Không còn quá sớm để đặt ra vấn đề Việt Nam đã chuẩn bị những gì nhằm đối phó với chu kỳ “khủng hoảng 10 năm”, bởi ngày càng nhiều dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ bắt đầu chững lại từ năm 2019, trong khi kinh tế trong nước có độ mở ngày càng cao và chịu nhiều tác động từ bên ngoài. Trước bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng cần nhìn lại Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, nhằm đẩy mạnh và hoàn thành quá trình tái cơ cấu tập trung vào 3 trọng tâm gồm đầu tư công, DNNN và các TCTD.
Hệ thống TCTD đã đủ điều kiện đáp ứng các đòi hỏi cao hơn trong tái cơ cấu |
Dù không trực tiếp, song câu chuyện tái cơ cấu nền kinh tế với 3 trụ cột chính đã được các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh khá nhiều trong quá trình thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV. Theo đó, các ý kiến cho rằng việc chuyển đổi mô hình kinh tế đã có chuyển biến song chưa thật rõ nét, sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, trong khi lại phát sinh các tác động nằm ngoài dự báo do độ mở của nền kinh tế ngày càng lớn.
Nhìn chung, 3 trụ cột tái cơ cấu được tiến hành chậm do việc chậm thể chế hoá, sửa đổi những bất cập trong chính sách pháp luật, thiếu quyết liệt mạnh dạn trong tổ chức thực hiện.
Trong số này, tái cơ cấu đầu tư công là vấn đề gây nhiều lo ngại hơn cả. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng, mặc dù đã qua gần 4 năm chấn chỉnh, song hoạt động đầu tư công vẫn phát sinh nhiều vấn đề. Chẳng hạn, liên quan đến nợ đọng xây dựng cơ bản, theo quy định tại Nghị quyết 26/2016/QH14 của Quốc hội cũng như Luật Đầu tư công, chúng ta không được phép phát sinh nợ xây dựng cơ bản sau ngày 31/12/2014. Tuy nhiên, qua báo cáo Kiểm toán nhà nước, đến năm 2017 vẫn còn những địa phương, bộ, ngành làm phát sinh thêm tới hơn 14.600 tỷ đồng nợ xây dựng cơ bản.
Một thực trạng khác, việc vượt tổng mức đầu tư là không cho phép song vẫn diễn ra. Giám sát thực tế của Quốc hội cho thấy, chất lượng khảo sát thiết kế ở một số dự án chưa đạt yêu cầu hoặc do năng lực tư vấn còn hạn chế đã dẫn đến điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, trong đó có những dự án nổi bật như Bến Thành – Suối Tiên, Bến Thành – Tham Lương…
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cũng nêu ra một lo ngại khác, đó là tốc độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn trái phiếu Chính phủ rất chậm, cho thấy khâu tổ chức thực hiện yếu kém, kéo dài từ nhiều năm chưa được khắc phục. Năm 2017 vốn từ ngân sách nhà nước chỉ giải ngân được 86,8%, vốn trái phiếu Chính phủ đạt 45% kế hoạch. Đặc biệt trong 4 tháng đầu năm mới đạt 16,3% dự toán. “Tình hình giải ngân này chắc chắn tác động đến tiến độ dự án công trình trọng điểm quốc gia, hậu quả có thể làm tăng chi phí đầu tư sẽ tác động lớn đến phát triển kinh tế – xã hội”, ông Cầu lo lắng.
Đối với trụ cột tái cơ cấu DNNN, TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia đánh giá, công việc vẫn còn rất ngổn ngang. Theo ông Thành, quá trình này đòi hỏi 2 yêu cầu là minh bạch và quản trị. Trong đó để thể chế hoá các yêu cầu, chúng ta đang tiến hành tách vai trò sở hữu với quản lý vốn Nhà nước, thông qua việc thành lập Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại DN. Thời gian tới, chắc chắn sẽ còn rất nhiều việc phải làm để nâng cao chất lượng quản trị của cơ quan này theo hướng tương thích với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế tốt.
Công việc khác liên quan tới tái cơ cấu DNNN là xử lý 12 đại dự án thua lỗ, hiện đang được tiến hành. Theo cam kết của Bộ Công thương, đến hết năm 2018 sẽ xử lý cơ bản xong những vấn đề tồn tại lớn của 12 dự án này, đến năm 2020 sẽ giải quyết tồn đọng của tất cả dự án. “Bên cạnh đó là quá trình cổ phần hoá, thoái vốn thời gian vừa qua làm tốt hơn, đẩy nhanh hơn, cũng có trường hợp thu hút được NĐT chiến lược… nhưng tiến độ nhìn chung là chậm”, ông Thành nhận xét.
Trong khi khu vực đầu tư công và khu vực DNNN còn đang loay hoay chấn chỉnh những vấn đề bất ổn, thì tái cơ cấu hệ thống TCTD nhận được nhiều đánh giá khả quan hơn cả. Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho biết, “những gánh nặng u ám bất ổn về kinh tế, di sản tích tụ từ nhiều năm trước để lại đã được giải quyết xử lý, tháo gỡ từng bước hiệu quả mà nổi bật nhất là thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu”.
Theo đó, cùng với việc thực hiện Nghị quyết 42, chỉ trong 8 tháng các TCTD đã xử lý được hơn 100.000 tỷ đồng, là kết quả rất ấn tượng, chẳng những gia tăng niềm tin cho hệ thống, mà còn tăng thêm nguồn vốn cho vay, đồng thời giảm 0,5% lãi suất trên năm, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng, tập trung cho sản xuất, kinh doanh và các ngành, lĩnh vực ưu tiên. Đặc biệt, Nghị quyết 42 đã thay đổi căn bản nhận thức, trách nhiệm của người vay.
Đồng tình rằng việc triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội xử lý nợ xấu đã có kết quả bước đầu, song đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) cho biết, qua khảo sát thực tế tại địa phương vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc như nhận thức và vào cuộc của các cấp chính quyền và các cơ quan chưa quyết liệt và thiếu đồng bộ, đặc biệt khâu thu giữ tài sản bảo đảm. Hoạt động thi hành án nợ xấu ngân hàng chưa hiệu quả và còn lúng túng. Việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm chưa phát huy được hiệu quả trong thực tế do chậm ban hành văn bản hướng dẫn. Từ đó, ông Tùng đề nghị các bộ, ngành trung ương cần tập trung quan tâm hướng dẫn địa phương và có giải pháp đồng bộ tháo gỡ việc này để Nghị quyết 42 thực sự phát huy tác dụng.
TS. Võ Trí Thành cũng đánh giá, tái cơ cấu các TCTD đã cơ bản hoàn thành giai đoạn đầu là bình ổn, cố gắng cho ổn định hoạt động để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng. Song ông khuyến nghị trong giai đoạn tới hệ thống TCTD đã đủ sức đẩy nhanh quá trình thực hiện nhiệm vụ lớn hơn đó là tăng vốn để tăng quy mô hoạt động, nâng cao chất lượng quản trị nhằm đáp ứng các thông lệ, chuẩn mực tốt của quốc tế.