu thuế thấp mà đến từ việc bội chi ngân sách và đầu tư công kém hiệu quả.
Cụ thể là nếu nhìn về phía thu ngân sách thì hiện chiếm khoảng 22%-23% GDP. Đây là mức thu trung bình ở khu vực nhưng cao hơn nhiều so với các nước có mức phát triển kinh tế tương đồng với VN.
Vấn đề lớn nhất của VN nằm ở phía chi ngân sách. Cho đến thời điểm này, chi ngân sách của VN đã lên tới 28%-29% GDP rồi. Đây là mức cao hơn tất cả các nước trong khu vực (trừ Trung Quốc) song là mức chi ngân sách cao vọt, cao một cách quá đáng so với các nước có mức phát triển tương đồng với VN. Do đó, vấn đề để giảm thâm hụt ngân sách và giảm nợ công không nằm ở phía thu ngân sách mà nằm ở phía chi ngân sách.
Hơn nữa, năm 2010 tỉ lệ DN có lợi nhuận để đóng thuế thu nhập DN chiếm khoảng 67%-68% thì đến thời điểm hiện tại, tỉ lệ này đã giảm xuống còn 32%-33%. Điều đó có nghĩa là sức khỏe của DN Việt đang ở giai đoạn suy kiệt. Giờ đây lại thêm một gánh nặng thuế nữa thì nó sẽ làm cho DN Việt vốn đã yếu sẽ ngày càng yếu hơn.
Trong lúc DN đã yếu mà lại bắt thêm gánh nặng thuế nữa thì không đi đúng chủ trương của Chính phủ là liêm chính – hành động – người đồng hành DN – sáng tạo – khởi nghiệp.
Do đó, vấn đề cần làm của Bộ Tài chính là kiểm soát nguồn chi ngân sách hiệu quả chứ không phải nhắm vào việc tăng thu thuế. Nếu như Bộ Tài chính tiếp tục tăng các loại thuế thì sẽ trở thành tận thu. Và nếu là tận thu thì sẽ vắt kiệt sức của DN, khiến DN yếu đi, làm cho sức mua của người tiêu dùng giảm xuống.
Trong khi đó, nếu nhắm vào việc kiểm soát nguồn chi ngân sách hiệu quả thì sẽ làm cho bộ máy làm việc hiệu lực hơn, làm cho kỷ cương ngân sách được thắt chặt. Như thế mới là cách làm đúng.
Hỏa tốc lấy ý kiến sửa đổi nhiều sắc thuế
Bộ Tài chính vừa có công văn hỏa tốc gửi Ủy ban Trung ương MTTQ VN, các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh/TP, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) cùng các hiệp hội DN khác về việc lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế VAT, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập DN, Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Thuế tài nguyên. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan cho ý kiến tham gia về các nội dung đề xuất. Đặc biệt, để kịp tiến độ trình Chính phủ, Bộ Tài chính yêu cầu các ý kiến phải gửi về trước ngày 29-8.
Phải nuôi dưỡng nguồn thu
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có ý kiến về đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế VAT, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập DN, Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Thuế tài nguyên.
Theo đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính đảm bảo nguồn thu, nuôi dưỡng nguồn thu, đặc biệt trong bối cảnh các khoản thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm do thực hiện các cam kết quốc tế; đảm bảo động viên ngân sách, chống xói mòn cơ sở thuế…
Về thuế VAT, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính xem lại quy định không phải kê khai nộp thuế đối với mặt hàng nông sản ở khâu thương mại; rà soát kỹ thêm nhóm hàng hóa dịch vụ cần nâng lên 11%-12% hoặc chuyển từ không chịu thuế VAT sang chịu thuế VAT.
__________________________
Không tăng thuế vẫn có tiền
Tôi cho rằng Bộ Tài chính vẫn có thể đạt được mục tiêu tăng ngân sách mà lại không phải tăng thuế. Để làm được điều này, Bộ Tài chính cần phải tiết giảm chi ngân sách và tăng hiệu quả chi ngân sách mới giải quyết được gốc rễ của vấn đề.
Cụ thể, nhìn vào ngân sách nhà nước trong 10 năm trở lại đây thì biến động bất thường nhất là chi thường xuyên. Nếu như năm 2011-2012, tỉ lệ chi thường xuyên chỉ chiếm khoảng 50% trong tổng chi ngân sách thì đến thời điểm này, tỉ lệ này đã tăng lên 70%-75%, tức là chi thường xuyên đã tăng hơn 20% trong vòng năm năm. Chứng tỏ là có sự phình to rất bất thường về mặt chi thường xuyên.
Hệ quả của nó là đến thời điểm này, tổng thu ngân sách chỉ vừa đủ cho chi thường xuyên và trả lãi nợ vay. Nghĩa là bất cứ một đồng đầu tư thêm nào thì đều phải đi vay nợ. Đây chính là nguồn gốc của việc tăng thâm hụt ngân sách và tăng nợ công.
TS VŨ THÀNH TỰ ANH