Tấn công “bức tường” điều kiện kinh doanh

Chặt hết điều kiện “râu, ria, con cháu”

Trong quy định của Luật đầu tư, chỉ 7 ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Nhưng theo rà soát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tổng số các điều kiện đầu tư kinh doanh tương ứng lên tới 4.284 yêu cầu, điều kiện. Hơn nữa, các chuyên gia của CIEM còn lưu ý, đây mới là con số đến ngày 10/8/2017 và chưa phải con số cuối cùng bởi “ĐKKD được đẻ ra hàng ngày dưới nhiều hình thức khác nhau” và được hợp thức ở văn bản pháp luật (như luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư).

Theo đó, ĐKKD ẩn nấp với muôn hình vạn trạng, từ yêu cầu về số lượng lao động, năng lực sản xuất, cách bố trí nhà xưởng, năng lực tài chính… Trong đó, điều kiện về năng lực chiếm nhiều nhất với 1.336 yêu cầu; nhân lực với gần 1.100 yêu cầu. Các điều kiện về giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường…

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, các điều kiện này tạo ra rào cản bất hợp lý với đầu tư khi gia nhập thị trường, làm hạn chế số lượng DN đăng ký mới, làm nản lòng DN đang hoạt động. Nhiều nhà đầu tư tiềm năng phải từ bỏ ý định kinh doanh sau khi tìm hiểu quy định pháp luật. Bởi ĐKKD yêu cầu có mặt bằng, cơ sở vật chất và trang thiết bị lớn, đòi hỏi nhiều bằng cấp và kinh nghiệm, đòi hỏi phải kinh doanh theo một phương thức nhất định.

“ĐKKD đang làm giảm động lực đổi mới sáng tạo của DN. Quy định của ĐKKD mô tả chi tiết, cứng nhắc cách thức sản xuất, kinh doanh. Do đó DN không có không gian để đổi mới, sáng tạo, tạo ra nhu cầu mới để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng tốt hơn, góp phần nâng cao tiềm năng và chất lượng tăng trưởng”, ông Cung nói.

Ông Nguyễn Đình Cung.

Ông Nguyễn Đình Cung.

Trước bối cảnh đó, CIEM trình Chính phủ bãi bỏ gần 3.000 ĐKKD. Trong đó có 302 điều kiện tài chính; 85 điều kiện về địa điểm; gần 1.400 điều kiện về địa điểm; 1.336 điều kiện năng lực sản xuất… “Nếu quyết tâm chặt hết ĐKKD kiểu “con cháu, râu ria”, chắc chắn môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam sẽ thông thoáng, thuận lợi”, lãnh đạo CIEM khẳng định.

Đánh giá về kiến nghị trên, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI) cho rằng, đây là đề xuất mạnh bạo của Bộ KH&ĐT. “Đây cũng là cách tiếp cận phù hợp, dù có hơi tham vọng. Đây là con số dễ gây sốc nhưng là dịp tốt để rà soát ĐKKD. Ở các nước thành công khi tiến hành giải pháp như Hàn Quốc cách đây 10 năm đã đặt ra mục tiêu cứng cắt giảm 50% quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Tôi rất kỳ vọng quá trình thảo luận của đề xuất này”, ông Tuấn nói.

Bộ Công Thương tiên phong “trảm” 675 ĐKKD

Sau khi có đề xuất của Bộ KH&ĐT, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh giai đoạn 2017 – 2018. Theo đó, Bộ sẽ cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh (trong tổng số 1.216 điều kiện đang có). Con số ĐKKD này chiếm tới 55,5% số điều kiện đang tồn tại và được chuyên gia kinh tế đánh giá “lớn chưa từng có trong lịch sử ngành Công Thương”, thậm chí là “sự hi sinh chưa từng có” của Bộ Công Thương.

Để thể hiện quyết tâm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, Bộ trưởng Công Thương tiếp tục thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc Bộ Công Thương. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giữ vị trí Tổ trưởng Tổ công tác.

“Ban soạn thảo, Tổ biên tập có trách nhiệm rà soát nội dung điều kiện đầu tư kinh doanh đã được đề xuất bãi bỏ liên quan đến quy định của các luật, nghị định của Chính phủ. Mục tiêu của tổ công tác đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật này theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015”, Bộ Công Thương cho biết.

Theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, việc cắt giảm số lượng lớn ĐKKD ở Bộ Công Thương chứng tỏ hệ thống giấy phép con ở Việt Nam còn rất nhiều và bất hợp lý.

“Chúng ta không cào cấu nhau ra để kiểm điểm mà phát hiện vấn đề để chỉnh sửa, nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN và bảo đảm sự quản lý của nhà nước cho nghiêm minh, hiệu quả. Cái cần nhất trong quá trình cắt giảm là chất lượng và không để xảy ra việc DN nói chỉ cắt những cái râu ria”, ông Thiên nhấn mạnh.

Sản phẩm thép chuẩn bị ra thị trường. Ảnh: Như Ý.

Sản phẩm thép chuẩn bị ra thị trường. Ảnh: Như Ý.

Cần cơ quan giám sát độc lập

Theo VCCI, để cắt giảm ĐKKD thành công, cần có cơ chế giám sát, xử lý bộ ngành địa phương không bãi bỏ ĐKKD mà Chính phủ đã yêu cầu bỏ. Chúng ta giao cho các bộ, ngành tự rà soát toàn bộ lĩnh vực, không ghi chỉ tiêu rõ ràng, không có một cơ quan chịu trách nhiệm giám sát và có thẩm quyền quyết định kết quả rà soát đó. Cách làm này là không hiệu quả, bởi chính các bộ, ngành là nơi sản sinh ra các sản phẩm đó.

“Trong bối cảnh này, các cơ quan độc lập như Quốc hội, Ủy ban của Quốc hội, các hiệp hội cần tham gia mạnh mẽ hơn. Nếu chỉ 1 giấy phép con, 1 loại điều kiện kinh doanh vô lý còn tồn tại, nó có thể giết chết đi hàng trăm, hàng nghìn DN Việt Nam, làm héo mòn sức sáng tạo và năng lực cạnh tranh. Điều này không chỉ gây hệ luỵ lớn cho môi trường kinh doanh Việt Nam, làm cản trở quá trình đưa Việt Nam vươn lên TOP ASEAN-4 và còn làm chậm lại quá trình phát triển của cả nền kinh tế, khi mỗi doanh nghiệp là một hạt nhân. DN khoẻ thì kinh tế mới phát triển và quốc gia mới thịnh vượng”, ông Đậu Anh Tuấn nói.

“Các cơ quan độc lập như Quốc hội, Ủy ban của Quốc hội, các hiệp hội cần tham gia mạnh mẽ hơn. Nếu chỉ 1 giấy phép con, 1 loại điều kiện kinh doanh vô lý còn tồn tại, nó có thể giết chết đi hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam, làm héo mòn sức sáng tạo và năng lực cạnh tranh”.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI)

Cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh: Cần hành động đến cùng

Bài viết mới