Soi 5 doanh nghiệp niêm yết trong “vòng xoáy” MTM

CTCP Mỏ và XNK khoáng sản Miền Trung (mã chứng khoán MTM) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2017. Điểm đặc biệt trong BCTC quý này của MTM là ngoài kết quả kinh bết bát như đã vỡ lở lâu nay thì MTM còn công bố các thông tin liên quan nhiều doanh nghiệp niêm yết.

Hàng loạt doanh nghiệp niêm yết bị gọi tên trong báo cáo tài chính MTM

Trong danh sách các công ty liên quan đến “mớ bòng bong” MTM có nhắc đến 7 doanh nghiệp trong đó có đến 5 doanh nghiệp niêm yết gồm: CTCP Đầu tư Khoáng sản Tây Bắc (Mã chứng khoán: KTB); CTCP Khoáng sản và Luyện kim màu (Mã chứng khoán: KSK); CTCP Khoáng sản Hòa Bình (Mã chứng khoán: KHB); CTCP Luyện kim Phú Thịnh (Mã chứng khoán: PTK); CTCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (FID).

Trong bản thuyết minh BCTC của MTM đã đề cập đến khoản phải thu đối với các khách hàng này, cụ thể, khoản phải thu hơn 24,44 tỷ đồng đối với Khoáng sản Tây Bắc (KTB), khoản phải thu hơn 10 tỷ đồng đối với Luyện kim Đông Bắc, khoản phải thu hơn 1,77 tỷ đồng đối với Luyện kim Phú Thịnh đều là các là khoản công nợ phải thu của MTM bán hàng quặng cho các công ty này, mà MTM mua của FID. Thực chất đây chỉ là xuất hóa đơn nhằm mục đích tạo công nợ ảo để lừa đảo khi bán chứng khoán. Hiện nay cả KTB, Luyện kim Phú Thịnh và Luyện Kim Đông Bắc đều đã ngừng hoạt động, không có trụ sở, địa chỉ cụ thể, không có người làm việc tại địa điểm công bố… do vậy không thể xác minh và đòi nợ.

Bên cạnh đó, khoản phải thu gần 72,5 tỷ đồng đối với Khoáng sản và luyện kim màu, khoản phải thu hơn 6,3 tỷ đồng đối với Khoáng sản Hòa Bình (KHB) cũng là các là khoản công nợ phải thu do MTM bán quặng sắt, đá hạt cho 2 đơn vị này mà MTM mua của FID. Thực chất đây cũng là xuất hóa đơn nhằm tạo công nợ ảo để lừa đảo khi bán chứng khoán.

Ngoài ra, còn khoản phải thu gần 29,9 tỷ đồng đối vơi chính CTCP Đầu tư và Phát triển Doanh nghiệp Việt Nam (FID) cũng là khoản nợ phải thu của MTM chuyển tiền mua quặng sắt, đá hạt cho FID nhưng MTM đã chuyển quá so với hóa đơn xuất của FID. Hiện FID đã tự xóa công nợ với MTM bằng cách viết 1 phiếu chi tiền mặt trị giá gần 29,9 tỷ đồng để trả lại tiền thừa cho MTM.

Trên thuyết minh BCTC của MTM cũng ghi rõ, toàn bộ vốn góp của MTM là 268,4 tỷ đồng thì có 120 tỷ đồng chuyển sang Tổng CTCP thương mại và Luyện kim Bắc Cạn rồi rút ra với danh nghĩa đầu tư, góp vốn. Còn 60 tỷ đồng chuyển sang CTCP thương mại và đầu tư VCI Việt Nam với danh nghĩa tạm ứng/trả trước tiền mua hàng rồi rút ra, và phần còn lại chuyển sang công ty FID rồi rút ra với danh nghĩa mua quặng sắt, đá hạt…

Theo giải trình, thực chất FID xuất hóa đơn cho MTM (không có hàng hóa) để rút vốn góp của MTM, đồng thời MTM có đầu vào để xuất ra (cũng không có hàng hóa) cho KHB, KSK, KTB, PTK, KHL nhằm tạo công nợ ảo của MTM để lừa đảo khi bán chứng khoán.

Ngoài ra, còn các giải trình liên quan đến khoản phải thu khác với Luyện kim Bắc Cạn, khoản tài sản thiếu chờ xử lý. Kèm với đó, còn có danh sách 23 người liên quan đang bị gửi hồ sơ chờ điều tra…

Thuyết minh BCTC của MTM còn nhắc đến khoản nợ xấu hơn 266 tỷ đồng đến ngày 31/12/2016 – là 100% công nợ phải thu trả trước cho người bán, 100% công nợ phải thu của khách hàng và 100% khoản phải thu khác với Khoáng sản Bắc Cạn. Đáng chú ý, khoản nợ xấu này lại tăng thêm gần 160 tỷ đồng trong 3 quý đầu năm 2017. Tính đến 30/9/2017, tổng nợ xấu lên đến hơn 426 tỷ đồng – là do trích lập dự phòng tăng thêm 100% tài sản thiếu chờ xử lý không thể thu hồi được…

Soi 5 doanh nghiệp niêm yết trong vòng xoáy MTM

Phải nói rõ rằng, những điều nêu trên chỉ mới là thông tin một chiều có được từ báo cáo tài chính của “con ma” MTM. Sự thật có hay không việc xuất hóa đơn ảo để chào bán cổ phiếu hoặc sự câu kết nào đó để lừa đảo thì phải chờ kết luận của cơ quan điều tra hoặc các cơ quan có trách nhiệm liên quan. Hiện Cơ quan điều tra đang vào cuộc điều tra “dòng xoáy” của dòng tiền liên quan MTM – FID và các đối tác liên quan.

Tuy nhiên, một điều có thể thấy, nếu MTM là một “con ma” với nhiều yếu tố đã bị vạch mặt thì các đối tác vay, nợ, mua, bán của MTM dường như cũng chẳng có gì. Đối với FID, khoản phải thu gần 30 tỷ đồng – là khoản ghi nợ do “chuyển thừa tiền mua hàng” – trong khi đó phía FID, để xóa khoản công nợ với MTM đã lập 1 phiếu chi tiền mặt để trả lại tiền thừa cho MTM, với tên người ký là Nguyên TGĐ Bùi Đình Như và bên người nhận tiền là Nguyên GĐ Vũ Đại Dương của MTM.

“Soi” BCTC năm 2016 đã kiểm toán của FID cũng thấy kiểm toán đã đưa ra nhiều ý kiến ngoại trừ liên quan đến các khoản tiền đầu tư của công ty. Cụ thể trong năm 2016 công ty thu lại tiền đầu tư vào 2 công ty con VIT và VCI với số tiền 62,7 tỷ đồng và thu tiền phát hành tăng vốn 109,9 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này đã được tạm ứng cho 5 cá nhân với tổng dư nợ tạm ứng đến cuối năm 2016 là 173 tỷ đồng, bao gồm cả ông Bùi Đình Như, ông Đặng Kim Khoa, ông Nguyễn Thanh Tùng…

Dù kiểm toán viên cũng ghi nhận đến 20/1/2017 các cá nhân này đã hoàn trả tạm ứng vào tài khoản công ty, nhưng cũng trong ngày đó công ty đã đầu tư góp vốn 160 tỷ đồng vào 3 công ty khác, bao gồm 70 tỷ đồng vào CTCP gang thép công nghiệp Việt Nam (giá mua 200.000 đồng/cổ phần); đầu tư 20 tỷ đồng vào CTCP Công nghiệp Hà Thái (giá mua 20.000 đồng/cổ phần) và đầu tư 70 tỷ đồng CTCP Đầu tư Thương mại Thanh Thủy với giá mua 20.000 đồng/cổ phần – và vấn đề này chưa được kiểm toán trong năm 2016. Một điểm đáng lưu ý là cả 3 công ty này đều đang ghi nhận có lỗ lũy kế; vốn chủ sở hữu còn lại đều thấp hơn vốn góp chủ sở hữu.

Ngay trên BCTC soát xét bán niên 2017 của FID, kiểm toán cũng nêu vấn đề nhấn mạnh về một giao dịch phát sinh trong kỳ, là khoản thu về 21 tỷ đồng từ công ty Hà Thái vào ngày 30/6/2017– khỏan tiền này ngay trong ngày đã được công ty ứng trước cho CTCP Chế biến thương mại khoáng sản TASA theo hợp đồng mua bán quặng sắt với khối lượng giao dịch 10.000 tấn. Tuy nhiên, hơn 1 tháng sau, các bên mới chỉ ký biên bản xác nhận khối lượng và TASA mới xác nhận đã sản xuất được 3.000 tấn quặng theo yêu cầu hợp đồng, và vẫn đang lưu kho TASA mà chưa thực hiện việc giao nhận hàng.

Một năm trước, cổ phiếu FID cũng đã “rơi tự do từ vùng giá 17.000 đồng/cổ phiếu xuống xấp xỉ 2.000 đồng/cổ phiếu và hiện đang giao dịch ở mức giá 1.500 đồng/cổ phiếu, tiếp tục thuộc diện cổ phiếu bị kiểm soát.

Không khả quan hơn FID, hiện cổ phiếu KHB của Khoáng sản Hòa Bình cũng đã giảm sâu về giá 1.600 đồng/cổ phiếu và thuộc diện bị cảnh báo do LNST năm 2016 tiếp tục là số âm.

Kiểm toán cũng đưa ý kiến ngoại trừ trên BCTC kiểm toán năm 2016 của KHB về hàng tồn kho. Đồng thời kiểm toán cũng đưa ý kiến ngoại trừ về một loạt vấn đề trong công ty liên quan chi phí, lợi nhuận của các hợp đồng kinh doanh, liên quan các khoản dự phòng, doanh thu, giá vốn… Đặc biệt, liên quan khoản tiền công ty cho ông Lê Hữu Lộc, Giám đốc, vay mà chưa có Nghị quyết ĐHĐCĐ.

Trong BCTC kiểm toán năm 2016 của KHB, kiểm toán cũng nhắc đến khoản số dư phải trả đối với MTM hơn 6,3 tỷ đồng.

Đối với Khoáng sản Luyện Kim Màu, “soi” BCTC kiểm toán năm 2016 cũng thấy kiểm toán đã đưa ý kiến ngoại trừ về các hợp đồng của công ty. Cụ thể, Công ty hợp tác đầu tư với 3 đối tác là Công ty TNHH Cương Lai Châu, CTCP Tư vấn Xây dựng ba Đình và CTCP Đầu tư Thương mại Đông Bắc với giá trị 130 tỷ đồng. Tuy nhiên kiểm toán không thể thu thập được hồ sơ liên quan đến các hoạt động hợp tác đầu tư với 3 công ty nêu trên.

Bên cạnh đó, kiểm toán cũng nhấn mạnh việc công ty đã tạm ứng cho các cá nhân đến thời điểm 31/12/2016 là 105,23 tỷ đồng.

Còn trên BCTC soát xét bán niên năm 2017, kiểm toán cũng đưa ra ý kiến ngoại trừ liên quan đến khoản phải trả đối với MTM. Cụ thể, kiểm toán cũng không thể các minh được tính chính xác và hiện hữu của số dư nợ phải trả hơn 71,8 tỷ đồng đối với MTM…

Đối với khoản phải thu khác với Tổng CTCP thương mại và Luyện kim Bắc Cạn, là khoản đầu tư góp vốn thực hiện trong năm 2015, tuy nhiên đây cũng là khoản đầu tư không có thực, mà tạo dòng tiền đi qua tài khoản ngân hàng nhằm lừa đảo của BLĐ cũ.

Cơ quan điều tra đã làm rõ khoản tiền 120 tỷ này đã được nộp vào ngân hàng BIDV chi nhánh Nam Hà Nội rồi chuyển lòng vòng qua 3 đơn vị trung gian (nộp 10 tỷ vào TK công ty An Hồng Anh rồi từ đó chuyển sang MTM với nội dung mua lại dự án, sau đó MTM lại chuyển cho Luyện kim Bắc Cạn với nội dung góp vốn đầu tư rồi lại rút ra ngay. Sự việc được lặp lại 12 lần tương ứng số tiền 120 tỷ đồng.

Cổ phiếu KTB của Khoáng sản Tây Bắc và PTK của Luyện kim Phú Thịnh đã bị tạm ngừng giao dịch trên UpCOM từ 13/4/2016 để “bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư” sau 1 tháng lên giao dịch trên UpCOM (từ 15/3/2016). Trước đó, cả 2 cổ phiếu này đã bị hủy niêm yết trên HoSE do liên tục bị nhắc nhở về các lỗi như chậm công bố thông tin, chậm nộp báo cáo quản trị, chậm công bố báo cáo tài chính…

Những hệ lụy từ việc “cổ phiếu ma” MTM trên sàn đối với các nhà đầu tư đến nay vẫn chưa thể quên. Và sau hơn 1 năm sự việc vỡ lở, lại một lần nữa thông qua BCTC của MTM, nhà đầu tư được “khơi dậy” nỗi đau thất thoát. Và đồng thời, hàng loạt cái tên liên quan được hé lộ. Đáng chú ý, đây hầu hết đều là những doanh nghiệp đang giao dịch trên sàn chứng khoán, lại một lần nữa là tiếng chuông cảnh báo với nhà đầu tư.

Bài viết mới