Hàng loạt ngân hàng (NH) liên tiếp công bố thông tin bán đấu giá nhiều tài sản thế chấp nhằm sớm cải thiện tình hình tài chính.
Đấu giá công khai
Ngày 14-9, NH Quốc Dân (NCB) tiến hành bán đấu giá tài sản thế chấp là lô đất 2.100 m2 tại khu phố Hòa Lân 1, phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương với giá khởi điểm hơn 11,6 tỉ đồng.
Dự án cao ốc Sài Gòn M&C đã bị VAMC thu giữ để bán đấu giá thu hồi nợ Ảnh: TẤN THẠNH
NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) dự kiến ngày 19-9 sẽ tổ chức bán đấu giá toàn bộ tài sản và quyền sử dụng đất của dự án V-Ikon với mức khởi điểm 319,5 tỉ đồng. Dự án này được xây dựng trên khu đất 1.106 m2, quy mô 4 tầng hầm và 26 tầng cao, tọa lạc trên đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP HCM do Công ty Việt Thuận Thành làm chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, chuyên viên xử lý tài sản khối quản lý và thu hồi nợ NH Đại chúng Việt Nam (PVCombank), cho biết PVCombank đã chọn lựa xong đơn vị tổ chức đấu giá tài sản. Dự kiến tháng 10- 2017, PVCombank sẽ bán đấu giá 5 tài sản gồm nhà và đất ở TP Hà Nội, 2 tỉnh Quảng Ninh và Thái Bình với tổng giá trị khởi điểm khoảng 10,2 tỉ đồng. Còn theo lãnh đạo NH Sài Gòn Thương tín (Sacombank), NH này đang rà soát lại hàng loạt tài sản thế chấp và sẽ thông báo bán đấu giá trong thời gian tới.
Trong khi đó, Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã thu giữ tài sản (chủ yếu là căn hộ) của 6 khách hàng trên địa bàn Hà Nội để chuẩn bị chào bán thông qua đấu giá.
Một lãnh đạo NH Nhà nước nhìn nhận điểm mới của việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 là mọi cá nhân, tổ chức đều có quyền mua nợ xấu. Các NH thương mại phải bán tài sản thế chấp của khoản nợ xấu bằng hình thức đấu giá công khai. Như thế, thị trường đã hình thành nhiều “chợ” mua – bán nợ xấu, tài sản thế chấp là bất động sản được giao dịch theo hướng thuận mua vừa bán, có thể dung hòa được lợi ích cho chủ nợ lẫn con nợ. Còn trường hợp con nợ không đồng ý cho NH thu giữ tài sản, chây ì trả nợ buộc NH phải khởi kiện thì việc xử lý nợ xấu được thực hiện theo phán quyết của tòa án. Khi đó, cơ quan thi hành án sẽ là đơn vị thu giữ và tiến hành bán đấu giá tài sản. NH và con nợ chỉ được một lần điều chỉnh giá khởi điểm, trường hợp hai bên không thống nhất về giá cả thì cơ quan thi hành án sẽ xác định giá khởi điểm rồi đưa ra đấu giá.
“Nếu vì lý do nào đó, tài sản bị cơ quan thi hành án định giá thấp thì cả NH lẫn con nợ đều bị thiệt, chưa kể hai bên phải tốn kém khá nhiều chi phí và thời gian. Đặc biệt, sau khi bán nhà hoặc đất chưa chắc con nợ đã trả hết số tiền vay NH, cứ thế nợ nần tiếp tục đeo bám người vay” – vị lãnh đạo NH Nhà nước phân tích.
Được bán dưới giá trị khoản vay
Giới phân tích đánh giá Nghị quyết 42 cho phép NH được bán nợ dưới giá trị khoản vay (số tiền cho vay cộng với lãi phát sinh), đối tượng mua nợ không bị giới hạn là điều kiện thuận lợi để NH và con nợ “chốt” giá bán tài sản thế chấp (phần lớn là bất động sản), miễn giảm lãi suất, tiền phạt nợ quá hạn… sao cho sau khi bán bất động sản người vay phải trả hết nợ NH. Thậm chí, con nợ vẫn có thể thu về một số tiền nhất định bởi việc bán nhà, đất được tiến hành theo hình thức đấu giá công khai, có thể thu hút được nhiều người mua làm cho tài sản bán được giá cao hơn rất nhiều so với giá khởi điểm.
Do được bán nợ dưới giá trị khoản vay, Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cũng được phép mua nợ theo giá thị trường bằng “tiền tươi thóc thật” nên các NH rất muốn bán nợ cho tổ chức này nhằm giảm nhanh tỉ lệ nợ xấu.
Chẳng hạn, với giá trị khoản vay 100 tỉ đồng đã được trích lập dự phòng đầy đủ, NH định giá lại tài sản thế chấp rồi chào bán cho VAMC 80 tỉ đồng mà không cần hỏi ý kiến con nợ vì hợp đồng tín dụng có điều khoản cho phép NH bán nợ cho bên thứ 3. Nếu VAMC đồng ý mua đứt khoản nợ này thì NH sẽ hạch toán xong khoản nợ xấu đó. Khi đó, VAMC trở thành chủ nợ, tiếp tục thỏa thuận với con nợ về các điều kiện xử lý tài sản, tìm kiếm đối tác mua tài sản thông qua hình thức đấu giá.
Thế nhưng, lãnh đạo NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) thừa nhận việc bán nợ xấu cho VAMC để nhận “tiền tươi” không dễ vì ngoài các yếu tố lợi ích, doanh nghiệp này chỉ có vốn 1.500 tỉ đồng nên không thể mạnh tay mua nợ từ các NH. Do đó, để sớm thu hồi nợ, các NH luôn chủ động thuyết phục con nợ đồng ý cho NH thu giữ tài sản để tiến hành bán đấu giá tài sản, tất toán khoản vay.
Thỏa thuận để thu giữ tài sản
Theo Nghị quyết 42, NH có quyền thu giữ tài sản thế chấp với điều kiện hợp đồng tín dụng có điều khoản này. Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều NH cho rằng do hợp đồng tín dụng không có điều khoản thu giữ tài sản nên trong tiến trình xử lý nợ, các NH thường thuyết phục con nợ giao cho NH bán tài sản. Theo đó, con nợ phải có văn bản đồng ý cho NH thu giữ tài sản – một điều khoản bổ sung cho hợp đồng tín dụng. Trường hợp con nợ “lật kèo” không giao tài sản thì theo Nghị quyết 42, cơ quan chức năng có trách nhiệm hỗ trợ NH tiến hành thu giữ tài sản. Tiếp đến, NH muốn công khai bán đấu giá tài sản phải có sự đồng ý của con nợ về giá bán.
Động thái đáng chú ý nhất của việc thu giữ tài sản được thực hiện theo Nghị quyết 42 là cuối tháng 8-2017, VAMC đã thu giữ dự án cao ốc Sài Gòn M&C trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP HCM.
NH Nhà nước cho biết trước khi thu giữ dự án cao ốc Sài Gòn M&C, VAMC đã ký hợp đồng mua nợ với một số NH đối với khoản nợ của Công ty Sài Gòn One Tower, Công ty Liên Phát, Công ty Minh Quân, Công ty Superdeck M&C với tổng dư nợ (gốc và lãi) trên 7.000 tỉ đồng mà các công ty này đã vay từ nhiều NH để đầu tư vào dự án này.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch HĐTV VAMC, cho biết các công ty trên đã đồng ý cho VAMC bán đấu giá dự án cao ốc Sài Gòn M&C để thu hồi nợ. “VAMC đang thành lập hội đồng thẩm định định giá, xác định giá khởi điểm để tiến hành bán đấu giá công khai dự án này trong thời gian tới” – ông Đông nói.
Xử lý tốt sẽ giúp hạ lãi suất
Ông Trương Văn Phước, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, đánh giá Nghị quyết 42 đặt ra rất nhiều vấn đề liên quan đến quá trình xử lý nợ của các NH, trong đó cốt lõi nhất là cơ chế xử lý tài sản thế chấp và khắc phục khó khăn tình hình tài chính của các tổ chức tín dụng. Về xử lý tài sản, nghị quyết cho phép các NH thu giữ và bán tài sản thế chấp theo giá thị trường thông qua các trình tự pháp lý rút gọn. Nghị quyết cũng cho phép các khoản lãi dự thu, tức là những khoản lãi cho vay đã hạch toán vào nguồn thu nhưng thực chất NH chưa thu được do nợ xấu thì nay được phân bổ dần vào chi phí từ 5-10 năm chứ không phải đưa toàn bộ vào các khoản chi ngay bây giờ. Đồng thời, các tài sản bảo đảm bán theo giá thị trường mà thấp hơn giá trị khoản vay thì tổn thất đó cũng được phân bổ tối đa là 10 năm.
“Đó là 2 điểm nổi bật mà theo tôi, nếu tổ chức một bộ máy triển khai nhanh và nắm vững những quy định của Nghị quyết 42 thì kết quả xử lý nợ xấu sẽ tốt hơn nhiều, giúp cho năng lực tài chính của hệ thống NH tăng lên, tạo điều kiện giảm lãi suất” – ông Phước nhận xét.