Có sẵn bệ phóng vững chãi là bộ phim Harry Potter nổi đình nổi đám trên toàn thế giới. Thế nhưng, trong một thời gian dài, người ta không tìm thấy anh chàng tóc đỏ Rupert Grint trên màn ảnh rộng, trong khi hai người bạn diễn Daniel Radcliffe và Emma Watson liên tục tham gia các dự án phim lớn, nhỏ hoặc các sự kiện thời trang danh tiếng.
10 năm kể từ phần cuối của Harry Potter và Bảo bối tử thần (phần 2), Grint chỉ tham gia vào hai bộ phim là CBGB (2013) và Moonwalkers (Kẻ đi trên mặt trăng, 2015). Những phim không mấy ai biết đến. Thế rồi, người ta bất ngờ khi gặp lại anh. Lần tái xuất lần này của phù thủy Ron không phải trong trường quay, với cây đũa thần trên tay, mà là một anh chàng bán kem dạo rong ruổi khắp nước Anh với những que kem mát lành. Nghe có vẻ thật thảm hại, khi một người từng làm thần tượng của triệu triệu người, lại trở thành một lao động bậc trung (nếu chưa muốn gọi là bậc thấp), lang thang nay đây mai đó như Grint?
Sự thật có phải như vậy không?
Kẻ nắm vận thời cuộc
Năm 2000, nghe tin đoàn làm phim Harry Potter đang tuyển diễn viên, cả nước Anh sục sôi bàn tán. Với bất kì cô cậu bé nào, được tham gia vào thế giới phù thủy Harry Potter trên màn ảnh rộng hẳn là cả giấc mơ lộng lẫy. Hi vọng đó càng nhỏ nhoi hơn với Rupert Grint, khi ấy mới 12 tuổi, con của một người buôn bán kỉ vật trong trường đua, kinh nghiệm diễn xuất của cậu chỉ tính bằng vài ba vai phụ cỏn con trong vở kịch ở trường.
Thế nhưng, may mắn đã mỉm cười với Grint, khi đoạn video ghi cảnh cậu hát rap về việc muốn có vai diễn đó như thế nào lại lọt vào mắt xanh của những nhà làm phim. Để rồi sau này cùng với Daniel Radcliffe và Emma Watson, Rupert Grint chính thức nằm trong ba đứa trẻ may mắn nhất thế giới.
10 năm sau đó là những chuỗi ngày miệt mài trên trường quay. Harry Potter thành công vang dội, trở hiện tượng toàn cầu. Đến nay, 8 bộ phim (phần 7 chia là hai phim) đã thu về đến 8,5 tỉ đôla, chỉ chịu đứng sau hai thương hiệu khổng lồ là Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao) và Avengers. Các diễn viên nhí đương nhiên trở thành những triệu phú tuổi teen.
Dù kém cạnh hơn hai bạn diễn, Grint cũng bỏ túi đến 25 triệu đôla. Đó là một hành trang quá tốt đẹp cho cả nghiệp diễn lẫn bước vào đời mà bất cứ một diễn viên nào cũng ao ước. Con đường danh vọng đi tới đỉnh cao của Grint trải đầy cánh hoa hồng.
Thế nhưng, hoa hồng nào mà không có gai?
Tháng năm bị đánh mất
Trong một cuộc phỏng vấn nằm 2017, chàng phù thủy tóc đỏ Ron ngậm ngùi tiết lộ:“Tôi không yêu mến Harry Potter nữa, không còn là một fan. Có thứ gì đó đã bị hủy hoại trong tôi”. Lời thú nhận Grint thảng hoặc đầy phi lý, bởi Harry Potter đã dựng nên một đế chế quá đỗi hùng mạnh, đưa những diễn viên vô danh trở thành loạt sao lớn được giới mộ điệu săn đón. Vậy, chàng trai ấy bị hủy hoại bởi điều gì, khi tiền bạc, danh tiếng, sự ái mộ… cậu đều đang có trong tay.
Nhưng, nhìn sâu một chút, nhận ra, chẳng phải bên cạnh những ngôi sao lấp lánh nhất luôn là những quầng tối mênh mông vô tận ư? Cái giá của sự nổi tiếng nhiều khi vô cùng đắng đót. Nhất là sự nổi tiếng dành cho những ngôi sao nhí. Trong khi những đứa trẻ khác cùng lứa tuổi được hồn nhiên vui chơi trong công viên với chó mèo, bè bạn; được tung tăng dạo phố hay quây quần cùng gia đình dịp cuối tuần… thì những ngôi sao nhí phải đứng trước nỗi dằn vặt: “Tôi là ai”?
Điều đó chẳng có gì khó hiểu, khi diễn viên trở thành một trong những nghề được trả cát-sê cao nhất thế giới: Họ phải bán đi một phần hồn mình trong các vai diễn. Họ nằm trong nhóm dễ mắc trầm cảm nhất, và không ít trường hợp đã chọn chấm dứt cuộc đời vì không trả lời được câu hỏi “Tôi là ai”. Robin Williams là một ví dụ đầy chua xót. Hay những Macaulay Culkin của Home Alone (Ở nhà một mình, 1990), Haley Joel Osment của The Sixth Sense (Giác quan thứ sáu, 1999), Dakota Fanning của I am Sam (Tôi là Sam, 2006)… đã khiến cả thế giới phải sững sờ chết lặng khi chứng kiến họ đối mặt với bi kịch ở ngưỡng cửa trưởng thành.
Thế giới gọi đó là “lời nguyền rùng rợn dành cho những ngôi sao nhí” – bi kịch của những đứa trẻ phải – trở – thành – một – ai – đó – khác vào đúng vào những năm tháng thiếu niên đầy mơ hồ, sợ hãi.
Những giấc mơ thơ ấu, xin đừng bỏ đi!
Rupert Grint cũng đứng trước bi kịch giống như những ngôi sao nhí ấy. Anh cũng phải tìm cách trả lời câu hỏi “Tôi là ai”, tìm cách lấp vào những khoảng trống mất đi trong thế giới phù thủy. Nhưng thay vì chìm đắm trong rượu chè, như người bạn Daniel Radcliffe, hay lao mình vào các vai diễn không hồi kết, anh chọn một cách bồng bềnh hơn: Đánh thức giấc mơ trong ngần hồi thơ bé, bừng thức chú bé từng mê mẩn những que kem tươi mát lạnh đã nép sâu vào khoảng tối thăm thẳm nào đó.
Rupert từng tâm sự: “Nghề nghiệp mơ ước đầu tiên trong đời tôi là bán kem. Vì thế tôi thực hiện nó”. Đây không phải một lời bông đùa, mà được thực hiện đầy nghiêm túc và chỉn chu. Anh đã cùng anh trai mua một chiếc xe van, chất đầy kem và bán niềm vui cho những đứa trẻ từng đắm đuối những que kem mát ngọt giống như anh ngày xưa.
Grint không kinh doanh, vì tiền là thứ cuối cùng anh túng thiếu. Nhưng có hề gì, khi anh vẫn được thỏa thích vẫy vùng với giấc mơ thời thơ bé. “Tránh tháng Bảy và tháng Tám vì thời tiết xấu, những tháng còn lại trong năm là lúc tôi được sống trong giấc mơ của mình”, chàng Ron tóc đỏ năm xưa hồ hởi nói.
Được là chính mình, có gì sai?
“Cả tuổi thơ của tôi đã hiến dâng cho Harry Potter. Tôi luôn cảm thấy như mình đã mất mát điều gì đó,” Grint nói trong một cuộc phỏng vấn. 10 năm trời rong ruổi cùng đoàn phim gần như là một thế giới riêng biệt. Anh chỉ gặp gỡ với những người bạn diễn, lớn lên và trưởng thành cùng họ. Thế giới ngoài kia trở nên xa lạ. Bất kì ai khi gặp gỡ cũng đều muốn chụp ảnh với “Ron Weasley”. Không ai biết Rupert Grint là ai.
Vùi đầu vào sự nghiệp diễn xuất, năm tháng vùn vụt trôi đi, chính Grint đã từng thừa nhận, mới hôm trước anh còn là cậu bé 12 tuổi, đầy háo hức với thế giới ma thuật, vậy mà chỉ sau một đêm, choàng tỉnh giấc đã thấy mình vụt lớn thành chàng trai 29 tuổi. Tất thảy loáng qua như một cái chớp mắt. Chỉ như một giấc mơ. Vậy những năm tháng bị đánh rơi kia, đã ở đâu? Loay hoay và rệu rã, Grint đã lắng nghe tiếng lòng sâu thẳm của mình, đánh thức những giấc mơ hồi trẻ dại. Và quan trọng hơn, Grint đã biến giấc mơ ấy thành điểm tựa để tiếp tục thực hiện những mong muốn trong đời.
Mong mỏi ấy đủ đau đáu để chàng trai tự tin nói “Nếu tôi thất bại ở tất cả, tôi luôn có mộ chiếc xe để trở về”. Nếu như công việc đầu tư kinh doanh khách sạn, đóng phim truyền hình và kịch, hay tham gia vào một ban nhạc… của Grint không suôn sẻ.; nếu chẳng may, cuộc đời có “đánh” Grint bầm dập, đau đớn đến thảm hại, nhưng may sao, vẫn có một giấc mơ ngọt lành nâng đỡ và làm điểm tựa cho anh.
Nhiều người nói rằng Grint là một kẻ khờ. Trong khi hai bạn diễn Daniel Radcliffle và Emma Watson hết sức tận dụng xuất phát điểm tuyệt vời từ Harry Potter, Grint lại bỏ phí nó. Nhưng đây điều tuyệt vời nhất, là Grint được là chính mình.
Chỉ riêng việc được là chính mình, đã là điều tuyệt diệu nhất trên đời và chắc chắn, đó cũng là lúc anh tìm được đáp án của câu hỏi “Tôi là ai” trong suốt những năm tháng niên thiếu loay hoay kiếm tìm.
Có thể, so về độ giàu có hay danh tiếng, Rupert Grint không bằng hai người bạn phù thủy khác là Daniel Radcliffe và Emma Watson, nhưng người ta nói rằng, chính Grint mới là người giàu có nhất – nhờ chính chiếc xe bán kem dạo của mình. Bởi xét cho đến cùng, niềm vui, hạnh phúc mới chính là đích đến của mỗi con người đó thôi.
Không có một ai bước đi trên con đường mang tên trưởng thành mà không ôm ấp vài ba kỷ niệm thân thương thuở bé. Những bộn bề cuộc sống, đôi khi cuốn thước phim ký ức ấy vào một miền xa xăm trong tâm trí. Nhưng thực ra chúng chỉ ngủ im trong cõi mông lung ấy, chứ chẳng hề mất đi. Kỳ diệu thay, một ngày nào đó, khi ta bình tâm nhìn lại tất cả bỗng ùa về rực rỡ.
Xin hãy nhớ, có những thứ kỷ niệm chỉ là chuyện cũ, thỉnh thoảng được chủ nhân đem ra kể lại. Nhưng cũng có những giấc mơ trở thành một điểm tựa huy hoàng, không khi nào chịu ngủ yên trong tâm trí và chỉ đợi một ngày được đánh thức bởi chính ta.