Các yếu tố nguy cơ của lối sống như lười vận động, ăn không hợp lý với chế độ ăn quá nhiều chất béo, ăn mặn, hút thuốc lá… là những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng gánh nặng này.
Khi nào được gọi là tăng huyết áp?
Huyết áp (HA) là một chỉ số cho biết áp lực bơm máu trong cơ thể. Số đo HA được biểu diễn bằng đơn vị mmHg (hay cmHg) bao gồm 2 thành phần: Trị số HA tâm thu (số ở trên) nói lên khả năng bơm máu của tim, trị số HA tâm trương (số ở dưới) nói lên trương lực của động mạch để duy trì dòng máu chảy trong hệ thống mạch máu.
Bình thường số đo HA tâm thu dao động từ 90 đến 139 mmHg và HA tâm trương từ 60 đến 89 mmHg. Bệnh tăng huyết áp là một bệnh lý trong đó trị số HA lúc nghỉ cao hơn mức bình thường: THA tâm thu đơn thuần khi ≥ 140 mmHg, THA tâm trương đơn thuần khi ≥ 90 mmHg, hoặc tăng cả hai. Tăng huyết áp (cao huyết áp) là bệnh thường gặp. Nếu không được điều trị đúng sẽ gây ra nhiều hậu quả nặng nề…
Các biến chứng…
Tăng huyết áp nếu không được điều trị đúng và đầy đủ sẽ có rất nhiều biến chứng nặng nề, thậm chí có thể gây tử vong hoặc để lại các di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, sức lao động của người bệnh và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Các biến chứng thường gặp của THA đã được đề cập đến là:
Các biến chứng tim mạch: Nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch vành, suy tim…
Các biến chứng về não: Tai biến mạch não (bao gồm cả xuất huyết não và nhũn não); bệnh não do THA…
Các biến chứng về thận: Đái ra protein; suy thận…
Các biến chứng về mắt: Tiến triển theo các giai đoạn, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa.
Các biến chứng về mạch ngoại vi: Trong đó đặc biệt nguy hiểm là biến chứng tách thành động mạch chủ có thể dẫn đến chết người…
Đại đa số các bệnh nhân bị THA (trên 90%) thường không có các dấu hiệu nào cảnh báo trước. Quan điểm trước đây cho rằng cứ THA là phải có đau đầu, mặt bừng đỏ, béo… là hết sức sai lầm. Nhiều khi, sự xuất hiện triệu chứng đau đầu đã có thể là sự kết thúc của người bệnh THA do đã bị tai biến mạch não. Do vậy, việc kiểm tra huyết áp thường xuyên, nhất là những người có nguy cơ cao là hết sức cần thiết và quan trọng.
THA ở người lớn đại đa số là không có căn nguyên, chỉ một số nhỏ dưới 5% là THA có căn nguyên (tức là do hậu quả của một số bệnh lí khác). Vì thế, những dấu hiệu thể hiện bệnh THA không có gì khác biệt so với người bình thường. Do vậy, rất nhiều người bệnh cho đến khi bị các biến chứng của THA, thậm chí tử vong mới biết mình bị THA hoặc mới hiểu rõ việc khống chế tốt THA là quan trọng như thế nào.
Làm thế nào để có được huyết áp bình thường như mong muốn?
Vấn đề này phụ thuộc rất nhiều vào bản thân người bệnh. Việc thay đổi lối sống đóng một vai trò quyết định. Ví dụ: Tập luyện thể dục thể thao với mức độ phù hợp với từng cá nhân, kết hợp với chế độ ăn hợp lý, duy trì cân nặng trong giới hạn bình thường (BMI: 18,5 – 22,9 kg/m2) sẽ giảm đáng kể nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch. Thêm vào đó, người bệnh phải dùng thuốc đúng, đầy đủ và liên tục theo chỉ định của thầy thuốc. Nếu chúng ta nghiêm túc thực hiện các khuyến cáo, thì những biện pháp dù đơn giản cũng có hiệu quả đáng kể. Khi có chỉ định dùng thuốc điều trị, cần tuân thủ chặt chẽ theo đúng các chỉ dẫn của thầy thuốc.
Những nghiên cứu cho thấy, việc dùng đúng các thuốc hạ huyết áp không chỉ làm giảm huyết áp như mong muốn mà còn giúp giảm đáng kể các tổn thương cơ quan đích (hay các biến chứng của THA). Hiện nay ngày càng có nhiều loại thuốc có hiệu quả cao trong điều trị THA, ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, một vấn đề khá nan giải là sự tuân thủ điều trị của người bị THA còn kém, làm cho số bệnh nhân đạt được huyết áp mục tiêu còn khiêm tốn.
Vì vậy, việc tuyên truyền giáo dục sức khỏe thực hiện lối sống lành mạnh và chấp hành điều trị nghiêm túc của mỗi cá nhân là “vũ khí” lợi hại hàng đầu trong cuộc chiến chống lại “kẻ giết người thầm lặng này”.
(Theo Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng chống tăng huyết áp)