Tài chính di động sẽ bùng nổ như Internet và đây chính là lĩnh vực đầu tư tốt nhất trong tương lai?

Sáng nay (6/11), tại khách sạn JWMarriott (Hà Nội) đang diễn ra hội thảo Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam do báo điện tử VnExpress và CTCP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) tổ chức với chủ đề bao trùm là “Mobile Payment – nhân tố thúc đẩy nền kinh tế không tiền mặt”.

Tham gia thảo luận tại hội thảo, ông Nguyễn Triệu Huy – CEO The Disruptive Group, chuyên gia Fintech – đã đưa ra những nhận định về tiềm năng phát triển của mobile payment trên thế giới.

Trên thế giới hiện nay ngày càng có nhiều người sử dụng điện thoại thông minh để quản lý tài khoản ngân hàng, hay sử dụng dịch vụ Apple Pay hoặc Android Pay để thanh toán tại quầy. Tuy nhiên, đối với nhiều người phương Tây, “có dịch vụ tài chính di động thì cũng tốt” chứ chắc chắn nó không phải là dịch vụ thiết yếu như Internet. Đó là vì cơ sở hạ tầng trong ngành tài chính – cho dù là hệ thống ngân hàng, quản lý tài sản hay bảo hiểm – tại London và các nước phương Tây đã rất phát triển, nhờ có hệ thống chi nhánh ngân hàng, mạng lưới và quy trình hiện hữu đã tồn tại và phát triển qua hàng thập kỷ thậm chí hàng thế kỷ. Do vậy, dịch vụ tài chính di động cũng chỉ là một món quà hữu ích cho hạ tầng tài chính, chứ chắc chắn không phải dịch vụ làm thay đổi cuộc sống của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, những nhận định rút ra từ phương Tây lại không đúng với nhiều quốc gia châu Á, nơi mà 70% dân số chưa có tài khoản ngân hàng, và chưa đầy 10% dân số sử dụng thẻ tín dụng. Vậy câu hỏi đặt ra là dịch vụ tài chính di động có tác động như thế nào tại những quốc gia, nơi mà hạ tầng tài chính, từ hệ thống tài khoản ngân hàng đến thanh toán điện tử, tiết kiệm hay dịch vụ bảo hiểm, kém phát triển hơn?

Những ví dụ gần đây cho thấy dịch vụ tài chính di động có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với các quốc gia có hạ tầng tài chính chưa phát triển. Tầm ảnh hưởng lớn trong việc phát triển hạ tầng tài chính nhanh và rẻ hơn ở những thị trường đã phát triển. Kenya là một ví dụ điển hình về tiền tệ di động. Số lượng tài khoản M-Pesa đã tăng từ con số 0 lên trên 30 triệu tài khoản chỉ trong vòng 10 năm. Tuy nhiên, điều ít người biết là cũng trong khoảng thời gian đó, số tài khoản ngân hàng ở Kenya đã tăng chóng mặt – thêm 35 triệu tài khoản. Nếu so sánh Kenya với các nước châu Phi khác, không một quốc gia nào có được mức tăng trưởng tương tự trong hệ thống ngân hàng.

Chẳng phải chúng ta cho rằng mức độ tiếp cận ngân hàng sẽ thấp khi hầu hết người tiêu dùng hài lòng với dịch vụ tiền tệ qua di động (mobile money) hay sao? Vậy tại sao mức độ tăng trưởng trong ngành ngân hàng lại diễn ra mạnh mẽ nhất ở quốc gia có dịch vụ tiền tệ qua di động phát triển nhanh nhất ? Câu trả lời là tài chính di động không đơn thuần là dịch vụ tài chính mà nó là hạ tầng cho ngành tài chính. Những hạ tầng khi phát triển tới gần giai đoạn bão hoà, chúng sẽ tạo điều kiện cho hạ tầng khác phát triển, từ đó thúc đẩy vòng xoắn tăng trưởng kinh tế lên tầm cao hơn.

Cơ sở hạ tầng được định nghĩa là những phương tiện cơ bản giúp cho một quốc gia hay một cộng đồng vận hành, nó không chỉ bao gồm điện, nước mà phải kể đến cả viễn thông và Internet. Dĩ nhiên, khi bàn đến nhu cầu thiết yếu của con người, Internet không thể sánh ngang với điện hay nước. Tuy nhiên, trong kỷ nguyên số, tất cả mọi người và các quốc gia rất khó sống thiếu Internet. Thực tế, cơ sở hạ tầng số đã có một bước tiến kỳ diệu, phát triển nhanh gấp 5 lần điện hay điện thoại. Nói cách khác, kể cả những quốc gia có tài nguyên hạn hẹp cũng có thể tiếp cận cơ sở hạ tầng Internet nhanh hơn nhiều so với các loại cơ sở hạ tầng khác.

Nhờ sự phát triển nhanh chóng của cơ sở hạ tầng số, hàng trăm triệu người đã có thể tiếp cận những cơ hội chưa từng có trước đây.

Điều tương tự cũng đang diễn ra với tài chính di động ngày nay. Cho đến nay, việc xây dựng một cơ sở hạ tầng tài chính vẫn rất tốn kém, và đó là lý do vì sao 400 triệu người Đông Nam Á chưa có tài khoản ngân hàng. Đơn giản là một ngân hàng thương mại sẽ không có lãi khi cung cấp dịch vụ tài chính thông qua hệ thống chi nhánh cho khách hàng có thu nhập thấp vì chi phí quá cao, và doanh thu cũng không thể bù đắp.

Tuy nhiên, sự thay đổi lớn nhất của ngành tài chính trong thế kỷ 21 chính là tài chính di động. Tài chính di động đã mang lại một công thức hoàn toàn mới bởi hệ số khác biệt giữa ngân hàng truyền thống (in-branch banking) và ngân hàng di động (mobile banking) có thể lên tới 20 đến 40 lần. Nói cách khác, nếu khách hàng mất 2 USD khi giao dịch tại quầy, họ có thể chỉ tốn 0,1 USD thậm chí ít hơn khi thực hiện qua điện thoại. Đối với các công ty cung cấp dịch vụ tài chính, điều mà trước đây không hề có ý nghĩa kinh tế thì bây giờ lại trở thành mảng kinh doanh đầy tiềm năng, kể cả với đối tượng khách hàng có thu nhập thấp.

Và dĩ nhiên, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số hiện hữu chính là đòn bẩy quan trọng cho sự phát triển hạ tầng tài chính di động. Vì vậy, không cần bỏ quá nhiều chi phí đầu tư (Capital Expenditure CAPEX), mà chủ yếu là chi phí vận hành (Operating Expense OPEX). Mô hình tài chính di động siêu tăng trưởng này đã xuất hiện ở Trung Quốc (Ant Financial với trên 500 triệu khách hàng) hay Ấn Độ (Paytm với hơn 250 triệu khách hàng).

Giống như cách Internet đã giúp hàng trăm triệu người tìm thấy cơ hội mới, tài chính di động cũng sẽ nhanh chóng giúp hàng trăm triệu người lần đầu tiên được tiếp cận dịch vụ tài chính – không chỉ dịch vụ thanh toán, mà còn các dịch vụ khác như tiết kiệm, đầu tư, bảo hiểm và vay vốn – với tốc độ nhanh hơn nhiều so với mô hình tài chính truyền thống.

Tài chính di động cũng như Internet: Đây là cơ hội lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng khổng lồ với chi phí thấp và nhanh chóng. Và có thể sẽ là lĩnh vực đầu tư tốt nhất trong tương lai.

Ít người biết rằng ngoài Alibaba, tỷ phú Jack Ma còn nắm trong tay một công ty fintech có tiềm năng thay đổi thế giới như thế này

Bài viết mới