Steve Jobs: Chỉ khi đảm bảo 2 yếu tố này, bạn mới có thể thành công

Steve Jobs là một doanh nhân huyền thoại. Ông nổi tiếng với việc xây dựng đế chế công nghệ Apple từ một garage ô tô cũ cùng Steve Wozniak năm 1976 sau khi bỏ dở việc học tại Harvard. Công ty công nghệ này hiện có giá trị vốn hóa thị trường tới hơn 870 tỷ USD.

Từng bị buộc phải rời khỏi chính công ty mà ông đã thành lập do xung đột trong cách quản lý, Steve Jobs quay lại công ty năm 1997 và một lần nữa chèo lái “tâm huyết” của mình. Theo nhà đồng sáng lập của Apple, 2 yếu tố tối cần thiết để xây dựng một công ty thành công là: Niềm đam mê và con người.

Những người có đam mê có thể thay đổi thế giới

Khi trở lại Apple năm 1997 sau 12 năm vắng bóng, Steve Jobs đã tổ chức một buổi gặp mặt tại Apple. Trong buổi gặp mặt, ông đã lý giải vai trò của đam mê trong việc làm sống lại thương hiệu của công ty như thế nào: “Apple không chế tạo ra những cái hộp để giúp mọi người làm công việc của họ, mặc dù chúng ta có thể làm tốt điều đó. Apple phải làm nhiều hơn thế. Giá trị cốt lõi của công ty là: Chúng ta tin rằng những người sống với đam mê của mình có thể thay đổi thế giới, để khiến nó trở nên tốt đẹp hơn”.

Năm 2005, Jobs trở lại với chủ đề này trong bài nói chuyện nổi tiếng của mình trong lễ trao bằng tốt nghiệp ở Đại học Stanford: “Bạn phải tìm kiếm điều bạn đam mê. Cách duy nhất để làm nên điều vĩ đại là yêu việc mình làm. Nếu bạn chưa tìm thấy, hãy tiếp tục tìm kiếm. Đừng an phận. Vì với tất cả trái tim mình, bạn sẽ biết khi tìm thấy nó”.

Steve Jobs: Chỉ khi đảm bảo 2 yếu tố này, bạn mới có thể thành công - Ảnh 1.

Mọi người nói rằng bạn cần rất nhiều đam mê với những gì bạn đang làm. Điều đó hoàn toàn đúng, bởi việc tạo ra những thứ có giá trị thực sự rất khó khăn. Đam mê là nguồn động lực lớn nhất giúp bạn theo đuổi mục tiêu của mình. Nếu không có đam mê, bạn sẽ dễ từ bỏ trước những trở ngại. “Đó là điều thực sự khó. Để tạo dựng những giá trị lớn bạn phải kiên trì trong thời gian dài. Nếu bạn không yêu thích, không hào hứng khi làm việc, bạn sẽ từ bỏ mọi thứ sớm thôi… Điều đó xảy ra với hầu hết mọi người”, Jobs nói.

Hãy tìm những người đồng sự thông minh và yêu công ty

Bên cạnh đam mê, đối với Steve Jobs, một yếu tố quan trọng khác để xây dựng doanh nghiệp thành công là khả năng thu hút và giữ chân nhân tài. Ngay từ khi tuyển dụng, Steve Jobs đã luôn chọn những người đúng đắn và thích hợp nhất. Vậy, theo quan điểm của ông chủ Apple, thế nào là một người đúng đắn nhất?

Tất nhiên, tài năng là yếu tố số 1. Nhưng xa hơn nữa, Jobs muốn những người cùng làm việc với mình có một phẩm chất khác. Trong một cuộc phỏng vấn với Fortune năm 2008, ông nói rằng: “Tôi muốn làm việc cùng những người thật sự thông minh. Nhưng vấn đề quan trọng nhất với tôi, đó là trả lời câu hỏi “Bạn sẽ yêu Apple chứ?”. Nếu câu trả lời là có, mọi thứ sẽ diễn ra theo tự nhiên thôi. Họ sẽ muốn điều tốt nhất cho Apple, trước khi làm bất kỳ điều gì cho bản thân họ, cho Steve Jobs hay bất kỳ ai khác”.

Nhà đồng sáng lập Apple cũng thường tuyển dụng những người có xu hướng giống mình: Suy nghĩ khác biệt giống như câu slogan nổi tiếng của Apple: “Think different”. Steve Jobs từng chia sẻ, ông tuyển chọn những “cướp biển” thay vì các “sĩ quan hải quân”. Bởi cướp biển là những người tài năng và dám suy nghĩ khác biệt, sẵn sàng hết mình cho đội “cướp biển” của mình. Họ là những người gan lì nhất, có thể chịu đựng hoàn cảnh một cách phi thường, đưa đồng đội của mình tới đích cuối cùng.

Những người mà Steve Jobs lựa chọn sẽ mang sứ mệnh của Apple ngay từ đầu. Bởi ông biết, những “cướp biển” sẽ không bao giờ rời bỏ tàu của mình. Họ là những người đồng hành trung thành nhất, tự họ sẽ giữ chân mình một cách hiệu quả nhất.

Đối với nhiều người, Steve Jobs không được đánh giá là người lãnh đạo tuyệt vời. Thậm chí, có nhiều tranh cãi xung quanh chính sách quản lý khắt khe của ông tại Apple. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, điều đó đã góp phần nâng Apple lên một tầm cao mới của sự sáng tạo và đổi mới.

Tôn chỉ của của Steve Jobs truyền cảm hứng cho mọi người ở khắp nơi trên thế giới, thúc đẩy mọi người vượt qua các giới hạn và là những sợi dây kết nối và giữ chân các nhân tài xuất chúng dưới thời của ông. Đó là một cơ sở quan trọng để Apple trở thành tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.

Bài học thành công Steve Jobs nhận được từ cha nuôi: “Con cần sơn mặt sau của hàng rào”

Bài viết mới