Dự thảo mới nhất về sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) của Bộ Tài chính vừa công bố đã có những thay đổi lớn khi bỏ đề xuất quy định về vốn mỏng (tức DN hoạt động chủ yếu dựa vào vốn đi vay, trong khi tỉ lệ vốn chủ sở hữu rất ít), thay thế bằng quy định về khống chế chi phí trả lãi vay.
Kêu lỗ nhưng liên tục mở rộng sản xuất
Cụ thể tại dự thảo trước đây, Bộ Tài chính đề xuất: Các DN sản xuất khi có phần chi trả lãi vay của khoản vay vốn vượt quá năm lần vốn chủ sở hữu thì phần chi trả này sẽ không được tính vào chi phí được trừ.
Với các DN ở lĩnh vực khác, định mức để khoản lãi vay được tính vào chi phí hợp lệ là khoản vay không được vượt quá bốn lần vốn chủ sở hữu. Riêng các lĩnh vực đặc thù như tín dụng, ngân hàng thì tỉ lệ tối đa là không quá 12 lần vốn chủ sở hữu.
Sau khi đề xuất này được công bố đã vấp phải sự phản ứng của rất nhiều chuyên gia lẫn cộng đồng kinh doanh. Bởi nếu quy định như trên được áp dụng sẽ gây khó khăn rất lớn cho DN. Ví dụ nhà kinh doanh sẽ hạn chế vay, vì nếu vay càng nhiều phải đóng thuế càng nhiều khi chi phí trả lãi vay vượt quy định không được khấu trừ khi tính thuế thu nhập DN.
“Việc khống chế tỉ lệ nợ vay trên vốn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến những DN mà vốn chủ sở hữu không đủ để duy trì hoạt động kinh doanh, buộc DN chỉ có cách đi vay vốn. Và khi có thêm một phần chi phí lãi vay không được khấu trừ thuế, DN tiếp tục đối mặt với khó khăn” – Hội Tư vấn thuế Việt Nam lưu ý.
Tiếp thu những ý kiến đóng góp này, tại dự thảo mới nhất, Bộ Tài chính bỏ quy định về vốn mỏng. Thay vào đó, cơ quan này đề xuất: Phần chi phí lãi vay phát sinh sau khi trừ thu nhập cho vay, tiền gửi trong kỳ vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ (EBITDA – thu nhập trước thuế, trả lãi và khấu hao) của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài có quan hệ liên kết qua biên giới; các công ty được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam có giao dịch về vay vốn với các bên có quan hệ liên kết có mức thuế thu nhập DN khác nhau.
Điều đó có nghĩa chi phí trả tiền lãi vay nếu vượt quá 20% của EBITDA sẽ không được khấu trừ thuế.
Chi phí trả tiền lãi vay nếu vượt quá 20% quy định sẽ không được khấu trừ thuế. Trong ảnh: Đại diện DN đang giao dịch tại một ngân hàng ở TP.HCM. Ảnh: HTD
Giải thích về sự thay đổi này, Bộ Tài chính cho rằng qua công tác quản lý thu cho thấy có một số DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, thương mại, dịch vụ… báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh lỗ trong khi doanh thu luôn tăng trưởng qua các năm, không ngừng mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.
“Qua xem xét báo cáo tài chính của các DN cũng cho thấy nguyên nhân dẫn đến tình trạng lỗ một phần do chi phí tài chính, chi phí trả lãi tiền vay vốn cho công ty mẹ ở nước ngoài quá lớn. Thậm chí có công ty chi phí trả lãi tiền vay vốn lên đến vài ngàn tỉ đồng mỗi năm” – Bộ Tài chính nêu ví dụ.
Tránh thất thu thuế
Theo đánh giá của các chuyên gia, quy định mới đưa ra trong dự thảo mới nhất về khống chế chi phí trả lãi vay được trừ có thể giúp Việt Nam hạn chế được tình trạng chuyển giá trong khối đầu tư nước ngoài. Nhất là hạn chế các công ty thông qua các giao dịch có mối liên kết về sở hữu, quản trị… trốn thuế.
Đại diện một công ty thực phẩm tại TP.HCM dẫn chứng không ít nhà đầu tư nước ngoài có vốn rất ít vào Việt Nam khai thác tài nguyên thiên nhiên, sử dụng lao động giá rẻ… nhưng vay rất nhiều tiền từ nước ngoài rồi qua kênh này chuyển giá.
Hơn nữa, không ít công ty mẹ ở nước ngoài chủ yếu cho vay công ty con ở Việt Nam để chịu mức thuế nhà thầu thấp, chỉ khoảng 5% cho phần lãi vay. Trong khi đó với các công ty con ở Việt Nam phần lãi vay công ty mẹ lẫn vay tổ chức tín dụng lại được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập DN.
“Điều này có nghĩa là các công ty có giao dịch liên kết với công ty mẹ nước ngoài đóng thuế thấp, gây thất thu ngân sách nhà nước. Vì vậy, quy định dự thảo mới đưa ra sẽ tạo sân chơi công bằng cho các công ty trong nước, tăng nguồn thu cho ngân sách” – đại diện công ty trên nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, nhận xét việc chống chuyển giá, chống thất thu thuế các công ty đa quốc gia, có vốn đầu tư ngoại là bài toán nhiều năm nay mà Việt Nam chưa có lời giải, nay đã được đưa vào dự thảo luật. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nước ngoài nào cũng bị áp dụng quy định này mà chỉ những đơn vị có quan hệ liên kết qua biên giới.
“Đối với tập đoàn trong nước thì quy định mới đưa trong dự thảo chỉ áp dụng với những đơn vị có giao dịch về vay vốn với các bên có quan hệ liên kết với mức thuế thu nhập DN khác nhau, còn cùng mức thuế thu nhập DN thì không áp dụng. Nghĩa là có sự phân định rạch ròi, tránh chồng chéo, giúp DN bớt khổ” – ông Hiếu nói.
Muốn đánh thuế chuyển nhượng vốn
Theo dự thảo luật sửa đổi, bổ sung sáu luật thuế vừa được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến, thuế nhà thầu đối với hoạt động chuyển nhượng vốn được đề xuất là 2% trên giá trị thương vụ, thay vì 1% như đề xuất đã từng bị phản ứng trước đó cũng như thay cho quy định 20% trên chênh lệch giá như hiện hành.
Giải trình cho đề xuất đánh thuế chuyển nhượng vốn giữa các DN, Bộ Tài chính cho biết đây là cách đơn giản để kiểm soát thu thuế, tránh thất thu ngân sách nhà nước.
Bởi thực tế hiện nay cho thấy đa số tổ chức nước ngoài khi chuyển nhượng vốn cho bên nước ngoài thường kê khai giá chuyển nhượng bằng giá vốn. Cơ quan thuế Việt Nam chưa có cơ sở để kiểm chứng kê khai nên thường chỉ thu được thuế đối trên phần chênh lệch tỉ giá hối đoái giữa thời điểm chuyển nhượng và thời điểm góp vốn, không thu được thuế từ chênh lệch giá trị thương vụ.
LS Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, nói: Những đối tượng chủ yếu chịu ảnh hưởng của dự thảo Luật Thuế thu nhập DN mới nhất là các DN có vốn đầu tư nước ngoài có vay tiền từ công ty mẹ; những tập đoàn, tổng công ty trong nước có giao dịch liên kết… phải đóng thuế nhiều hơn.