Nằm lọt thỏm trên con phố Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội), tiệm may cũ của bác Kiều Như Vy chỉ vỏn vẹn chừng 8m2, không biển hiệu sặc sỡ, chẳng âm thanh ồn ào nhưng vẫn bình thản sống, cần mẫn vay má suốt 40 năm nay.
Bác Vy là một người lính quân giới đã về hưu. Bác sinh ra và lớn lên tại huyện Ứng Hòa (Hà Nội).
Năm 1974, mặc dù đang công tác tại Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đóng quân tại Yên Bái, nhưng bác Vy lại thường xuyên có những chuyến công tác về Hà Nội. Và chính ông chú làm nghề cắt may trên phố Lương Văn Can đã khiến bác mê mẩn những đường kim mũi chỉ. Bác muốn học nghề may – một cách nghiêm túc. Bắt đầu từ việc sắp xếp, cắt vải… nhờ sự chỉn chu, chuyên tâm, bác Vy đã có thể may vá thuần thục.
Bác Vy kể chuyện về nghề may thủ công
Ngay sau khi trở lại quân ngũ, bác nhận luôn công việc đo quần áo cho những người cùng đơn vị. Sau này lập gia đình, tiền lương hưu không đủ trang trải sinh hoạt phí cho gia đình, bác Vy mở luôn một tiệm may ngay tại khu tập thể của đơn vị . Nói về cái duyên với nghề, bác Vy cười hiền hậu: “Tôi ăn diện từ khi còn trẻ. Nên ngoài lúc mặc quân phục, tôi khá chăm chút đến vẻ bề ngoài. Có lẽ vì thế mà tôi thích cắt may.”
Đôi tay bác Vy hằn in dấu ấn của thời gian, nhưng đường cắt may vẫn vô cùng sắc sảo, uyển chuyển
Đã 40 năm gắn bó với nghề, mặc dù những sản phẩm may công nghiệp đã phát triển mạnh và xâm chiếm toàn thị trường nhưng bác Vy vẫn gắn bó với chiếc máy đạp chân. Bác quan niệm rằng một bộ đồ đẹp, ngoài những đường may kỹ thuật, chính xác còn đòi hỏi sự tinh tế trong từng đường kim mũi chỉ.
Sau khi nghỉ hưu, bác Vy đã trang trải ở nhiều nơi cho đến năm 2001, bác quay trở về Hà Nội. Mặc dù làm nghề ở nhiều địa phương nhưng bác Vy luôn sống tốt với nghề bởi lượng khách hàng yêu quý.
Những điểm đánh dấu, vết nối, nét vẽ được bác Vy thể hiện chi tiết trên mặt vải
4 nguyên tắc vàng giúp người thợ may già ung dung bước qua cơn bão thời gian và sức cạnh tranh khốc liệt của thị trường
Nói về nghề, bác chia sẻ: “Đối với nghề, tôi luôn làm việc theo bốn nguyên tắc.
Thứ nhất là khi làm bất cứ nghề gì cũng phải giỏi, phải trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó vì khách hàng đến với mình trước tiên vì tay nghề.
Thứ hai, giá cả phải phải hợp lý, dù là sản phẩm hay dịch vụ cũng nên vừa túi người tiêu dùng. Tức là bản thân mình phải hiểu rõ, đối tượng khách hàng của mình là ai. Không thể bán một sản phẩm cao cấp cho những người lao động, bình dân và ngược lại, sản phẩm bình dân rất khó được người hạng sang hướng tới.
Tiếp theo là chữ tín, luôn luôn phải đúng hẹn, đã nói là phải làm, luôn đặt khách hàng lên hàng đầu.
Và cuối cùng chính thái độ làm việc, luôn vui vẻ trong bất cứ tình huống nào.”
Chiếc máy vắt sổ cũ kỹ vẫn được người thợ may già chăm sóc, bảo dưỡng mỗi ngày
Bác Vy bảo, máy may ngày nay hiện đại với đa dạng nhãn hiệu, nhưng bác vẫn quen thân với “người bạn chung thủy” này. Bác và chiếc máy may đã song hành với nhau hàng chục năm, gắn bó như tri kỉ, không nỡ đổi thay dù điều kiện hoàn toàn cho phép.
Những cuộn chỉ sắc màu được đặt ngay ngắn trên giá khiến tiệm may nhỏ trở nên vui tươi, ấm cúng hơn.
Ở cái tuổi mà mọi người thường nghỉ ngơi, đi đây đi đó thì bác Vy vẫn gắn bó với nghề. Bác tâm niệm: “Ở cái tuổi này, mình lao động không phải vì đồng tiền nữa, mà là tình yêu. Cả đời làm thợ may thấy thật ý nghĩa. Một công việc khiến mình say mê, chưa một lần thở than, oán thán. Và cũng là một nghề được chậm rãi sống, không phải bon chen với thời cuộc, chỉ cần bản thân thấy Đủ, thấy Vui, là được”