Khó theo kịp công nghệ 4.0?
Có thể nói, việc kinh doanh theo lối cũ, truyền thống của doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã tồn tại quá lâu. Chính vì vậy, khi nền công nghiệp 4.0 bắt đầu len lỏi vào trong từng cuộc sống của mọi người, các doanh nghiệp nội dường như không thể theo kịp, dẫn đến sự phản ứng gay gắt khi doanh nghiệp ngoại “xâm lấn” chiếm thị phần.
Câu chuyện của hãng taxi Vinasun có thể xem một là điển hình. Cụ thể, sáng ngày 8/10/2017, rất nhiều taxi của hãng Vinasun ở địa bàn TP Hồ Chí Minh đã dán băng rôn sau xe với các câu khẩu hiệu như: “Đề nghị dừng thí điểm Uber, Grab vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh”; “Yêu cầu Uber, Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam”… Sự việc này lập tức được chia sẻ với tốc độ nhanh chóng trên mạng xã hội, facebook và báo chí trên khắp cả nước.
Hầu hết các ý kiến đưa ra cho thấy đây là việc làm gây phản cảm và thiếu văn hóa kinh doanh, văn hóa ứng xử. Đến sáng hôm sau (ngày 9/10), Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã họp và kết luận: Việc nhiều xe taxi của hãng Vinasun cho dán băng rôn trên xe để phản đối cách kinh doanh của Grab và Uber là “hình ảnh phản cảm” và đề nghị tháo gỡ.
Trước đó, tình trạng xe ôm truyền thống đánh và uy hiếp, thậm chí là giết xe ôm “công nghệ” vì cho rằng “bị cướp” khách đang khiến nhiều người phải suy nghĩ. Đã có nhiều luồng trái chiều để bênh vực cho những truyền thống tốt đẹp đã có, nhưng cũng nhiều ý kiến khác cho rằng việc áp dụng công nghệ vào các dịch vụ không chỉ mang lại sự cạnh tranh công bằng mà còn đem lại tiện ích, tiện lợi cho người tiêu dùng. Và cái gì đem lại lợi ích nhất, tốt nhất tất nhiên sẽ được người tiêu dùng lựa chọn.
Thực tế, cách mạng công nghiệp 4.0 thực sự đang tác động hết sức mạnh mẽ, làm thay đổi sâu sắc phương thức sản xuất, quản trị xã hội, dịch vụ, thương mại… từ đó làm cho cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp với nhau mang đậm màu sắc công nghệ hiện đại hơn so với trước rất nhiều. Chuyên gia kinh tế LS.TS Bùi Quang Tín, CEO Trường doanh nhân Bizlight cho rằng, không chỉ có chuyện vận tải mà ngay cả lĩnh vực xổ số, xăng dầu… cũng đang bị ảnh hưởng bởi cuộc cách mạng 4.0.
Thực tế cho thấy, sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường trong nước trong thời gian qua thể hiện rất rõ giữa các doanh nghiệp truyền thống và các DN ứng dụng công nghệ mới, ví dụ như trong lĩnh vực xổ số thì có Vietlott và xổ số truyền thống, hay taxi thì có Uber, Grab và taxi truyền thống…. Mới đây, việc áp dụng công nghệ 4.0 trong đổ xăng của một công ty đến từ Nhật Bản được đánh giá “chính xác đến từng giọt” cũng đã khiến người tiêu dùng chú ý khi họ đặt người tiêu dùng ở vị trí thượng đế chứ không phải là khách hàng đơn thuần.
Sức ép cho DN nội
Như vậy, với sự mở cửa thị trường theo các cam kết hội nhập và với sự tham gia ngày càng nhiều của các DN lớn trên thế giới tại Việt Nam, chuyên gia kinh tế Ls.TS Bùi Quang Tín cho rằng sức ép cạnh tranh trong nhiều lĩnh vực ngày càng tăng đối với doanh nghiệp Việt, đặc biệt là lĩnh vực bán lẻ.
Bởi các DN nước ngoài có lợi thế cạnh tranh hơn so với doanh nghiệp Việt về vốn, mặt bằng; công ty mẹ là những DN lớn toàn cầu, họ trường vốn và có chiến lược chịu lỗ nhiều năm để xây dựng mạng lưới, đội ngũ uy tín, thương hiệu trước khi kiếm lời tại Việt Nam. Doanh nghiệp ngoại còn có mức độ chuyên nghiệp, có sự tin cậy từ nhà cung ứng hàng hóa trong và ngoài nước; có phương thức thanh toán linh hoạt….
Do đó, sự cạnh tranh không chỉ khốc liệt với các DN trong nước mà còn với DN nước ngoài vào thị trường Việt Nam với rất nhiều thế mạnh như đã nói ở trên, từ đó các DN đang gặp nhiều khó khăn dễ dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh , thậm chí là vi phạm pháp luật.
LS.TS Tín cho rằng, nếu không chủ động, doanh nghiệp nội sẽ phải chấp nhận thua ngay trên sân nhà khi làn sóng đầu tư nước ngoài vào nhiều lĩnh vực ngày càng mạnh. Một cách khách quan, DN nội còn thua kém nhà đầu tư nước ngoài nhiều mặt: Hệ thống liên kết chuỗi, thiếu chuyên nghiệp, công nghệ quản trị chuỗi, tổ chức trưng bày hàng hóa, giá cả thiếu cạnh tranh, nguồn hàng chưa phong phú, đa dạng, mức độ kiểm soát chất lượng hàng hóa chưa đáp ứng yêu cầu…; thiếu tính liên kết giữa các lực lượng tham gia thị trường.
Đáng chú ý, có tình trạng doanh nghiệp trong nước không những không liên kết mà còn chơi xấu nhau như: Bán dưới giá thành, khuyến mãi không lành mạnh…. Nếu DN nội không chuyển mình trước cách mạng công nghệ 4.0, thị trường trong nước sẽ dễ dần rơi vào tay của các DN ngoại và nguy cơ phá sản là điều tất yếu sẽ xảy ra trong tương lai./.
Xem link gốc tại đây