Theo một bộ luật vào năm 1992, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia (NA) phải công bố tất cả các hồ sơ về vụ ám sát vào nửa đêm ngày 26-10 (giờ địa phương) nếu không bị Tổng thống Donald Trump ngăn cản vì lý do an ninh.
Cuối cùng, ông chủ Nhà Trắng đã cho phép công bố 2.981 trong số 3.150 hồ sơ. Các dữ liệu còn lại sẽ bị xem xét và biên tập trong 180 ngày vì vấp phải sự phản đối của các cơ quan. Tuy nhiên, Nhà Trắng cho biết chúng cũng sẽ được công bố “theo dạng cuốn chiếu trong những tuần sắp tới”.
“Hôm nay, tôi đã ra lệnh vén các tấm màn lên. Cùng lúc đó, các ban điều hành và cơ quan kiến nghị với tôi rằng một số thông tin nhất định nên được sửa lại vì an ninh quốc gia , sự thực thi pháp luật và các mối lo ngại về đối ngoại. Tôi không còn cách nào khác ngoài việc chấp nhận những sửa đổi trên hơn là gây tổn hại đến an ninh của quốc gia” – Tổng thống Donald Trump viết trong một thông báo vào tối 26-10.
Cố Tổng thống John F. Kennedy trong ngày bị ám sát. Ảnh: Newseum
Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng cảnh báo rằng người đứng đầu các cơ quan nên “cực kỳ thận trọng” nếu tiếp tục xin trì hoãn công bố các tài liệu vì “nhu cầu bảo vệ sẽ ngày càng suy yếu theo thời gian”.
Trong một thông báo, Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) cho biết mục đích của việc sửa đổi là bảo vệ các thông tin có thể “gây nguy hại đến an ninh quốc gia, bao gồm tên của các tài sản, nhân viên CIA cũng như những phương pháp tình báo cụ thể và quan hệ đối tác vẫn còn được sử dụng đến nay để bảo vệ quốc gia”. Tuy nhiên, CIA cũng hứa hẹn sẽ công bố tất cả dữ liệu mà không giữ lại toàn bộ hồ sơ nào.
Vẫn chưa rõ liệu các tài liệu được công bố tối 26-10 có làm hài lòng những người còn tranh cãi với kết luận của Ủy ban Warren rằng Lee Harvey Oswald hành động 1 mình khi bắn chết cố Tổng thống Kennedy vào ngày 22-11-1963.
Vụ ám sát khiến toàn nước Mỹ chấn động và tạo ra một luồng sóng thuyết âm mưu về người thật sự đứng sau vụ việc.