Với sự quyết tâm kiểm soát chặt chẽ của các ngân hàng, rủi ro đầu vào sẽ được giảm thiểu |
Cũng chính bởi vậy, không chỉ Sacombank, hiện có nhiều ngân hàng đang phải gấp rút tiến hành kiểm tra, rà soát lại quy trình, thủ tục nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động này. Trong đó, các lãnh đạo ngân hàng quan tâm đặc biệt đến các giải pháp chấn chỉnh đội ngũ nhân sự. Bởi trong số các rủi ro, rủi ro liên quan đến con người là khó kiểm soát nhất.
Bên cạnh đó, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, công tác quản lý nhân sự tại một số ngân hàng chưa nghiêm. Cụ thể là sự thiếu kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời của lãnh đạo cấp cao. Điều này tạo cơ hội cho nhân viên tham gia trục lợi, mà vụ việc có thể còn có sự thông đồng của người gửi tiền. Cách làm thường thấy nhất là ngụy tạo hồ sơ hoặc lợi dụng các kẽ hở về giấy tờ, về thủ tục để đánh cắp số tiền gửi tại ngân hàng…
Có lẽ nhận thức rõ được mấu chốt nằm ở phần nhân sự, nhiều ngân hàng không chỉ thêm một số quy trình kiểm tra chéo đối với hoạt động gửi tiền cũng như ràng buộc thêm điều kiện ở vị trí cấp trưởng phòng trở lên mà còn đầu tư hàng triệu USD vào công nghệ để tiến tới quy trình tự động hóa giao dịch.
Ông Phan Đình Tuệ – Phó Tổng giám đốc Sacombank cho biết đã đầu tư 100 triệu USD vào hệ thống phần mềm khởi tạo, phê duyệt và quản lý cấp tín dụng (LOS). Theo đó, hệ thống này sẽ giúp Sacombank quản lý xuyên suốt toàn bộ quy trình tín dụng; đồng thời dễ dàng hơn trong việc quản lý hồ sơ tín dụng, tài sản đảm bảo, hạn mức cũng như kiểm soát, tra cứu, báo cáo, quản trị rủi ro tín dụng, giảm nhân sự – tiết kiệm chi phí vận hành…
“Kiểm soát nội bộ là hoạt động quen thuộc tại tất cả các ngân hàng. Tuy nhiên, lực lượng này hạn chế về số lượng nên không thể kiểm soát tất cả nghiệp vụ phát sinh trong ngân hàng. Do đó, bên cạnh công tác kiểm soát hàng ngày đối với các nghiệp vụ quan trọng, việc sử dụng công nghệ xử lý hồ sơ giao dịch đảm bảo được độ chính xác tuyệt đối về số liệu”, ông Tuệ chia sẻ.
Cũng dùng công nghệ để tiến tới việc không phụ thuộc vào con người, SCB đã đầu tư một khoản rất lớn. Theo bà Trần Thị Minh Thảo – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ khách hàng SCB, song song với việc đầu tư công nghệ, SCB cũng đang dùng chính sách giám đốc lưu động để kiểm soát rủi ro đầu vào. Trong chính sách này, tất cả giám đốc chi nhánh đều phải đăng ký một kỳ nghỉ phép dài hạn trong năm (khoảng một tuần đến nửa tháng) và ngân hàng sẽ bố trí một giám đốc lưu động thay thế. Bên cạnh công việc điều hành các hoạt động thông thường của chi nhánh, người giám đốc lưu động còn có nhiệm vụ rà soát, đánh giá việc thực hiện các quy trình, quy định tại chi nhánh, đồng thời đánh giá việc thực hiện các trách nhiệm và quyền hạn của người giám đốc chi nhánh
Chưa đủ tiềm lực để dùng công nghệ thay thế con người như các ngân hàng khác, ngân hàng PvcomBank chọn cách đưa ra quy định là nếu số tiền gửi lớn thì chi nhánh hoặc phòng giao dịch đó phải thông báo về trụ sở để chuyển hồ sơ cũng như số tiền đó về trụ sở giao dịch. Đại diện của PvcomBank cho biết, việc phân công kiểm tra chéo giữa giám đốc và phó giám đốc, giữa bộ phận hỗ trợ và bộ phận kinh doanh, giữa bộ phận ngân quỹ và bộ phận giao dịch… dù thủ công nhưng cũng sẽ giảm thiểu đáng kể rủi ro.
Một số ngân hàng như Nam A Bank, VietBank, Bản Việt, ABBank… cũng đang có những dự định sẽ tiến hành luân chuyển nhân sự ở một số vị trí chủ chốt, cũng như nhanh chóng đưa vào sử dụng dịch vụ kiểm tra số dư sổ tiết kiệm trực tuyến hay tăng thêm quy trình để kiểm soát nhân sự…
Tin rằng với sự quyết tâm kiểm soát chặt chẽ của các ngân hàng, rủi ro đầu vào sẽ được giảm thiểu để từ đó gia tăng niềm tin cho người gửi tiền.