Năm 2018 dự kiến làn sóng thay đổi nhân sự cấp cao sẽ còn tiếp diễn và thậm chí còn mạnh mẽ hơn các năm trước.
Dịch chuyển nhân sự theo quy định
Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ 15/1/2018 yêu cầu chủ tịch, thành viên HĐQT, tổng giám đốc của tổ chức tín dụng không được kiêm nhiệm chức vụ tương tự ở doanh nghiệp khác. Quy định này khiến cho hàng loạt các lãnh đạo ngân hàng buộc phải lựa chọn, hoặc là đứng ở ngân hàng, hoặc chuyển qua doanh nghiệp. Có rất nhiều lãnh đạo ngân hàng đang trong tình thế ấy nhưng cho đến nay, dù luật đã có hiệu lực, nhưng mới chỉ có vài người chính thức đưa ra sự chọn lựa của họ, ví dụ như ông Dương Công Minh (Sacombank), ông Đỗ Quang Hiển (SHB), ông Đỗ Minh Phú (TPBank) hay bà Thái Hương của BacABank…còn lại rất nhiều người như ở ngân hàng Kienlongbank, Techcombank, SeABank, ABBank, HDBank, Việt Á… vẫn đang kiêm nhiệm.
Các lãnh đạo tổ chức tín dụng cho biết họ sẽ tuân thủ quy định và có lựa chọn phù hợp nhất. Tuy nhiên theo đánh giá của giới quan sát, việc tuân thủ phải trì hoãn thêm một thời gian nữa, sớm nhất là mùa đại hội cổ đông thường niên diễn ra vào tháng 3 – tháng 4 năm nay. Do vậy trong thời gian tới chắc chắn sẽ có luồng dịch chuyển khá mạnh về nhân sự ở những ngân hàng đang vướng vào quy định này.
Thay nhân sự cấp cao định kỳ
Ngay từ những ngày đầu năm 2018, nhiều ngân hàng đã lên kế hoạch tổ chức đại hội cổ đông, trong đó không ít nhà băng lựa chọn tháng 3 là thời điểm gặp gỡ, thay vì dồn dập vào cuối tháng 4 như các năm trước. Và trong mùa đại hội năm nay, nhiều ngân hàng sẽ quyết định vấn đề quan trọng – nhân sự cho 5 năm tiếp theo.
Đầu tiên là LienVietPostBank sẽ tổ chức đại hội vào ngày 28/3 tại TP. Hồ Chí Minh. Ngân hàng sẽ thay đổi HĐQT và Ban kiểm soát cho nhiệm kỳ mới 2018 – 2023. Trong nghị quyết của HĐQT đã nêu sẽ chọn ra 8 thành viên HĐQT và 3 thành viên BKS cho nhiệm kỳ mới. Hiện chủ tịch HĐQT của ngân hàng này là ông Nguyễn Đức Hưởng còn Tổng giám đốc là ông Phạm Doãn Sơn, ông Sơn đồng thời là phó chủ tịch thường trực, trưởng Ban kiểm soát là ông Trần Thanh Tùng.
PvcomBank chưa công bố kế hoạch đại hội cổ đông cho năm nay nhưng 2018 cũng là thời điểm ngân hàng bước sang nhiệm kỳ mới. Hiện chủ tịch HĐQT của ngân hàng là ông Nguyễn Đình Lâm, trưởng ban kiểm soát bà Bùi Thanh Hương và tổng giám đốc là ông Nguyễn Hoàng Nam.
BacABank năm nay cũng bước sang nhiệm kỳ mới và ngân hàng đã lấy ý kiến cổ đông về kế hoạch bầu HĐQT và Ban kiểm soát với dự định là 5 thành viên trong HĐQT – mức tối thiểu, và 3 thành viên BKS. Trong nhiệm kỳ hiện tại ngân hàng có 5 thành viên trong HĐQT với chủ tịch của ngân hàng là bà Trần Thị Thoảng còn bà Thái Hương là Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc. Trưởng Ban kiểm soát hiện là ông Phạm Hồng Công.
Ngân hàng ACB cũng tổ chức đại hội cổ đông năm nay để bầu ra ban lãnh đạo nhiệm kỳ mới 2018 – 2023. Hiện ngân hàng đã chốt xong danh sách đề cử, ứng cử nhân sự. Chủ tịch hiện tại là ông Trần Hùng Huy, trưởng BKS ông Huỳnh Nghĩa Hiệp và Tổng giám đốc là ông Đỗ Minh Toàn.
Một ngân hàng nữa là Kienlongbank năm nay cũng bầu lại HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2018 – 2022. Thời điểm này ngân hàng đã lên kế hoạch lấy ý kiến cổ đông và sẽ tổ chức đại hội trong tháng 4. Hiện chủ tịch là ông Võ Quốc Thắng, phó chủ tịch kiêm tổng giám đốc là ông Võ Văn Châu và trưởng BKS là ông Lê Khắc Gia Bảo.
Ngoài ra một số ngân hàng chưa đến kỳ thay đổi HĐQT và BKS nhưng mùa đại hội năm nay cũng sẽ bầu bổ sung thêm nhân sự. Chẳng hạn Ngân hàng Quân đội dự kiến tổ chức đại hội cổ đông vào ngày 29/3/2018 trong đó có nội dung bầu bổ sung thêm 1 thành viên vào Ban kiểm soát cho nhiệm kỳ 2014 – 2019. Ngân hàng Eximbank cũng sẽ bổ sung thêm 2 thành viên vào Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2015-2020 tổ chức vào ngày 27/4. Trong khi đó ngân hàng VIB, sau khi hai thành viên HĐQT đến từ đối tác chiến lược CBA nghỉ, ngân hàng sẽ bầu ra 2 thành viên thay thế tại kỳ đại hội tổ chức vào cuối tháng 3 tới…
Ngoài nhân sự do cổ đông bầu thì nhân sự ban điều hành ở các ngân hàng thời gian tới dự kiến cũng có nhiều thay đổi định kỳ do hết thời gian bổ nhiệm. Thông thường một vị trí Tổng giám đốc hoặc phó tổng giám đốc ngân hàng sẽ có thời gian đảm nhiệm là 5 năm, sau khi hết hợp đồng, một số ngân hàng bổ nhiệm lại, nhưng một số khác thì không. Chẳng hạn ACB cuối tháng 1 vừa bổ nhiệm lại liền một lúc 4 phó tổng giám đốc đối với các ông bà Nguyễn Đức Thái, Nguyễn Thị Tuyết Vân, Từ Tiến Phát, Bùi Tấn Tài và bổ nhiệm mới một sếp phó là bà Nguyễn Ngọc Như Uyên.
Thay nhân sự cấp cao vì đến tuổi hưu hoặc “lý do cá nhân”
Mở màn cho làn sóng thay đổi lãnh đạo cấp cao ngân hàng là ABBank. Ngày 12/1/2018 ngân hàng này thông báo ông Cù Anh Tuấn thôi chức Tổng giám đốc vì lý do cá nhân sau gần 2 năm điều hành ngân hàng. Ông Nguyễn Mạnh Quân – Phó tổng giám đốc được giao nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng giám đốc. Ông Cù Anh Tuấn là người cũ của Techcombank, được bổ nhiệm là Phó tổng giám đốc của ABBank từ tháng 4/2014 và đến tháng 5/2015 thì nắm Quyền tổng giám đốc sau khi ông Phạm Duy Hiếu từ nhiệm.
Sau ABBank đến lượt SeABank. Ngay trước ngày nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất, ngân hàng công bố thông tin bất ngờ là ông Nguyễn Cảnh Vinh thôi nhiệm chức Tổng giám đốc vì lý do cá nhân sau hơn 4 tháng đảm nhận ghế nóng. Trước đó ông Vinh là phó tổng giám đốc của Techcombank, phụ trách mảng bán lẻ. Việc điều hành được giao lại cho ông Lê Văn Tần – phó tổng giám đốc.
Tại BIDV, sau khi chủ tịch của ngân hàng này là ông Trần Bắc Hà về hưu hồi tháng 9/2016 thì đến nay đã 17 tháng trôi qua nhưng ngân hàng vẫn chưa có chủ tịch mới. Nhiều người dự đoán tại mùa đại hội cổ đông năm nay ngân hàng sẽ có người kế nhiệm vị trí nóng nhất ở ngân hàng lớn nhất Việt Nam. Trong số các ứng viên có một nhân sự thu hút được sự chú ý của thị trường thời gian qua đó là ông Phạm Quang Tùng- từng là chủ tịch của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) – được điều động trở lại BIDV hồi tháng 12/2017.
Ngoài ghế chủ tịch, ở BIDV mùa đại hội năm nay khả năng phải bầu bổ sung thành viên HĐQT khi ông Trần Anh Tuấn – người đang nhận nhiệm vụ phụ trách HĐQT kể từ khi ông Bắc Hà về hưu – cũng đến tuổi nghỉ hưu.
Ngoại trừ trường hợp đặc biệt BIDV thì LienVietPostBank khả năng là ngân hàng đầu tiên đổi chủ tịch trong năm nay. Dù rằng 2018 cũng là thời điểm ngân hàng bước sang nhiệm kỳ mới, nhưng không như nhiều ngân hàng khác là vẫn giữ nguyên những người cũ trong danh sách đề cử ứng cử, và tiếp tục đảm đương trọng trách tương tự ở nhiệm kỳ mới, thì những ngày qua ông Nguyễn Đức Hưởng, chủ tịch HĐQT ngân hàng, đã gián tiếp công khai chuyện từ nhiệm sau chưa đầy 1 năm ngồi ghế nóng thay cho ông Dương Công Minh. Lý do của ông Hưởng là vấn đề sức khỏe, ông đã đi chữa bệnh từ hơn 3 tháng nay, và quyết định thôi nhiệm để tập trung chăm lo cho sức khỏe của mình.
Còn ở các vai trò khác, ngay từ đầu năm tới nay nhiều ngân hàng cũng đã có sự dịch chuyển lãnh đạo cấp cao từ giám đốc khối cho đến Phó Tổng giám. Chẳng hạn ACB bổ nhiệm mới một phó tổng giám đốc nữ, ngân hàng HDBank bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Phương làm phó TGĐ phụ trách khu vực miền Bắc từ 22/1/2018, Ngân hàng Quốc Dân NCB bổ nhiệm ông Nguyễn Thế Hiệp làm Phó TGĐ từ đầu tháng 2…
Thay đổi là khó tránh
Một chuyên gia đang tham gia cố vấn cho một ngân hàng thương mại cổ phần có tiếng nhận xét, sự thay đổi nhân sự cấp cao ở các ngân hàng là điều khó tránh khỏi. Ngoài sự thay thế bất khả kháng là theo quy định hoặc đến tuổi hưu, thì việc lựa chọn người mới, nhất là cho các vị trí Tổng giám đốc hay phó tổng giám đốc, sẽ phải được HĐQT tính toán kỹ lưỡng. Các ông chủ, bà chủ ngân hàng sẽ phải toan tính cẩn trọng với từng vị trí bổ nhiệm sao cho có lợi nhất với bản thân họ cũng như cổ đông khác, ngoài ra còn phải phù hợp với định hướng của ngân hàng. Bên cạnh đó, “khẩu vị” kinh doanh của các ông bà chủ ngân hàng cũng có thể thay đổi và khi ấy lại phải tìm kiếm người phù hợp.
Một lãnh đạo của ngân hàng khác thì chia sẻ, làn sóng thay đổi nhân sự cấp cao ngân hàng chẳng phải là điều gì đó quá to tát vì hầu hết những vị trí trong ban điều hành đều là người đi làm thuê, nên nếu họ cảm thấy phù hợp thì làm, không thì thay đổi. “Việc chọn được người “hợp cạ” chẳng dễ dàng gì nên các vị ấy (ý nói các ông chủ ngân hàng) vẫn cứ đi tìm cho mình người phù hợp nhất. Nhưng nhân sự cấp cao chất lượng của ngành này lại không nhiều nên sự tìm kiếm lẫn nhau đó lại dẫn đến câu chuyện khác là sự dịch chuyển lòng vòng lãnh đạo từ ngân hàng này sang ngân hàng kia”.
Cũng theo lãnh đạo ngân hàng nói trên, giải quyết vấn đề nhân sự cấp cao của ngành ngân hàng không hề đơn giản và cũng chẳng thể làm một sớm một chiều, mà cần phải có thời gian và quy trình đào tạo, nuôi dưỡng, phát hiện nhân tài một cách bài bản. Có như thế thì thế hệ kế cận cho các lớp quản lý thế hệ 6X, 7X mới có thể thoát khỏi vòng xoáy lòng vòng dịch chuyển hiện nay, và bản thân các ngân hàng cũng có sự chuẩn bị tốt hơn về nhân sự đúng theo chiến lược mà họ xây dựng.