Sống nhanh, sống gấp người Việt chưa giàu đã… già

Gia tăng bệnh nhân tim mạch

29 tuổi, chị Trần Thị Diệu Hà trú tại Hà Nội đã là bệnh nhân của bệnh tăng huyết áp, máu nhiễm mỡ 3 năm nay. Chị Hà kể huyết áp của chị có lúc lên tới 160 mmHg. Cách đây 3 năm, chị Hà thường xuyên thấy mệt mỏi trong người, đặc biệt là thi thoảng xuất hiện cơn khó thở. Đi làm về, chị chỉ muốn nằm ngủ luôn, không muốn động tay động chân việc gì.

Chị Hà đi khám, bác sĩ cho biết chị bị tăng huyết áp và theo dõi liên tục 6 tháng thì các dấu hiệu của tăng huyết áp đã không thay đổi. Từ đó đến nay, chị cầm “sổ bệnh” tăng huyết áp và đi khám định kỳ thường xuyên.

Chị Hà mới sinh một cháu, năm nay cháu đã học lớp 1 nhưng vì mắc tăng huyết áp nên chị Hà chưa nghĩ tới việc sinh thêm con. Còn trẻ mà chị đã phải kiêng cữ, uống thuốc hàng ngày cũng khiến chị Hà mệt mỏi.

Trường hợp của chị Hà không phải hiếm, theo GS TS Đỗ Doãn Lợi – Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam số bệnh nhân mắc tim mạch tại nước ta đang tăng lên khủng khiếp, mô hình bệnh tật thay đổi nhiều và nguy cơ tử vong do tim mạch rất cao.

Tại Viện Tim mạch Quốc Gia, mỗi ngày số bệnh nhân đến khám khoảng 700-800 người/ngày và trong số đó có từ 8- 10 % bệnh nhân sẽ điều trị nội trú. Viện Tim mạch Quốc Gia có 450 giường bệnh nhưng bệnh nhân lúc nào cũng dao động tới 500 bệnh nhân điều trị nội trú.

Đó là chưa kể, các bệnh nặng như nhồi máu cơ tim, bệnh phình vỡ động mạch chủ tăng lên đáng kể.

Theo thống kê của Hội Tim mạch học Việt Nam tỷ lệ bệnh nhân tăng huyết áp ở nước ta cũng trẻ hoá rất nhanh.

Tỷ lệ tăng huyết áp chiếm đến 25% ở người trưởng thành Việt Nam (cứ 10 người thì có 3 người bị tăng huyết áp) và đang có xu hướng tăng cao đến mức báo động đỏ. Đáng lưu ý là sự trẻ hóa của các bệnh nhân tăng huyết áp, nhiều trường hợp tuổi đời chỉ xấp xỉ 35- 40 tuổi nhưng đã bị bệnh này. Tăng huyết áp chính là yếu tố khiến bệnh tim mạch gia tăng và trẻ hoá theo.

Nếu trước đây, độ tuổi mắc tim mạch thường ở 50 đến 90 tuổi, nhưng hiện nay có rất nhiều bệnh nhân trẻ ở độ tuổi sung sức 30-35 cũng mắc các bệnh lý về huyết áp, tim mạch và thậm chí là không ít trong số đó tử vong do nhồi máu cơ tim. So với nữ giới, nam giới ở độ tuổi lao động mắc bệnh huyết áp, tim mạch chiếm số lượng áp đảo. Đó là do thói quen, lối sống sử dụng thuốc lá, bia rượu, stress dẫn tới béo phì, tăng huyết áp – GS Lợi cho biết.

Bệnh của người già đã áp lên người trẻ

Theo Thạc sĩ Nguyễn Huy Cường – Nguyên bác sĩ khoa Nội tiết chuyển hoá và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nếu trước đây tiểu đường tuyp 2 rất ít và đây được coi là bệnh của người già thì ngày nay bệnh này đã xuống đến cả trẻ con.

Những đứa trẻ hơn 10 tuổi đã phải điều trị tiểu đường tuyp 2. Bệnh nhân tiểu đường tuyp 2 trẻ hoá gây ra nhiều biến chứng và hệ lụy nguy hiểm. Với một thế hệ người trẻ mắc tiểu đường, xã hội không phải chỉ điều trị cho riêng tiểu đường mà còn kèm các bệnh khác như mỡ máu, huyết áp, các biến chứng mắt, biến chứng suy thận… Ngoài ra, những người bị tiểu đường có thể tăng nhồi máu cơ tim, đột quỵ từ 2- 4 lần; tuổi thọ giảm trung bình khoảng 10 năm.

Thạc sĩ Cường cho biết chế độ ăn uống, lối sống sai lầm chính là nguyên nhân kích hoạt bệnh tiểu đường tuyp 2. Theo chuyên gia, nếu không thay đổi lối sống thì số người bị tiểu đường sẽ trẻ hóa và tăng lên theo cấp số nhân. Nếu người Việt không thay đổi lối sống thì chắc chắn bạn chưa kịp giàu thì đã già vì bệnh tật đeo đuổi.

Bác sĩ “kể tội” những thói quen của người Việt gây ảnh hưởng đến gan

Bài viết mới