Tăng 16 phiên liên tiếp, vốn hóa Novaland đã vượt ngưỡng 50.000 tỷ

Niêm yết trên HoSE từ cuối năm 2016 với nhiều kỳ vọng, tuy nhiên cổ phiếu Novaland (NVL) chưa thực sự khiến giới đầu tư cảm thấy hài lòng khi trong suốt cả năm 2017, xu hướng chung của NVL là giảm nhẹ, bất chấp việc VnIndex tăng gần 50% và lọt vào top 3 chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất Thế giới.

Tuy vậy, mọi chuyện đang dần thay đổi kể từ cuối năm 2017 khi NVL có chuỗi 16 phiên tăng điểm liên tiếp từ mức giá 61.500 đồng/cp (ngày 22/12/2017) lên 78.000 đồng/cp (ngày 15/1/2018), tương ứng mức tăng 27% và đây cũng là mức giá kỷ lục của NVL. Mức tăng của NVL không phải quá nổi bật trên thị trường, tuy nhiên việc duy trì chuỗi 16 phiên tăng liên tiếp là điều không phải cổ phiếu nào cũng làm được.

Tại mức giá này, vốn hóa thị trường Novaland đã vượt ngưỡng 50.000 tỷ và trở thành doanh nghiệp bất động sản có vốn hóa lớn thứ 2 trên sàn chứng khoán, sau VinGroup.

Tăng 16 phiên liên tiếp, vốn hóa Novaland đã vượt ngưỡng 50.000 tỷ - Ảnh 1.

NVL với chuỗi 16 phiên tăng liên tiếp

Vậy điều gì đã khiến NVL bứt phá mạnh mẽ trong thời gian gần đây?

Kỳ vọng KQKD năm 2018 sẽ cải thiện mạnh?

Trong 9 tháng đầu năm 2017, KQKD Novaland không thực sự tích cực khi chỉ đạt doanh thu 5.737 tỷ đồng – giảm 20%; Lợi nhuận sau thuế 1.344 tỷ đồng – giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch đặt ra trong năm 2017 với doanh thu hơn 17.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 3.100 tỷ đồng thì còn khoảng cách rất xa. Đây được coi là nguyên nhân quan trọng khiến cổ phiếu NVL đi ngược xu thế tích cực của thị trường chung.

Việc KQKD của Novaland sụt giảm trong năm 2017 có nguyên nhân bởi tiến độ hạch toán dự án chậm hơn khi công ty tập trung vào giải quyết các vấn đề về pháp lý và quy định hiện tại đối với một số dự án.

Tuy vậy, theo đánh giá của CTCK HSC, mọi chuyện có thể sáng sủa hơn kể từ năm 2018 khi Novaland sẽ hạch toán doanh thu tại các dự án đã hoàn thành như Rivergate (1.634 tỷ đồng), The Tresor (906 tỷ đồng), Kingston Residence (984 tỷ đồng), Lakeview City (1.757 tỷ đồng). Ngoài ra, Novaland cũng tiếp tục hoàn thiện xây dựng và bàn giao nhà cho 8 dự án khác gồm Golden Mansion, Sun Avenue, Sunrise Cityview, Wilton, Orchard Parkview, Botanica Premier, Newton Residence và Sunrise Riverside.

Cũng theo HSC, trong năm 2018, Novaland dự kiến sẽ mở bán 4 dự án mới, bao gồm Gian đoạn 2 của dự án Victoria Village (1.209 căn), Water Bay (4.613 căn), Dự án F (2.165 căn), Harbor City (3.995 căn).

Với những kế hoạch kể trên, HSC dự báo doanh thu thuần Novaland trong năm 2018 đạt 18.849 tỷ đồng (tăng trưởng 63%) và LNST của cổ đông công ty mẹ đạt 2.570 tỷ đồng (tăng trưởng 17%).

Có lẽ, những kỳ vọng về sự cải thiện KQKD trong năm 2018 là yếu tố then chốt giúp cổ phiếu NVL tăng mạnh trong những ngày gần đây.

Thông qua kế hoạch huy động vốn “khủng”

Những ngày đầu năm mới, Novaland đã đưa ra tờ trình về việc phát hành cổ phiếu ưu đãi, phát hành cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu và phát hành trái phiếu chuyển đổi.

Theo đó, HĐQT Novaland đã trình phương án phát hành tối đa 100 triệu cổ phiếu, thu về 5.000 tỷ đồng (tương ứng 50.000 đồng/cp) thay thế cho phương án phát hành tối đa 23 triệu cổ phiếu, thu về 1.150 tỷ đồng như đã đưa ra tại ĐHCĐ thường niên năm 2017 trước đó. Nếu đợt phát hành này thành công, vốn điều lệ Novaland sẽ tăng lên hơn 7.296 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Novaland cũng trình phương án phát hành 250 triệu USD trái phiếu chuyển đổi, thay cho phương án phát hành 100 triệu USD như đã thông qua trước đó. Ngoài ra, Novaland cũng thông qua việc phát hành ESOP hơn 9,8 triệu cổ phiếu.

Có thể nói, việc lên kế hoạch phát hành tăng vốn lớn như trên sẽ giúp Novaland bổ sung nguồn lực tài chính trong các hoạt động M&A, gia tăng quỹ đất và có lẽ điều này khiến giới đầu tư thêm kỳ vọng về việc Novaland sẽ triển khai được những dự án lớn trong tương lai, từ đó thúc đẩy giá cổ phiếu.

Bài viết mới