Tại sao các tổ chức tài chính phương Tây chuẩn bị đổ xô đến Trung Quốc?

Morgan Stanley, Goldman Sachs và Citigroup cuối cùng hẳn cũng đã thở phào rằng sự kiên nhẫn của họ với thị trường Trung Quốc đã mang lại “trái ngọt”.

Theo Bloomberg, tại thị trường tiêu dùng khổng lồ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đất nước có dân số đông nhất thế giới, họ đang có nhiều lợi thế hơn hẳn so với rất nhiều những tổ chức tài chính lớn nhất Mỹ khác sau khi chính phủ Trung Quốc chính thức cho phép các tổ chức tài chính nước ngoài được sở hữu cổ phần lớn tại các tổ chức tài chính Trung Quốc.

Suốt bao nhiêu năm qua, các tổ chức tài chính Mỹ và châu Âu đã không ngừng chờ đợi thay đổi trên từ phía Trung Quốc. Sau quá nhiều năm chờ đợi mà không có kết quả, JPMorgan Chase cuối cùng đã bán cổ phần tại liên doanh Trung Quốc vào năm 2016 còn Bank of America thậm chí không hề có hoạt động tại Trung Quốc.

Ngược lại, Morgan Stanley đã kịp tăng cổ phần của họ lên mức 49% tại công ty chứng khoán Huaxin, mức kịch trần cho phép của chính phủ Trung Quốc. Goldman Sachs và Citigroup, mỗi ngân hàng đang nắm ước khoảng 33% cổ phần tại tổ chức tài chính mà họ có liên doanh. Và theo nhiều nguồn tin nội bộ, trong những tuần gần đây, Goldman Sachs đã rất cố gắng thuyết phục các bên bán lại cổ phần để có thể nắm quyền kiểm soát tổ chức này.

Đã từ rất lâu, các tổ chức tài chính hàng đầu phố Wall luôn tìm kiếm cơ hội để mở rộng hoạt động tại thị trường chứng khoán còn non trẻ của Trung Quốc, tuy nhiên tham vọng của họ bị cản trở bởi quy định về giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần.

Dù hiện tại ở Trung Quốc đã có quá nhiều công ty chứng khoán, tuy nhiên, có quá ít công ty có thể tự tạo ra sự khác biệt cho riêng họ, chính vì vậy, cơ hội thâm nhập thị trường của các tổ chức nước ngoài vẫn còn nhiều, theo phân tích của chuyên gia tại công ty chứng khoán Guangfa, ông Felix Luo.

Việc cho phép thêm các tổ chức tài chính nước ngoài gia nhập thị trường sẽ giúp làm lợi cho thị trường nội địa, theo phân tích của trưởng bộ phận đầu tư tại quỹ đầu cơ Weiss Multi-Strategy Advisers, ông Jordi Visser.

Ông cho rằng lĩnh vực tài chính Trung Quốc sẽ cần thêm rất nhiều những kinh nghiệm chuyên môn và phát triển sản phẩm tài chính từ nước ngoài để phát triển lĩnh vực tài chính, việc chính phủ Trung Quốc quyết định mở cửa hệ thống tài chính sẽ giúp ích cho mục tiêu đó.

Nhiều tổ chức tài chính châu Âu cũng đã và đang thành lập liên doanh ở Trung Quốc và họ sẽ vẫn tiếp tục với tham vọng của mình. UBS AG, ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ, trong ngày thứ Sáu khẳng định họ rất lạc quan với quyết định mới nhất từ chính phủ Trung Quốc và UBS AG đang rất cố gắng để tăng tỷ lệ sở hữu tại liên doanh với Trung Quốc trong thời gian tới.

Trước đây, chính phủ Trung Quốc từng tăng tỷ lệ sở hữu tại các tổ chức tài chính và ngân hàng nước này từ 33% lên 49%. Theo quy định mới, mức trần tỷ lệ sở hữu ban đầu khi mới thành lập sẽ là 51% và sau ba năm, nhà đầu tư nước ngoài có thể nâng tỷ lệ sở hữu lên mức tối đa.

Dù tỷ lệ sở hữu đã được tăng lên, thế nhưng việc các ngân hàng, tổ chức tài chính nước ngoài sẽ được hưởng lợi như thế nào từ đó lại là câu chuyện khác. Hiện tại, dù mức trần tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đã là 49%, nhưng lợi nhuận các tổ chức nước ngoài thu về còn khiêm tốn.

Trong 125 công ty chứng khoán tại Trung Quốc hiện nay, lợi nhuận của JP Morgan năm 2016 chỉ đứng thứ 120. Trong khi đó, lợi nhuận của UBS Securities đạt 296 triệu nhân dân tệ, đứng thứ 95. Dù ở vị trí khiêm tốn nhưng lợi nhuận của UBS Securities như vậy cao nhất so với tất cả các công ty chứng khoán còn lại.

Chủ tịch quỹ Willett, ông Steve Rattner, phân tích: “Cuối cùng thì rõ ràng người Trung Quốc chỉ thích công ty chứng khoán Trung Quốc, vì thế cho nên nếu bạn sở hữu được 51% cổ phần của một ngân hàng hay công ty chứng khoán, bạn có hưởng lợi được gì từ đó hay không mới là điều quan trọng.” Và chắc chắn, các tổ chức tài chính Âu, Mỹ sẽ phải cân nhắc cực kỳ kỹ lưỡng trước khi rót tiền vào thị trường này.

Người dân Trung Quốc chi hàng tỷ USD mua sắm online vào ‘Ngày Độc thân’ kinh tế

Bài viết mới