Sự tương đồng giữa cơn sốt bitcoin và bong bóng dotcom

Vào năm 1999, diễn viên Whoopi Goldberg đã có một quyết định táo bạo. Thay vì nhận 1 khoản thù lao trả công làm đại diện cho một công ty khởi nghiệp dotcom, bà đã nhận 10% cổ phần của doanh nghiệp này. Đây dường như là một quyết định khôn ngoan. Ở thời điểm đó, hầu như ai cũng đầu tư cho các doanh nghiệp internet. Một loạt các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của những công ty này đã nhanh chóng biến các nhà đầu tư thành triệu phú.

Diễn biến tương tự dường như đang lặp lại với tiền số và những người nổi tiếng ủng hộ tiền số.

Khi đó, Flooz (công ty mà Goldberg sở hữu cổ phần) được ca ngợi là tương lai của tiền tệ với tham vọng trở thành đối thủ của đồng mỹ kim trong tương lai. Tuy nhiên, cách thức hoạt động của công ty này lại không tiên tiến như vậy. Dịch vụ của Flooz chỉ tương đương với một phiếu quà tặng: khách hàng trả bằng đô la và nhận lại tiền Flooz như 1 quà tặng đi kèm hoặc có thể mua trực tiếp từ trang Flooz.com. Sau đó, loại tiền ảo này có thể được mua bán qua các thương gia, với hi vọng một ngày nào đó tiền Flooz sẽ có vai trò tương đương tiền thực.

Tuy nhiên, Flooz đã phải đối mặt với vấn đề “đạo nhái” mô hình hàng loạt. Cách thức hoạt động của Beenz, một đối thủ lớn của Flooz, chỉ khác biệt duy nhất ở một điểm: Beenz cho phép các đơn vị tiền tệ của mình biến động theo giá thị trường.

Tương tự như các tập đoàn ngân hàng trước đó, hai công ty liên doanh này quyết định sát nhập vì lợi ích chung bằng cách chấp nhận lưu thông tiền tệ của nhau trong mạng lưới của mình.

Dù vậy, vào năm 2001, cả hai công ty đều thất bại do thiếu hụt một “nguyên liệu” quan trọng trong tài chính, đó là niềm tin. Flooz “gục ngã” do những lo ngại về an ninh sau khi công ty này thừa nhận một tập đoàn tội phạm Nga đã lợi dụng hệ thống tiền ảo Flooz; trong khi đó, tình trạng biến động giá trị của Beenz nhanh chóng khiến người dùng nản lòng.

Thiệt hại của hai công ty góp phần đem đến thành công cho PayPal. Sở dĩ PayPal thành công là bởi công ty này đã đặt mục tiêu thấp hơn so với người tiền nhiệm. Thay vì thay thế tiền tệ hiện hành, PayPal tập trung nâng cao khả năng di động của đồng USD trên Internet bằng việc tạo ra một mạng lưới an toàn, thu hút sự ủng hộ của công chúng. Đây chính là điều người dùng thực sự mong muốn.

Chúng ta học được gì từ sự thất bại của các công ty Internet? Câu trả lời là không gì cả. Tương tự như cơn sốt dotcom, nhiều người nổi tiếng đã thể hiện thái độ ủng hộ đối với hệ thống tiền số. Ví dụ, người thừa kế và đồng thời là ngôi sao truyền hình thực tế Paris Hilton chia sẻ trên twitter rằng cô sẽ ủng hộ gây vốn cho LydianCoin, một loại tiền ảo mới chỉ ở giai đoạn lên ý tưởng. Michelle Mone, một nữ doanh nhân, cũng tuyên bố bà sẵn sàng chấp nhận thanh toán bằng bitcoin khi bán những căn hộ xa hoa tại 1 dự án ở Dubai.

Điểm đặc biệt nổi bật của con đường làm giàu này chính là đặc tính “tiền từ trên trời rơi xuống”.

Nếu IPO thống trị thời kỳ bong bóng dotcom, thì hiện nay các ICO (lần phát hành tiền đầu tiên ra công chúng) lại khiến các nhà đầu tư sôi sục. Hầu hết mục tiêu của các ICO không phải là tạo ra lợi nhuận hay doanh thu. Trên thực tế, từ quan điểm pháp lý, ICO không thể tạo ra lợi nhuận. Phần lớn các luật sư đồng ý rằng với ICO, tiền số có thể sẽ được phân loại là cổ phiếu. Động thái này có khả năng thu hút can thiệp về mặt pháp lý, đẩy tiền ảo vào các quy trình niêm yết nghiêm ngặt.

Vào tháng 7, quan điểm này đã được làm rõ khi Uỷ ban Chứng khoán và Sàn Giao dịch Mỹ cảnh báo: “Tiền số có thể là cổ phiếu và phải tuân theo các điều luật liên bang về cổ phiếu”, và “bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng sử dụng công nghệ để tạo ra một vụ ICO hấp dẫn trông rất hấp dẫn nhưng thật ra lại là 1 vụ lừa đảo”.

Vì vậy, phần lớn các ICO mới chỉ gồm các hoạt động bán mã token cho các hệ thống tiền ảo đã tồn tại trước đó với hứa hẹn sẽ mua lại trực tiếp sau này bằng hàng hoá, dịch vụ hoặc nội dung trực tuyến, hoặc chỉ đơn giản là hi vọng giá trị đồng tiền số mới phát hành sẽ tăng vọt dù không đem lại doanh thu cụ thể.

Dù nhiều hệ thống tiền tương tự đã thất bại, nhưng nhiều công ty cho rằng họ có thể thành công bằng cách tham gia vào các hệ thống tiền số sẵn có như Ethereum hay bitcoin. Những hệ thống này vốn đã có một mạng lưới người dùng nhất định. Tuy nhiên, trước tình hình số nơi chấp nhận tiền số giảm xuống thay vì tăng lên, các nhà đầu tư cần một lý do hấp dẫn hơn nhằm thúc đẩy họ đầu tư cho tiền số.

Để có thể lưu thông trong nền kinh tế thực, tiền số buộc phải được quy đổi sang tiền tệ truyền thống tại các sàn giao dịch tiền số. Điều này vấp phải một số khó khăn. Tuy nhiên, khi các nhà quản lý đang siết chặt giám sát công tác quản lý sàn giao dịch thì những người sở hữu tiền ảo không muốn tham gia các thủ tục liên quan đến điều tra khách hàng và chống rửa tiền sẽ phải đứng ngoài cuộc chơi.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã tuyên bố ICO không phải là hình thức kêu gọi vốn từ cộng đồng phi pháp. Nhiều quy định mới từ các khu vực pháp lý khác có thể sẽ được công bố trong những tuần tới.

Và một lần nữa, nếu lịch sử dạy chúng ta điều gì, thì thứ khiến cơn sốt tiền ảo sụp đổ sẽ là khuynh hướng bị bọn tội phạm lừa đảo lạm dụng và một hệ thống quản lý phức tạp không cần thiết (dù nhằm mục đích đảm bảo an toàn). Khi phải lựa chọn, con người thường chọn sự an toàn.

Tăng giá 30 lên hơn 3.800 USD, bitcoin đang trở lại để chạm đỉnh 5.000 USD?

Bài viết mới