Sống cơ cực trên đất vàng ven biển Bài 2: Đi tìm giải pháp

Những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng không những ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án bất động sản ven biển Điện Bàn mà còn khiến cho đời sống của người dân thêm khốn khổ, bị hạn chế nhiều quyền về quyền sử dụng đất.

Quy hoạch chưa được khớp nối, đồng bộ khiến cho nhà dân bị ngập úng sâu mỗi khi đến mùa mưa bão (ảnh tư liệu năm 2022) Ảnh: Lưu Bang

Sống cơ cực

Sở hữu vị trí đắc địa ven biển Điện Bàn, nhưng nhiều năm nay người dân địa phương lại sinh sống chật vật, khổ sở vì thửa đất của họ nằm trong vùng quy hoạch dự án và bị hạn chế nhiều quyền sử dụng đất.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều người dân sinh sống bên cạnh tuyến đường du lịch ven biển Đà Nẵng – Điện Bàn – Hội An cho biết họ tha thiết mong chính quyền địa phương sớm xóa bỏ quy hoạch vệt cây xanh hai bên tuyến đường.

Theo người dân địa phương chia sẻ, quy hoạch vệt cây xanh ven tuyến đường du lịch này đã có từ rất lâu, nhưng đến nay chỉ triển khai giải phóng mặt bằng và đầu tư được một số đoạn. Đến nay, người dân địa phương cũng không biết đến bao giờ mới hoàn thành việc giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng toàn bộ quy hoạch vệt cây xanh này.

Các hộ dân sinh sống tại mặt tiền tuyến đường này rất bức xúc với chậm triển khai quy hoạch vệt cây xanh như nêu trên, bởi họ không có điều kiện đầu tư xây dựng nhà cửa kiên cố để sinh sống ổn định hoặc đầu tư sản xuất kinh doanh lâu dài.

Không riêng gì quy hoạch vệt cây xanh ven tuyến đường du lịch biển này, nhiều người dân sinh sống trong khu vực quy hoạch thực hiện các dự án bất động sản ven biển cũng vô cùng bức xúc bởi nhiều nguyên nhân.

Việc dự án triển khai kéo dài nhiều năm do gặp phải khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ các dự án mà đời sống của người dân cũng bị đảo lộn.

Đơn cử, vì quy hoạch chưa được khớp nối, chưa có hệ thống thoát nước nên cứ vào mùa mưa thì nhiều khu vực trong vùng quy hoạch dự án lại ngập úng sâu.

Bên cạnh đó, nhà cửa của người dân thì sập xệ, xuống cấp đã lâu nhưng không được xây dựng mới hay sửa chữa kiên cố càng khiến họ thêm phần lo lắng, đặc biệt là vào thời điểm trước mỗi mùa mưa bão.

Chưa hết, việc các thửa đất nằm tại những khu vực có nhiều tiềm năng sản xuất, kinh doanh dịch vụ du lịch nhưng trớ trêu lại nằm trong vùng quy hoạch dự án nên người dân bị hạn chế nhiều quyền của người sử dụng đất, như tách thửa, chuyển nhượng, đầu tư kinh doanh.

UBND thị xã Điện Bàn đã có chủ trương triển khai thực hiện dự án sắp xếp dân cư ven biển. Ảnh: Lưu Bang

Giải pháp nào?

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, UBND thị xã Điện Bàn đã có chủ trương triển khai thực hiện dự án sắp xếp dân cư ven biển, đoạn từ Câu lạc bộ biển Blush Hội An, phường Điện Ngọc đến The Nam Hải, phường Điện Dương.

Thống kê của UBND thị xã Điện Bàn tại Tờ trình số 556 /TTr-UBND cho biết, hiện nay, trong khu vực phía Đông đường ĐT.603B có 16 dự án. Trong đó có 15 dự án đang triển khai và một dự án đã được UBND tỉnh thu hồi, chuyển giao về cho UBND thị xã tiếp tục thực hiện.

Bên cạnh đó, tại khu vực phía tây đường ĐT.603B có 11 dự án. Trong đó có 10 dự án đang triển khai, 1 dự án đã được UBND tỉnh thu hồi và 1 dự án đang lựa chọn nhà đầu tư.

Trước thực tiễn tiến độ thực hiện các dự án nêu trên, UBND thị xã Điện Bàn đã đề xuất phương án sắp xếp dân cư, điều chỉnh quy hoạch trục cảnh quan ven biển theo hướng chỉnh trang đô thị, đoạn từ Câu lạc bộ biển Blush Hội An, phường Điện Ngọc đến Khu cư dịch vụ du lịch Làng Chài, phường Điện Dương.

Theo đó, đề xuất cụ thể phương án di dời, sắp xếp, chỉnh trang lại dân cư tại những khu vực chịu tác động trực tiếp của thiên tai; xác định rõ khu vực chỉnh trang, khớp nối hạ tầng kỹ thuật, khu vực bố trí đất tái định cư, khu vực bố trí đất thương mại, khu vực bố trí công trình công cộng, cây xanh. Đồng thời xây dựng phương án, cơ chế đặc thù về giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án này.

Thống kê của UBND thị xã Điện Bàn cho biết, khu vực nghiên cứu có hiện trạng phía đông với khoảng 965 hộ dân sinh sống với khoảng 4.825 nhân khẩu và hiện trạng phía tây có khoảng 1.473 hộ với 5.900 nhân khẩu.

Tại khu vực này, dân cư phân bố chủ yếu theo hình thức cụm dân cư làng xóm bám dọc tuyến đường ĐT603B, các tuyến đường bê tông nội khu và hình thành các điểm dân cư tập trung, mật độ phân bố dân cư tương đối dày.

Về hiện trạng sử dụng đất, khu vực này nằm trong ranh giới quy hoạch có các loại đất như đất thương mại dịch vụ, đất ở tái định cư làng chài, đất cây xanh, mặt nước, các khu du lịch nghỉ dưỡng, resort, đất các dự án đã được phê duyệt và đất chưa xây dựng.

Theo UBND thị xã Điện Bàn, các dự án ven biển tại địa bàn đang được hình thành với đa dạng các công trình công cộng, thương mại – dịch vụ hỗn hợp, khu du lịch nghĩ dưỡng, các khu tái định cư ven biển, công viên cây xanh, khu giải trí.

Nếu các quỹ đất này được khai thác tốt sẽ tạo sự phát triển đột phá về kinh tế – xã hội và thay đổi bộ mặt đô thị tuyến ven biển các phường Điện Ngọc và phường Điện Dương.

Việc sắp xếp lại dân cư ven biển được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiến độ nhiều dự án bất động sản ven biển, đồng thời khai thác tốt quỹ đất ven biển tạo đột phá về kinh tế – xã hội và thay đổi bộ mặt đô thị tuyến ven biển các phường Điện Ngọc và phường Điện Dương. Ảnh: Lưu Bang

Ngày 8/2/2023, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức cuộc họp nghe UBND thị xã Điện Bàn báo cáo về định hướng sắp xếp dân cư ven biển tại khu vực thị xã Điện Bàn.

Sau cuộc họp nêu trên, UBND tỉnh Quảng Nam giao UBND thị xã Điện Bàn chủ trì, phối hợp với các các sở, ngành, đơn vị có liên quan rà soát tất cả các dự án 2 bên đường ĐT603B, khẩn trương đánh giá khả năng giải phóng mặt bằng đối với các dự án đã triển khai lâu và vướng mắc giải phóng mặt bằng kéo dài.

Trên cơ sở đó, UBND thị xã Điện Bàn đề xuất điều chỉnh lại các dự án, loại trừ phần không thể giải phóng mặt bằng ra khỏi các dự án để xây dựng kế hoạch, đầu tư chỉnh trang bằng nguồn vốn đầu tư công, tạo điều kiện cho người dân sớm xây dựng nhà ở và đầu tư kinh doanh ổn định.

Trường hợp các dự án không đảm bảo về thủ tục pháp lý hoặc kéo dài, không triển khai do năng lực hạn chế thì đề xuất thu hồi theo quy định.

Trên cơ sở kết quả thẩm định của Sở Xây dựng về Quy hoạch chung thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đến năm 2030 và năm 2045, UBND thị xã Điện Bàn chịu trách nhiệm khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch báo cáo Sở Xây dựng kiểm tra, trình UBND tỉnh phê duyệt theo đúng quy định hiện hành.

Sau khi hồ sơ Quy hoạch chung thị xã Điện Bàn được duyệt, theo phân vùng quản lý tổ chức lập Quy hoạch phân khu 1/2.000 cho khu vực 2 bên đường ĐT603B. Trên cơ sở quy hoạch phân khu được duyệt sẽ lập quy hoạch chi tiết các khu vực cần chỉnh trang sắp xếp dân cư để thực hiện.

Bài viết mới