Sôi động mùa cưới, cổ phiếu PNJ “lên đỉnh” lịch sử

Trong phiên giao dịch 13/11, cổ phiếu PNJ của CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận đã tăng kịch trần lên 118.600 đồng, mức giá cao nhất kể từ khi niêm yết. So với thời điểm đầu năm, thị giá PNJ hiện gấp gần 2 lần và là một trong những cổ phiếu tăng trưởng ổn định nhất thị trường.

PNJ lên đỉnh vào mùa cưới

PNJ “lên đỉnh” vào mùa cưới

Dù vậy, việc PNJ có phiên bứt phá mạnh vẫn khiến không ít nhà đầu tư bất ngờ bởi rất hiếm khi cổ phiếu này làm được điều tương tự. Trên một diễn đàn tài chính, có nhà đầu tư đã nói vui rằng “PNJ tăng trần vì đang trong…mùa cưới”. Thực tế, quý 4 với cao điểm là mùa Noel, mùa cưới, lễ tết là cao điểm hoạt động kinh doanh của PNJ và nhiều khả năng KQKD quý 4 sẽ tích cực như trong quý 1 đầu năm.

Lý do trên không phải không có cơ sở bởi PNJ hiện là doanh nghiệp có thị phần cũng như quy mô lớn nhất ngành trang sức Việt Nam. Tính tới cuối tháng 10/2017, tổng số cửa hàng trang sức của PNJ trên toàn quốc đã lên tới 253, tăng 34 cửa hàng so với đầu năm. Đây là con số rất lớn nếu so với những đối thủ cạnh tranh như SJC (khoảng 60 cửa hàng trên toàn hệ thống), DoJi (khoảng 40 cửa hàng).

Theo kế hoạch, PNJ sẽ tiếp tục nâng số lượng cửa hàng trên toàn quốc lên con số 300 vào tháng 4/2018 và 500 cửa hàng vào năm 2020. Với tốc độ mở cửa hàng mau chóng như vậy, PNJ được coi như “Thế giới di động trong ngành trang sức”.

Số lượng cửa hàng PNJ bao phủ rộng khắp toàn quốc

Số lượng cửa hàng PNJ bao phủ rộng khắp toàn quốc

Những năm gần đây, thị hiếu người tiêu dùng đang dần thay đổi, thay vì mua bán trang sức tại các cửa hàng nhỏ lẻ thì họ đã tìm đến các thương hiệu vững mạnh, khẳng định tên tuổi như PNJ. Do đó, việc đẩy mạnh mở rộng cửa hàng được đánh giá là bước đi đúng đắn của PNJ nhằm chiếm lĩnh thị phần.

Hiệu quả kinh doanh ngày càng cải thiện

Là một doanh nghiệp kinh doanh vàng, doanh thu PNJ chủ yếu đến từ vàng miếng và trang sức. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh vàng miếng có khá nhiều bất cập khi biên lợi nhuận mỏng và chịu sự kiểm soát của Nhà nước.

Đứng trước vấn đề trên, những năm gần đây PNJ đã thay đổi chiến lược kinh doanh và tập trung vào chế tác, kinh doanh trang sức cao cấp, đồng thời giảm dần hoạt động kinh doanh vàng miếng bởi đây là mảng đem lại lợi nhuận lớn hơn rất nhiều. Theo thống kê, mảng kinh doanh vàng miếng thường chỉ đem lại biên lãi gộp khoảng 1%, trong khi trang sức cao cấp thường đạt trên 20%.

Với những thay đổi chiến lược, biên lợi nhuận PNJ đã được cải thiện tích cực trong vài năm gần đây. Giai đoạn 2010 – 2011, thời điểm “hoàng kim” kinh doanh vàng miếng thì biên lãi gộp của PNJ chỉ từ 3 – 4%. Kể từ khi thay đổi chiến lược kinh doanh, đặt trọng tâm kinh doanh trang sức cao cấp từ năm 2015, biên lãi gộp của PNJ đã tăng vọt lên hơn 15% và trong 9 tháng đầu năm 2017, biên lãi gộp tiếp tục cải thiện lên tới 17,4%.

Do đó, mặc dù doanh thu PNJ hiện chỉ bằng khoảng một nửa so với năm 2011, nhưng lợi nhuận đạt được thậm chí đã tăng hơn 2 lần.

Biên lãi gộp PNJ tăng mạnh sau khi tập trung vào lĩnh vực trang sức

Biên lãi gộp PNJ tăng mạnh sau khi tập trung vào lĩnh vực trang sức

Một điểm đáng chú ý khác là trong 9 tháng đầu năm 2017, tốc độ tăng trưởng doanh thu trên mỗi cửa hàng (SSSG) của PNJ đạt 22% đối với mặt hàng trang sức, cải thiện mạnh so với mức 8% của năm 2015-2016.

Theo CTCK BSC, việc cải thiện SSSG có nguyên nhân chủ yếu do (1) Hệ thống cung ứng đang được hoàn thiện (bao gồm hệ thống ERP, quy trình, con người, mua nguyên vật liệu, bài toán vận tải – hậu cần), ban lãnh đạo doanh nghiệp đánh giá mức độ hoàn thiện mới đạt 75% yêu cầu đề ra và (2) Hệ thống cửa hàng đang dần đến độ chín, thông thường một cửa hàng cần từ 12 – 18 tháng để có đóng góp đáng kể trong hệ thống. Trong khi đó, giai đoạn 2015, 2016 là thời điểm PNJ bắt đầu đẩy mạnh mở rộng hệ thống và bây giờ bắt đầu đến lúc “hái ngọt”.

Tiềm năng tăng trưởng ngành trang sức còn rất lớn

Có thể nói, việc PNJ chuyển hướng sang lĩnh vực trang sức không chỉ mang lại biên lợi nhuận cao hơn mà còn khá “hợp thời” khi người Việt đang có xu hướng dịch chuyển mạnh từ tích trữ vàng miếng sang sử dụng các sản phẩm trang sức.

Theo tính toán từ số liệu của Hội Đồng Vàng Thế giới (WGC), trong năm 2016, lượng vàng trang sức tiêu thụ tại Việt Nam đạt 15,4 tấn (-1% yoy). Mặc dù giảm nhẹ nhưng nhu cầu tiêu thụ vàng trang sức của Việt Nam đã tăng khá mạnh trong giai đoạn 2010-2016 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm hơn 10%.

CTCK Vietcombank (VCBS) cho rằng thị trường trang sức Việt Nam còn khá nhiều tiềm năng đến từ (1) mức tiêu thụ vàng trang sức trên đầu người của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới, (2) tốc độ tăng trưởng dân số bình quân khoảng 1,2% cùng cơ cấu dân số trẻ, trên 50% là nữ – là nguồn khách hàng tiềm năng trong lĩnh vực trang sức, (3) kinh tế tăng trưởng tốt cải thiện thu nhập bình quân đầu người tác động tích cực đến nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng trang sức.

Bài viết mới