Sức ép tỷ giá những tháng cuối năm?

Nhiều yếu tố “đè” tỷ giá

Theo báo cáo tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2017 của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) cũng chỉ rõ, diễn biến tỷ giá thời gian qua có xu hướng thuận lợi. Theo đó, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại trong tháng 6 tiếp tục xu hướng giảm so với tháng trước cũng như so với đầu năm với mức giảm khoảng 0,17%.

Cũng theo NFSC thì tỉ giá trong những tháng cuối năm sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất từ phía cầu ngoại tệ do sức ép nhập siêu tăng cao, cán cân thương mại có thể đảo chiều từ mức thặng dư trong năm 2016 sang mức thâm hụt dự báo ở mức 3,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Về dài hạn, với lộ trình tăng lãi suất thêm nhiều lần của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng tăng áp lực lên tỉ giá. Thêm vào đó là xu hướng biến động khó lường của đồng nhân dân tệ và yên Nhật.

Cũng theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, diễn biến tỉ giá trong những tháng đầu năm là do nguồn cung ngoại tệ dồi dào từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài, chênh lệch lãi suất VND-USD vẫn nghiêng về hướng nắm giữ VND và việc FED tăng lãi suất với những bước điều chỉnh nhỏ chưa gây áp lực lên tỉ giá, những tháng cuối năm thì sức ép lên tỉ giá sẽ lớn hơn.

Vẫn nhiều dư địa giữ ổn định

Tuy nhiên, một số phân tích đang chỉ ra rằng, điều kiện để kiểm soát tỷ giá trong nước vẫn khá thuận lợi khi trên thị trường thế giới đồng USD tiếp tục mất giá. Điều quan trọng là sự nhanh nhạy của NHNN trong điều tiết thị trường đã giúp tỷ giá ổn định, đây là yếu tố quan trọng để tiếp tục kiên định với chính sách lãi suất USD bằng 0%/năm hiện hành. Nhưng khả năng trong thời gian tới, đồng USD sẽ tăng giá trở lại, nhất là vào thời điểm cuối năm khi cầu về ngoại tệ tăng.

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, chính sách tỷ giá của NHNN thời gian qua vẫn đang “đúng và trúng”. So với cuối năm 2016, tỷ giá trung tâm giữa VND/USD mới chỉ tăng gần 1,3%. Mức tăng của tỷ giá trong năm 2017 có thể sẽ ở mức 1-2%. Đây là ngưỡng có thể chấp nhận được, nhất là khi đồng USD tăng giá.

Trong một lập luận khác, các chuyên gia tại CTCK MB (MBS) cho rằng, trong ngắn hạn lạm phát tại Việt Nam sẽ vẫn ở mức thấp và xu hướng USD giảm giá trên thế giới sẽ làm giảm áp lực lên VND. “Lạm phát lõi chỉ ở mức 1,32% do đó sức ép giảm giá VND không quá lớn và vì vậy tỷ giá sẽ có xu hướng ổn định đến cuối năm” – MBS nhận định.

HSBC Việt Nam cũng có dự báo tương tự và cho rằng, lần tăng lãi suất tiếp theo của Fed sẽ vào tháng 12.2017 thay vì tháng 9 như dự đoán trước đây vì khó có khả năng Fed muốn thắt chặt chính sách tiền tệ với việc tăng lãi suất và giảm khối lượng nắm giữ trái phiếu cùng một lúc trong tháng 9.2017.

Dự báo trong năm 2017, yếu tố tác động lớn nhất tới tỷ giá là từ nội tại, mà cụ thể là nhập siêu gia tăng. Tính tới 15.6, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15.6 thâm hụt hơn 2,8 tỷ USD, bằng 3,2% kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Tất nhiên, như nhiều năm trước, nguồn bù đắp lượng thậm hụt này vẫn là ODA, vốn FDI, kiều hồi giúp làm giảm áp lực lên tỷ giá. Dù vậy, yếu tố mùa vụ, đặc biệt là đợt nhập hàng Tết diễn ra từ sau tháng 10 có thể gây căng thẳng ngắn hạn về nguồn cung ngoại tệ

Ở khía cạnh thoái vốn của các TCTD nước ngoài, dường như sẽ gây ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối ngắn hạn là thiếu sự vững chắc. Tuy nhiên, thực tế đó lại không gây ảnh hưởng nhiều vì một số ngân hàng vừa mới công bố việc sẽ nới room vốn ngoại trong thời gian tới.

Cụ thể, thời gian vừa qua, NHNN phát đi thông điệp về những cuộc “dạm ngõ” từ nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia, mua lại ngân hàng 0 đồng OceanBank. Hay mới đây, đại diện của Ngân hàng Quốc Dân (NCB) cho biết: Năm 2017, NCB dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 3.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu chuyển đổi và thu hút thêm các cổ đông chiến lược nước ngoài, nâng tổng vốn điều lệ lên mức 6.010 tỷ đồng. Bên cạnh đó, NCB cũng đã ký hợp đồng chính thức với một ngân hàng lớn của Mỹ về tư vấn và lựa chọn đối tác cho ngân hàng. Hay như LienVietPostBank cũng đã chốt lại phương án mở room để sẵn sàng đón nhà đầu tư ngoại tham gia vào cơ cấu vốn.

Nếu phân tích các yếu tố có thể ảnh hưởng đến tỷ giá trong các tháng cuối năm 2017 thì hoàn toàn có thể nhận định rằng, tỷ giá VND/USD trong 4-5 tháng tới sẽ vẫn theo hướng đi lên nhưng mức độ tăng sẽ chậm và trong tầm kiểm soát của NHNN.

Tỷ giá VND/USD có dư địa đủ lớn để tạo sự ổn định cho thị trường

Bài viết mới