Tài chính số – điểm tựa nội lực của ngân hàng Cathay United Bank

Cathay United Bank (CUB) ứng dụng giải pháp điện toán đám mây cùng cơ sở dữ liệu lớn, sự am hiểu thị trường Việt Nam để cung cấp sản phẩm tài chính số.

CUB thành lập năm 1975 tại Đài Loan, là công ty con của Tập đoàn Tài chính Cathay Financial Holdings (CFH). Với tầm nhìn trở thành tổ chức tài chính hàng đầu ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ngân hàng hiện có 232 chi nhánh và văn phòng tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Số lượng nhân viên trên toàn mạng lưới trên 10.000 người.

Đại diện ngân hàng cho biết, trong nhiều năm qua, tài chính số là một trong những thế mạnh để đơn vị vươn ra toàn cầu. Tài chính số được định nghĩa là việc cung cấp các dịch vụ tài chính trên thiết bị di động, máy tính cá nhân, mạng Internet hoặc các loại thẻ thanh toán. Tại CUB, nhằm đáp ứng các xu hướng công nghệ và nhu cầu kinh doanh tương lai, đơn vị chủ động lên kế hoạch triển khai các dịch vụ điện toán đám mây, bao gồm trung tâm dữ liệu đám mây Đài Trung, nền tảng phân tích – khám phá dữ liệu đám mây.





Lãnh đạo ngân hàng ra mắt ứng dụng CUB Vietnam ngày 28/3. Ảnh: CUB

Lãnh đạo ngân hàng ra mắt ứng dụng CUB Vietnam ngày 28/3. Ảnh: CUB

Thông qua việc kết hợp nguồn dữ liệu nội bộ và bên ngoài, CUB tối ưu hóa trải nghiệm người dùng khi sử dụng các sản phẩm tài chính tiêu dùng kỹ thuật số. Từ đó, ngân hàng hiểu sâu hơn về nhu cầu và thói quen của người dùng trong từng thị trường, tăng cường khả năng kiểm soát rủi ro, cải thiện hiệu quả hoạt động.

Nổi bật trong hệ sinh thái tài chính số, ngày 28/3, CUB ra mắt ứng dụng CUB Vietnam. Ứng dụng giúp khách hàng trải nghiệm khoản vay tiện lợi và an toàn. Điểm mới là dịch vụ và quy trình đăng ký vay được tối ưu hóa để giảm bớt thủ tục và tiết kiệm thời gian. Chỉ với căn cước công dân hợp lệ, khách hàng có thể dễ dàng đăng ký các dịch vụ tài chính trên ứng dụng trực tuyến mọi lúc mọi nơi mà không cần phải đến tận trụ sở của ngân hàng.





Người dùng trải nghiệm tính năng ứng dụng trong buổi ra mắt. Ảnh: CUB

Người dùng trải nghiệm tính năng ứng dụng trong buổi ra mắt. Ảnh: CUB

Ông Joe Liang, Phó tổng giám đốc CUB cho biết ứng dụng cấp hạn mức tín dụng với thời hạn lên đến 5 năm. Nghĩa là trong thời gian này, khách hàng có thể rút vốn vay và giải ngân nhiều lần (trong phạm hạn mức tín dụng đã được cấp) mà không cần thực hiện lại toàn bộ thủ tục cho vay theo yêu cầu. Hình thức này giúp người dùng tối ưu trải nghiệm, giảm thao tác lặp đi lặp lại.

Về phía ngân hàng, nhờ vào công nghệ, đơn vị có thể phân tích nguồn dữ liệu đa dạng và sử dụng mô hình đánh giá rủi ro nội bộ để thẩm định về hồ sơ của khách hàng. Bên cạnh việc cung cấp sản phẩm tín dụng được tùy chỉnh để đáp ứng nhu cầu người dùng, CUB còn có thể giảm rủi ro phát sinh.

So sánh với các hình thức vay tiêu dùng khác, ông Đan Nguyễn, Giám đốc phát triển sản phẩm Khách hàng cá nhân CUBHCM cho biết ứng dụng CUB mang đến trải nghiệm liền mạch trên tất cả điểm tiếp xúc: từ đăng ký đến giải ngân và quy trình thanh toán nợ vay.





Lãnh đạo ngân hàng nêu về chiến lược cung cấp hệ sinh thái tài chính số tại Việt Nam trong sự kiện ngày 28/3. Ảnh: CUB

Lãnh đạo ngân hàng nêu về chiến lược cung cấp hệ sinh thái tài chính số tại Việt Nam trong sự kiện ngày 28/3. Ảnh: CUB

Ở tầm nhìn dài hạn, ông Joe Liang tự tin tài chính số sẽ tiếp tục là điểm tựa phát triển của CUB tại thị trường Việt Nam. Lý do, đất nước 100 triệu dân ghi nhận sự tăng trưởng số liệu kỹ thuật số đáng kể so với các nước phát triển. Theo dữ liệu từ Statista, Việt Nam xếp thứ ba trên thế giới về độ thâm nhập thanh toán di động vào năm 2022. Ngoài ra, thế hệ Z thông thạo hệ sinh thái kỹ thuật số và đang trở thành lực lượng có thể làm thay đổi ngân hàng truyền thống.

Hiện đơn vị đã thành lập văn phòng làm việc liên doanh giữa các công ty con tại TP HCM với tên gọi CDC HCMC. Đây là mô hình CDC (Trung tâm Phát triển Cathay) đầu tiên của tập đoàn ở nước ngoài. Trung tâm này quy tụ các nhân tài công nghệ và dữ liệu kỹ thuật số, phục vụ cho việc xuất khẩu công nghệ.

Đồng tình, ông Benny Miao, Phó tổng giám đốc phụ trách khu vực Đông Nam Á gọi Việt Nam là “ngôi nhà thứ hai”. Để phát triển thị trường này, ngân hàng hướng tới cung cấp các dịch vụ tài chính toàn diện. Chiến lược giúp đơn vị hiện thực hóa mục tiêu nêu trên gồm: kết hợp tài nguyên và tiềm lực công nghệ hiện có cùng sự chuyển đổi số địa phương, hợp tác đa lĩnh vực.

“Chúng tôi mang hoài bão lớn: trở thành chuẩn mực cho tài chính tiêu dùng số của các ngân hàng Đài Loan tại Đông Nam Á”, ông Benny nêu.

Minh Tú



Bài viết mới