Cách đây đúng 1 năm, vào ngày 17/8/2016, Bannon, 1 người sùng bái chủ nghĩa dân túy có tính cách quyết liệt và táo bạo đang điều hành trang tin tức cực hữu Breitbart News, bắt đầu tiếp nhận chiến dịch tranh cử Tổng thống của tỷ phú bất động sản Donald Trump. Cuối cùng thì hai người đã vượt qua nhiều khó khăn để tạo nên cơn địa chấn trong lịch sử nước Mỹ.
Gặp ông Trump lần đầu tiên năm 2010, Bannon, 1 cựu sĩ quan Hải quân, cựu nhân viên của Goldman Sachs và cũng là 1 nhà làm phim theo đường lối bảo thủ chính là người có ảnh hưởng rất lớn đến chiến dịch tranh cử của ông Trump. Có thể nói Tổng thống đã chịu nhiều ảnh hưởng từ tư tưởng sắc sảo mang đậm màu sắc chủ nghĩa dân tộc cùng với mong muốn giải quyết triệt để làn sóng nhập cư trái phép vào Mỹ cũng như tham vọng hồi phục nền kinh tế của nhân vật này. Tất cả tập hợp trong công thức nổi tiếng của Tổng thống Trump: “Make America Great Again” (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại).
Trump và Bannon có nhiều điểm tương đồng trong tính cách. Họ đều là những người khá hiếu chiến và sẵn sàng đối đầu với bất cứ cuộc chiến nào. “Tấn công, tấn công, tấn công, tấn công”, Bannon tự nhận xét về bản thân như vậy vào tháng 10 năm ngoái, khi trên mạng phát tán video suýt nữa đã phá hỏng chiến dịch tranh cử của ông Trump.
Theo Sam Nunberg, 1 cựu cố vấn của ông Trump, Bannon chính là người đóng vai trò quan trọng trong con đường tới Nhà Trắng của Tổng thống. Sự trung thành không phải bàn cãi cùng với thái độ sẵn sàng khiêu chiến với giới chính trị gia theo phong cách truyền thống khiến Bannon trở thành nhân vật được các cử tri bỏ phiếu cho ông Trump ngưỡng mộ và kính trọng. “Bannon bước vào Nhà Trắng và không phản bội lại những giá trị của bản thân, nỗ lực hàng ngày để thúc đẩy chương trình nghị sự mà Tổng thống Trump đã đề ra khi tranh cử”.
Bannon hi vọng rằng mình sẽ cùng Tổng thống xây dựng một Chính phủ liên bang tôn thờ chủ nghĩa dân tộc. Nhưng tính cách mạnh mẽ của ông đã đem lại khá nhiều rắc rối ở Nhà Trắng. Bất chấp những nỗ lực làm dịu căng thẳng ở Nhà Trắng của tân Bộ trưởng Nội vụ John Kelly, tuần trước trong bài phỏng vấn trên tờ American Prospect, Bannon thẳng thừng tuyên bố sẽ loại bỏ tất cả những người đi ngược lại tư tưởng của mình ở Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng. Ông cũng phê phán Giám đốc Ủy ban Kinh tế quốc gia Gary Cohn và còn nhằm đến cả Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin. “Chúng tôi vẫn đang đánh nhau. Gary Cohn, Steven Mnuchin và Goldman Sachs đang vận động hành lang”, bài báo có đoạn.
Tồi tệ hơn, Bannon đã công khai nói rằng sẽ không có giải pháp quân sự nào cho vấn đề Triều Tiên tới khi các bên tìm ra một đáp án để đảm bảo an toàn cho toàn bộ 10 triệu người dân Seoul trước nguy cơ bị Bình Nhưỡng tấn công. Điều này mâu thuẫn với lời cảnh báo cứng rắn mà Tổng thống Trump đã phát đi trong thời gian qua.
Bài phỏng vấn như “đổ thêm dầu vào lửa” bởi từ nhiều tháng nay đã có nhiều lời phàn nàn rằng Bannon là nhân vật gây chia rẽ ở Nhà Trắng, những ảnh hưởng nhất định của Bannon lên Tổng thống khiến Nhà Trắng lâm vào tình trạng hỗn loạn. Tổng thống Trump cũng khó chịu với những bài bình luận quá đà nâng cao vai trò của Bannon trong chiến thắng của ông cũng như trong công việc điều hành đất nước.
Trong bài phát biểu đầu tiên kể từ khi bị cách chức, Bannon nói ông sẽ tiếp tục đấu tranh vì ông Trump, “dọn sạch” những kẻ đối đầu Tổng thống – cả ở đồi Capitol, trên truyền thông và trong giới doanh nghiệp.
Tuần trước, khi làn sóng chỉ trích Tổng thống dâng cao vì những bình luận về vụ bạo động ở Virginia, Bannon là 1 trong số ít những quan chức ở Nhà Trắng công khai ủng hộ ông Trump trong bối cảnh hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp, tướng quân đội và cả một số nghị sĩ đảng Cộng hòa hoặc chỉ trích hoặc bỏ mặc Tổng thống. Nhưng cuối cùng thì Tổng thống Trump cũng không còn cần đến lòng trung thành ấy.
Chân dung “cánh tay phải” của Tổng thống Trump, người được tờ Times gọi là “quyền lực thứ hai thế giới”