Các chuỗi cửa hàng tiện lợi tại Đông Nam Á đang tìm kiếm thành công bằng chiến lược không chính thống thông qua các siêu thị mini chuyên nhắm tới những thành phố đông đúc hoặc vùng sâu vùng xa. Đặc điểm của những siêu thị mini dạng này là chúng mang lại sự linh hoạt đáng kể mà hầu như không một đối thủ cạnh tranh tới từ nước ngoài nào có thể bắt kịp được.
Nhỏ nhưng nhiều lựa chọn
Một cửa hàng tiện lợi Vinmart+ nằm trên đường Lê Duẩn (Hà Nội) dù mặt tiền nhỏ nhưng chiều dài lại khá sâu với tổng diện tích là hơn 100 m2. Được biết địa điểm này trước đây được chủ nhà cho một hiệu ảnh thuê. Dù đặc điểm vị trí như vậy có thể khiến nhiều đại gia bán lẻ nước ngoài e ngại. Tuy nhiên Vingroup – đơn vị chủ sở hữu Vinmart+ lại nhận thấy tiềm năng rất cao của khu vực này.
Bên trong cửa hàng chứa gần như đầy đủ các dòng sản phẩm như một siêu thị bình thường, có cả thực phẩm tươi cũng như đồ ăn sẵn và những sản phẩm cần thiết hàng ngày. Lối đi giữa các kệ hàng được thiết kế rộng chưa đầy 1m nhằm tận dụng tối đa không gian bên trong cửa hàng và từ đó có thể chứa được nhiều hàng hóa hơn. Nhà kho được đặt ngay ở tầng 2 của ngôi nhà.
“Tiện lợi tới mức tôi không còn đi chợ và siêu thị nữa”, một bà nội trợ 38 tuổi đang mua sắm tại đây nói với phóng viên tờ Nikkei.
Tháng 6 vừa qua, cửa hàng này tiếp tục mở rộng danh mục thức ăn sẵn và họ cũng bắt đầu triển khai chương trình giảm giá từ 4h chiều tới 7h30 tối mỗi ngày trong tuần, nhằm thu hút nhóm những phụ nữ thông thường sẽ ghé qua chợ hoặc siêu thị trên đường đi làm về.
Việc đi ngược lại so với xu hướng đang diễn ra tại những nền kinh tế phát triển – nơi các cửa hàng tiện lợi đang ngày càng được thiết kế rộng rãi hơn quanh mức từ 150 – 200 m2, đang giúp Vinmart+ có thể mở rộng một cách cực kỳ nhanh chóng.
Hiện tại, Vingroup đang lên kế hoạch tăng số lượng chuỗi này lên 1.500 cửa hàng tính tới cuối năm tài chính này, 3.000 cửa hàng trong năm 2018 và 10.000 cửa hàng trong năm 2019.
Nếu như ban đầu đa phần những đối thủ lớn đều coi các siêu thị mini như một thứ vô hại thì hiện tại họ đã bắt đầu cảm nhận chúng như một mối đe dọa thực sự. “Khi chứng kiến những cửa hàng Vinmart+ mọc lên như nấm, chúng tôi nhận thấy chúng thật sự không thể xem thường”, theo chủ tịch chi nhánh tại Việt Nam của một chuỗi cửa hàng tiện lợi Nhật Bản.
Tờ Nikkei không nêu tên cụ thể của chuỗi cửa hàng tiện lợi Nhật Bản này, tuy nhiên nhiều khả năng đó chính là 7-Eleven, đơn vị vừa gia nhập thị trường Việt Nam hồi tháng 7 vừa qua.
Đơn giản hóa
Tốc độ tăng trưởng trong tiêu dùng cùng với sự mở rộng không ngừng của các nền kinh tế Đông Nam Á một phần lớn là nhờ cửa hàng tiện lợi chứ không phải tạp hóa và siêu thị. Tại Indonesia, 2 gã khổng lồ thống trị trên thị trường với hơn 10.000 cửa hàng mỗi đơn vị là Indomaret – được điều hành bởi Salim Group và Alfamart thuộc sở hữu của Sumber Alfaria Trijaya.
Tuy nhiên sự cạnh tranh trong lĩnh vực này đang ngày càng trở nên gay gắt hơn. Ngay cả khi 7-Eleven vẫn rất thịnh vượng tại Thái Lan với 10.000 địa điểm nhưng tại Indonesia, hãng này đã phải đóng cửa 166 địa điểm tính tới cuối tháng 6.
Những rào cản về pháp lý đối với cửa hàng tiện lợi khiến 7-Eleven phải hoạt động dưới dạng nhà hàng. Tuy nhiên chi phí vận hành cao với mô hình này cùng áp lực cạnh tranh từ việc mở rộng của 2 đối thủ cạnh tranh trong nước đã buộc chuỗi cửa hàng này phải rút lui.
Một cửa hàng Alfamart đặt tại tầng 1 của một tòa nhà chung cư tránh xa những con phố đông đúc. Giống như Vinmart+ tại Hà Nội, cửa hàng này chỉ chưa đầy 100 m2. Alfamart thực hiện việc lựa chọn hàng bán phù hợp với diện tích nhỏ của cửa hàng, không có suất ăn đóng hộp và thực phẩm chuẩn bị sẵn và cửa hàng giảm giá liên tục. Chiến lược giá rẻ, chi phí rẻ – đối lập hoàn toàn với mục tiêu mà 7-Eleven: Cung cấp rất nhiều loại sản phẩm khác nhau và chỗ ngồi thoải mái phục vụ khách hàng trong khi vẫn liên tục giảm giá – đã giúp Alfamart thu hút rất nhiều người.
Những năm gần đây, Alfamart cũng tiến hành tấn công vào một vài thành phố khu vực và những hòn đảo xa xôi. Bên ngoài đảo Java – số lượng cửa hàng của họ đã tăng gấp 3 lần trong giai đoạn từ giữa năm 2012 đến cuối tháng 3 lên mức 3.500 – chiếm 28% tổng số các cửa hàng của họ.
Nếu một số đối thủ cạnh tranh nước ngoài có khuynh hướng không muốn gia nhập những thị trường xa xôi do những thách thức liên quan tới hậu cần thì Alfamart khá thành công trong việc xây dựng các kho hàng ở những khu vực xa. Ngoài ra, mỗi địa điểm thuê cửa hàng của Alfamart có giá từ 54.000 – 63.000 USD, ít hơn một nửa so với con số mà những chuỗi đối thủ tới từ Nhật Bản phải trả.
Chất lượng hơn số lượng
Tại Myanmar, lĩnh vực sản xuất đang phát triển nhanh chóng và bằng chứng là những gã khổng lồ như Coca-Cola đã tấn công vào đây. Tuy nhiên, bán lẻ lại chứng kiến quá trình hiện đại hóa chậm hơn nhưng City Mart Holdings – một nhà điều hành chuỗi cửa hàng tiện lợi tại đây là một ngoại lệ.
The City Express ra đời năm 2011 vẫn chỉ có 65 địa điểm nhưng họ chiến thắng đổi thủ nhờ chất lượng đỉnh cao. Cửa hàng có nhiều lựa chọn sản phẩm từ thức ăn sẵn như bánh nhân thịt, thịt gà, cửa hàng còn được trang bị hệ thống bán hàng hiện đại và camera an ninh.
“Khi những đối thủ cạnh tranh tấn công thị trường, City Express không thể tiếp tục đứng vững nếu không tập trung vào chất lượng”, CEO Win Win Tint của City Express nói. Thậm chí, công ty này còn hoãn lại mục tiêu mở 200 cửa hàng trong 2 năm tới tính đến năm 2019 nhằm tập trung vào cải thiện chất lượng.
Tạp chí Forbes đã vinh danh Win Win Tint trong danh sách 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất châu Á năm 2015. Còn ông Phạm Nhật Vượng – chủ tịch Vingroup – đơn vị sở hữu Vinmart+ cũng là một trong 2 tỷ phú đôla duy nhất của Việt Nam.
Điểm chung của cả 2 người này là họ đều đang nghiên cứu và đặt cược vào thị trường địa phương. Họ đánh cược rằng khách hàng sẵn sàng trả 10 – 20% giá cao hơn ở những cửa hàng nhỏ hơn vì sự tiện lợi, sạch sẽ và chất lượng tốt. Nhìn chung cả 2 công ty đã đều thành công trong việc tìm ra cách thông minh nhằm đối phó với mạng lưới vận tải nhỏ ở các quốc gia của mình.