Sức ép lên tỷ giá trong tầm kiểm soát

Hàng loạt nguyên nhân tạo áp lực

Các luận điểm ủng hộ chiều hướng gia tăng áp lực với thị trường ngoại hối các tháng cuối năm 2017 cho rằng ít nhất có 5 nguyên nhân sẽ làm biên độ tỷ giá chao đảo trong ngắn hạn.

Theo đó, nguyên nhân đầu tiên là khả năng từ nay đến cuối năm, đồng USD có thể sẽ lấy lại đà tăng sau khi đã sụt giảm 8,6% so với các đồng tiền mạnh khác trên thị trường quốc tế. Luận điểm này được Standard Chartered Bank nhận định trong báo cáo triển vọng thị trường toàn cầu 2017 và cũng được tổ chức BK Asset Management của Hoa Kỳ dự báo khi cho rằng lãi suất tại quốc gia này đang trong xu thế tăng và làm lực đẩy cho đồng USD tăng giá trong ngắn hạn, nhất là khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được kỳ vọng thu hẹp bảng cân đối có quy mô 4.500 tỷ USD vào cuối năm nay.

Nguyên nhân thứ hai có khả năng tác động đến tỷ giá được cho là ảnh hưởng từ con số nhập siêu. Theo thống kê, đến hết tháng 7/2017, Việt Nam nhập siêu khoảng 3,1 tỷ USD. Trong khi đó thời điểm cùng kỳ 2016 con số xuất siêu được ghi nhận là 1,8 tỷ USD. “Khi con số nhập siêu tăng, cầu ngoại tệ nhập khẩu tăng thì tỷ giá sẽ bị ảnh hưởng”, báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định.

Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận tỷ giá cuối năm vẫn nằm trong tầm kiểm soát của nhà điều hành

Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận tỷ giá cuối năm vẫn nằm trong tầm kiểm soát của nhà điều hành

Các lập luận tiếp theo cho rằng sẽ tác động đến tỷ giá trong ngắn hạn đó là tín dụng ngoại tệ tăng mạnh, giải ngân FDI diễn ra chậm và động thái rút vốn từ các TCTD nước ngoài.

Cụ thể, con số của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đến hết tháng 8, tín dụng ngoại tệ tăng trưởng ở mức 11,5%, cao hơn 1,7% so với cùng kỳ. Trong khi đó nguồn vốn FDI lại có tốc độ giải ngân khá chậm. Đến hết tháng 7, tổng số giải ngân vốn FDI chỉ đạt 9,1 tỷ USD, tăng khiêm tốn ở mức 5,8% so với cùng kỳ. Còn diễn biến trên thị trường chứng khoán cho thấy hàng loạt các TCTD nước ngoài đã rút vốn. Chẳng hạn, HSBC đã đăng ký thoái vốn khỏi Techcombank, Standard Chartered Bank thoái vốn dần khỏi ACB và Commonwealth cũng đã hoàn tất bán lại toàn bộ mảng bán lẻ cho VIB.

Ngoài ra, từ tháng 7/2017, các tổ chức tài chính quốc tế (WB, ADB) đã bắt đầu thắt chặt các khoản tài trợ ngoại tệ từ nguồn ODA, trong khi nguồn kiều hối về Việt Nam cũng được cho là có mức sụt giảm từ 13,2 tỷ USD năm 2015 xuống mức 9 tỷ USD vào năm 2016. Tất cả các yếu tố này sẽ làm ảnh hưởng đến tỷ giá trong ngắn hạn và có thể sẽ khiến thị trường ngoại hối bị tác động.

Vẫn nhiều dư địa giữ ổn định

Thừa nhận lập luận khả năng có thể đồng USD sẽ tăng giá trong các tháng cuối năm 2017, tuy nhiên chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng chính sách tỷ giá của NHNN thời gian qua vẫn đang “đúng và trúng”. So với cuối năm 2016, tỷ giá trung tâm giữa VND/USD mới chỉ tăng gần 1,3%. Ông Lực cho rằng mức tăng của tỷ giá trong năm 2017 có thể sẽ ở mức 1-2%. Đây là ngưỡng có thể chấp nhận được, nhất là khi đồng USD tăng giá.

Trong một lập luận khác, các chuyên gia tại CTCK MB (MBS) cho rằng, trong ngắn hạn lạm phát tại Việt Nam sẽ vẫn ở mức thấp và xu hướng USD giảm giá trên thế giới sẽ làm giảm áp lực lên VND. “Lạm phát lõi chỉ ở mức 1,32% do đó sức ép giảm giá VND không quá lớn và vì vậy tỷ giá sẽ có xu hướng ổn định đến cuối năm” – MBS nhận định.

Ở những tác động khác như tỷ lệ nhập siêu cao và động thái thoái lui của dòng vốn ngoại, một số chuyên gia cũng lập luận theo chiều hướng ít ảnh hưởng. Cụ thể, mặc dù thâm hụt từ nhập siêu tính đến thời điểm tháng 7/2017 là 3,1 tỷ USD nhưng con số này được nhiều nhà phân tích cho là thiếu bền vững.

Các thống kê đến cuối tháng 8 cho thấy kim ngạch xuất khẩu cả nước đã đạt mức 133,5 tỷ USD. Trong khi đó kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 135,63 tỷ USD. Con số nhập siêu được thu hẹp trên 660 triệu USD chỉ trong 2 tháng cho thấy sự tăng lên hay giảm xuống của nguồn ngoại tệ ra vào thông qua kênh xuất nhập khẩu là khá tương đối. Trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu của nhiều ngành nghề tại Việt Nam đang phụ thuộc vào nguyên liệu nhập ngoại thì sự quay vòng của dòng ngoại tệ mua vào – bán ra ít có sự tác động đến nguồn cung ngoại tệ.

Thêm vào đó, theo nhận định của chuyên gia kinh tế Phan Ngọc Minh, trong vòng khoảng 3 năm gần đây, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã có sự tăng trưởng khá ấn tượng. Từ mức 28,5 tỷ USD (năm 2015) đến năm 2016 đã đạt 36,7 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt 42,2 và 48,6 tỷ USD vào các năm 2017 – 2018.

Nếu so tương đương với số ngoại tệ phải chi ra để nhập khẩu thì hiện nay dự trữ ngoại hối của Việt Nam mới chỉ đáp ứng được hơn 2 tháng nhập khẩu, nhưng rõ ràng đang tiệm cận đến ngưỡng an toàn (bằng 3 tháng nhập khẩu) vì năm 2016 dự trữ ngoại hối chỉ bằng 2,2 tháng nhập khẩu thì năm 2017 dự kiến sẽ đạt 2,3 tháng nhập khẩu. Các dự báo của IMF cho rằng, đến năm 2020, dự trữ ngoại hối Việt Nam sẽ đạt 2,7 tháng nhập khẩu. Như vậy, nhập siêu mặc dù đang ghi nhận ở mức cao nhưng không hẳn là nguyên nhân sẽ ảnh hưởng xấu đến thị trường ngoại hối.

Ở khía cạnh thoái vốn của các TCTD nước ngoài, các phân tích cũng cho thấy rằng lập luận về khả năng ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối ngắn hạn là thiếu sự vững chắc. Quan sát từ thị trường cho thấy, sau thời điểm tháng 7/2017 “làn sóng” đầu tư trở lại đối với các TCTD trong nước đang có vẻ diễn ra ngược lại so với thời điểm giữa năm. Sau các đợt rút vốn của một số định chế tài chính nước ngoài, hiện đối tác Hàn Quốc đã đặt lại nhu cầu đầu tư vào BIDV. VPBank cuối tháng 7 đã công bố sẽ nhận con số 1,2 tỷ từ cổ đông chiến lược nước ngoài. Trong khi đó, các NH khác như NCB, LienVietPostBank cũng đã chốt lại phương án mở room để sẵn sàng đón nhà đầu tư ngoại tham gia vào cơ cấu vốn.

Nếu phân tích các yếu tố có thể ảnh hưởng đến tỷ giá trong các tháng cuối năm 2017 thì hoàn toàn có thể nhận định rằng, tỷ giá VND/USD trong 4-5 tháng tới sẽ vẫn theo hướng đi lên nhưng mức độ tăng sẽ chậm và trong tầm kiểm soát của NHNN.

Bài viết mới