Sự trỗi dậy của Trung Quốc đang khiến quan điểm của nhà đầu tư về những thị trường rủi ro nhất thế giới thay đổi như thế nào?

Thị trường cận biên (frontier market) là khái niệm dùng để chỉ những thị trường “có thể đầu tư được” với tiềm năng lớn nhưng lại kém ổn định hơn các thị trường mới nổi. Các thị trường này thu hút được nhiều sự chú ý của những nhà đầu tư muốn tìm kiếm lợi suất cao và chấp nhận rủi ro ở mức cao.

Những rủi ro mà nhà đầu tư gặp phải nhiều nhất trên các thị trường này thường là bất ổn chính trị, thanh khoản kém, luật lệ không ổn định, các báo cáo tài chính thiếu minh bạch và tỷ giá biến động quá mạnh. Bên cạnh đó, các thị trường này cũng bị phụ thuộc quá nhiều vào thị trường hàng hóa vốn biến động thất thường.

Tuy nhiên, sự trỗi dậy của Trung Quốc trong vài năm trở lại đây với dòng vốn đầu tư ồ ạt vào các thị trường cận biên đang khiến thái độ của nhà đầu tư đối với các thị trường này thay đổi nhanh chóng với dự báo nguồn vốn từ Trung Quốc sẽ tiếp sức đáng kể cho các nền kinh tế này, tạo ra nhiều cơ hội đầu tư mang về lợi suất cao.

Ra đời năm 2013, sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc được coi là một cách để nền kinh tế lớn thứ hai thế giới siết chặt hơn nữa mối quan hệ với các nước nằm dọc theo “con đường tơ lụa” – hệ thống các con đường buôn bán kết nối khắp các nước châu Á đã có lịch sử hàng nghìn năm.

Mở rộng sang cả những quốc gia và vùng lãnh thổ xa xôi như Fiji và Maldives, sáng kiến này cũng nhằm mục tiêu gia tăng sức ảnh hưởng của Trung Quốc trên trường quốc tế trong bối cảnh nước Mỹ dưới thời Donald Trump có nhiều động thái quay lưng với toàn cầu hóa. Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết sẽ tài trợ 540 tỷ nhân dân tệ (tương đương 82 tỷ USD) cho nỗ lực toàn cầu hóa “theo kiểu Trung Quốc”.

Pakistan – nơi Bắc Kinh dự định đầu tư khoảng 50 tỷ USD thông qua chương trình Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan, có thể là 1 ví dụ tốt để kiểm chứng sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở các thị trường cận biên.

Do chuyển từ đầu tư khai thác tài nguyên thiên nhiên sang đầu tư vào các cơ sở hạ tầng phục vụ chuỗi cung ứng, dòng vốn đầu tư của Trung Quốc sẽ tạo ra ảnh hưởng sâu rộng hơn trong nền kinh tế của các thị trường cận biên. Thực tế là vốn Trung Quốc đã trở thành một trong những lực đẩy lớn nhất cho nền kinh tế và TTCK Pakistan.

Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” cũng sẽ có lợi cho Mông Cổ, Myanmar, Lào và Bangladesh hay Kazakhstan. Với nguồn vốn khổng lồ mà Trung Quốc tài trợ cho các nước tham gia sáng kiến, chắc chắn các thị trường cận biên (frontier market) sẽ được hưởng nhiều lợi ích. Tuy nhiên, theo chuyên gia Hasnain Malik của Exotix Partners, các nhà đầu tư nên hết sức cẩn trọng khi đánh giá những tác động.

“Không giống như IMF, Trung Quốc không bắt buộc các các nước nhận tài trợ phải tuân theo những yêu cầu nghiêm ngặt về cải cách chính sách tiền tệ (trong đó có điều hành tỷ giá) hay chính sách tài khóa. Khi bắt đầu tham gia chương trình của IMF, sẽ có nhiều kỳ vọng về những thay đổi theo hướng tích cực, loại bỏ những chính sách không thân thiện với các nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài. Điều này không thấy ở nguồn vốn từ Trung Quốc”, Malik nói.

Bloomberg: VnIndex đánh bại TTCK Pakistan, MSCI đã lầm khi không nâng hạng thị trường Việt Nam?

Bài viết mới