Năm 2016, Đức đã vượt qua Anh để trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) với 1,9%, mức cao nhất trong 5 năm trước đó. Dẫu vậy, quyết định chuyển đổi sang năng lượng sạch của Đức đang khiến nhiều người lo lắng về an ninh năng lượng của nước này. Đi kèm với đó là sự thiếu đầu tư cho cơ sở hạ tầng khiến tăng trưởng của Đức có nguy cơ bị ảnh hưởng trong tương lai.
Sự trỗi dậy của người Đức
Cách đây không lâu, nền kinh tế Đức vẫn còn lâm vào tình trạng chậm tăng trưởng, tỷ lệ thất nghiệp cao và thâm hụt ngân sách nặng. Đến mức cuối năm 2004, quốc gia này còn bị ví như là “người bệnh của Châu Âu”.
Trong suốt thập niên 1980, 1990 đến cuối thập niên 2000, nền kinh tế Đức không thực sự vượt trội. Kể cả khi kinh tế Mỹ có sự bùng nổ mạnh mẽ qua từng thời kỳ thì Đức vẫn chậm chạp tiến lên với tỷ lệ thất nghiệp vượt quá 10% vào năm 2005.
Tuy nhiên, sau gần 10 năm chìm trong cuộc khủng hoảng 2008, Đức giờ đây đã tìm lại được hướng đi của mình. Với vị thế là nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới và lớn nhất Châu Âu, hiện Đức đang xuất khẩu nhiều thứ nhì toàn cầu sau Trung Quốc và nhập khẩu đứng hàng thứ 3 thế giới. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm mạnh xuống quanh mức 5% trong khi mức tăng lương tại Đức vượt qua cả Mỹ kể từ thập niên 1990 đến nay.
Tỷ lệ thất nghiệp của Đức giảm mạnh (tính đến tháng 3/2017)
Tỷ lệ thất nghiệp của Đức khá thấp so với nhiều nước phát triển (tính đến tháng 5/2017)
Một trong những thành công lớn nhất của Thủ tướng Merkel đối với nền kinh tế Đức là hạ tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp kỷ lục kể từ khi 2 miền Đông-Tây Đức thống nhất cách đây 27 năm. Thành công này cực kỳ ấn tượng trong bối cảnh toàn cầu hóa và các công ty cũng như người lao động trong nước phải cạnh tranh với những nhà sản xuất từ nước ngoài.
Điều đáng nói thêm ở đây là Đức đạt được thành quả này trong khi vẫn duy trì được tự do thương mại chứ không lâm vào tình trạng bảo hộ như tại Mỹ hiện nay.
Với một chế độ lao động dầy ưu đãi khi nhân viên có tối thiểu 4 tuần nghỉ phép trong năm nhưng bị đánh thuế thu nhập cao, người lao động Đức vẫn đánh bật Pháp và Mỹ trong năng suất lao động và đây là một trong những nguyên nhân chủ chốt khiến Đức giữ được vị thế của mình tại Châu Âu.
Số GDP bình quân mỗi giờ lao động của người Đức đứng thứ 2 trong nhóm G7 (USD)
Không chỉ trong ngành công nghiệp, Đức cũng dẫn đầu nhiều nước phát triển trong mảng năng lượng sạch. Chính sách này chỉ được Thủ tướng Merkel tăng cường thúc đẩy sau khi vụ rò rỉ phóng xạ nhà máy hạt nhân Fukushima diễn ra vào năm 2011.
Nguyên nhân thành công của người Đức đến từ nhiều yếu tố, như sự hỗ trợ từ Mỹ khi 2 miền Đông-Tây Đức thống nhất vào năm 1989 hay sự thúc đẩy của hàng loạt những công ty gia đình cỡ vừa. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chính xuất khẩu mới là yếu tố chủ chốt làm nên sự tăng trưởng vượt bậc của Đức thời gian gần đây.
Mặc dù chỉ chiếm chưa tới 5% tổng GDP toàn cầu nhưng Đức lại chiếm tới 9% xuất khẩu toàn thế giới. Xuất khẩu của nền kinh tế này đóng góp tới 50% GDP, một tỷ lệ cao gấp đôi so với Trung Quốc.
Kim ngạch xuất khẩu của Đức (tỷ USD)
Một trong những ưu thế lớn của Đức trong mảng xuất khẩu là công đoàn sẵn sàng kìm hãm tăng trưởng lương để tạo lợi thế chi phí cho các nhà máy sản xuất của nước này. Tuy nhiên, điều trớ trêu là động thái này trên thực tế lại thúc đẩy tốc độ tăng trưởng tiền lương và việc làm ở Đức trong dài hạn.
Với sự hỗ trợ của công đoàn và chính phủ, các công ty có thể yên tâm xây dựng thêm nhiều nhà máy và sản xuất thêm sản phẩm để xuất khẩu với lợi thế về chi phí. Đổi lại, chính sự gia tăng năng suất khiến các doanh nghiệp cần thêm lao động. Dẫu vậy, do dân số già hóa nhanh nên các công ty buộc phải nâng lương nhằm thu hút đủ số nhân viên theo nhu cầu, dẫn đến việc tăng lương và việc làm trong dài hạn.
Bên cạnh lao động, việc đồng Euro rẻ cũng tác động tích cực đến xuất khẩu của Đức. Quốc gia này có thặng dư thương mại vô cùng lớn với 270 tỷ USD năm 2016. Do sử dụng đồng Euro khi nhiều nước thành viên khối đồng tiền chung (Eurozone) còn đang gặp khó nên dù có mức thặng dư lớn, Đức cũng không thể điều chỉnh tỷ giá để cân bằng những hệ lụy thương mại.
Đức đứng đầu nhóm G7 về năng lượng sạch
Thành công đi kèm thách thức
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu nhưng việc cắt giảm những nhà máy điện truyền thống khiến Đức trở thành một trong những nước có giá điện cao nhất thế giới. Do sự chuyển đổi quá gấp gáp nên một số hệ lụy đã sinh ra và đe dọa đến tiềm năng phát triển của Đức.
Bên cạnh đó, dù đạt được nhiều thành tựu nhưng dân số già đang khiến nền kinh tế Đức đứng trước nguy cơ thiếu lao động và đây là một trong những thách thức lớn nhất của Thủ tướng Merkel trong nhiệm kỳ mới.
Tỷ lệ sinh tại Đức chỉ vào khoảng 1,38 trẻ/phụ nữ, thấp hơn cả Nhật Bản. Điều này đồng nghĩa với việc ngày càng ít lao động phải cáng đáng cho ngày càng nhiều những người nghỉ hưu.
Dân số Đức sẽ suy giảm 3% vào năm 2050
Trong khi đó, việc chào đón người nhập cư của Thủ tướng Merkel đã làm dấy lên những tranh cãi và xung đột trong xã hội Đức bất chấp thực tế nước này đang cần lao động. Những nghiên cứu cho thấy khoảng cách về dân số giữa Đức với Pháp và Anh đang ngày một cách xa bất chấp có đến 1,3 triệu người nhập cư vào nước này trong khoảng 2015-2016.
Với vị thế là một trong những nước phát triển, Đức cũng không tránh khỏi thách thức duy trì tăng trưởng năng suất khi phải liên tục sản xuất nhiều hơn với nguồn lực có hạn.
Chất lượng các trường quản lý của Đức không cao
Một yếu điểm nữa với thị trường Đức là hệ thống giáo dục trong quản trị doanh nghiệp. Các nghiên cứu cho thấy chất lượng giáo dục quản trị doanh nghiệp của Đức còn chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng. Đầu tư cho cơ sở hạ tầng giáo dục tại Đức còn yếu và các trường học của nước này vẫn chưa được công nhận nhiều cũng như xếp thứ hạng cao trên thế giới.
Bên cạnh đó, nguy cơ tự động hóa đang đe dọa lớn đến ngành lao động Đức khi quốc gia này có tỷ lệ ứng dụng robot nhiều thứ 2 thế giới sau Nhật Bản.
Hơn nữa, chính sách thắt chặt tài khóa khiến Đức hạn chế đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tạo nên những rủi ro cho phát triển dài hạn của nước này. Đức đứng cuối bảng trong nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 về đầu tư nghiên cứu công nghệ, mạng không dây, trường học, đường xá.
Ngoài ra, việc Đức thăng dư thương mại đang ảnh hưởng đến những thành viên trong Eurozone khi hàng hóa của họ không cạnh tranh được với Đức, tạo nên những bất đồng không đáng có trong liên minh. Thậm chí, Mỹ đã từng chỉ trích thặng dư thương mại của Đức có được là dựa trên thâm hụt thương mại của Mỹ.
Đức đứng cuối bảng trong nhóm G7 về mạng không dây
Đức cũng đứng cuối nhóm G7 về đầu tư cho công nghệ, cơ sở hạ tầng, trường học…