“Soi” cơ cấu cổ đông Techcombank trước ngày lên sàn

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) sẽ niêm yết chính thức trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM vào ngày 4/6 tới đây. Với mức giá chào sàn cao nhất trong các ngân hàng (128.000 đồng/cổ phiếu) và quy mô vốn hóa lên tới 6,5 tỷ USD; đây là một trong những đợt niêm yết được chú ý nhất trong năm nay. Thông tin về cơ cấu cổ đông của ngân hàng cũng rất được quan tâm trước sự kiện lên sàn của nhà băng này, vậy những ai đang sở hữu lượng cổ phiếu lớn tại đây?

Sau 25 năm thành lập, Techcombank đã chứng kiến nhiều lần đổi chủ và những thay đổi lớn về cổ đông chủ chốt của ngân hàng. Trong vòng 1 năm trở lại đây, cơ cấu sở hữu tại ngân hàng cũng đã có nhiều sự thay đổi, cơ cấu khá cô đặc trước kia đã giãn ra nhiều.

Theo bản báo cáo bạch, số lượng cổ đông tại Techcombank hiện tại là 1.901 người, trong đó có 1.700 cá nhân và 201 tổ chức.

Cơ cấu cổ đông Techcombank trước ngày lên sàn có gì đáng chú ý? - Ảnh 1.

Có cấu cổ đông của Techcombank tại ngày 11/5/2018

Từ giữa năm 2017 trở về trước, 2 cổ đông lớn của Techcombank là ngân hàng HSBC và Masan sở hữu tới gần 40% vốn điều lệ của ngân hàng. Với việc HSBC thoái toàn bộ vốn khỏi Techombank hồi giữa năm 2017, đến nay ngân hàng chỉ còn một cổ đông lớn duy nhất nắm giữ trên 5% vốn cổ phần của Techcombank là Masan Group. Masan hiện nắm giữ 174,7 triệu cổ phiếu TCB tương đương với 14,99% vốn điều lệ ngân hàng. Không chỉ là cổ đông lớn, tập đoàn Masan cùng các công ty con cũng đang là khách hàng lớn tại đây với hơn 1.550 tỷ tiền gửi tại Techcombank (cuối tháng 3/2018).

Bóng dáng của những tên tuổi lớn đã đồng hành cùng Techcombank từ những bước đi đầu tiên chỉ còn le lói tại ngân hàng này. 3 cổ đông sáng lập của Techcombank hiện chỉ còn nắm rất ít cổ phần tại ngân hàng: Ông Hoàng Văn Đạo nắm 6,4 triệu cổ phần tương ứng với 0,55% vốn điều lệ. Ông Nguyễn Thiều Quang nắm 10,1 triệu cổ phiếu (0,86% vốn điều lệ), bà Nguyễn Thị Nga nắm gần 71 nghìn cổ phiếu (0,006% vốn điều lệ).

Cổ đông cá nhân sở hữu hơn 590 triệu cổ phiếu tương đương tỷ lệ 50,25% tại Techcombank. Trong đó, riêng gia đình của Chủ tịch HĐQT ông Hồ Hùng Anh đã nắm tới hơn 198 triệu cổ phiếu, tương đương với 17% vốn điều lệ. Tuy nhiên, lượng lớn cổ phiếu lại không nằm trong tay ông Hùng Anh (13 triệu cổ phiếu TCB) mà chủ yếu do người nhà nắm giữ.

Vợ ông Hùng Anh- bà Nguyễn Thị Thanh Thủy sở hữu 58 triệu cổ phiếu TCB, mẹ ông Hùng Anh bà Nguyễn Thị Thanh Tâm sở hữu 58 triệu cổ phiếu, con trai ông Hùng Anh – Hồ Anh Minh sở hữu 31 triệu cổ phiếu, em dâu ông Hùng Anh – bà Nguyễn Hương Liên sở hữu hơn 38,21 triệu cổ phiếu TCB. Ước tính lượng cổ phiếu của chủ tịch Hồ Hùng Anh cùng những người liên quan hiện trị giá 25.400 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, gia đình Phó Chủ tịch HĐQT ông Nguyễn Cảnh Sơn cũng đang nắm hơn 38 triệu cổ phiếu tại ngân hàng, tương đương với 3,3% vốn điều lệ.

Cổ đông nước ngoài hiện đang sở hữu 22,5% vốn tại ngân hàng, tương đương 262 triệu cổ phần. Trong đó sở hữu thuộc về 170 cổ đông tổ chức (22,08%), 4 cổ đông cá nhân (0,42%). Chia sẻ tại buổi công bố kế hoạch niêm yết sáng 23/5, ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc ngân hàng cho biết Techcombank sẽ không nâng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên tối đa 30%.

Không có nhiều thông tin về tỷ lệ sở hữu cụ thể của các nhà đầu tư nước ngoài tại Techcombank. Được biết, có 2 nhà đầu tư nước ngoài là Vesta VN Investments B.V và COG Investments B.V đã mua hơn 93 triệu cổ phiếu quỹ của Techcombank (tương đương 8% vốn điều lệ) trong đợt chào bán cổ phiếu quỹ đợt 1 của ngân hàng hồi tháng 4.

Trong đợt chào bán cổ phiếu quỹ lần 2, theo nguồn tin của nhiều hãng thông tấn quốc tế thì các quỹ GIC, Dragon Capital, Fidelity có đàm phán để trở thành nhà đầu tư cơ bản. Tuy nhiên, kết quả giao dịch hiện chưa được tiết lộ, tỷ lệ sở hữu của những quỹ ngoại này tại Techcombank vẫn là ẩn số.

Techcombank lên sàn với mức định giá 6,5 tỷ USD, mẹ và vợ ông Hồ Hùng Anh sẽ gia nhập Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán

Bài viết mới