TIN MỚI
Thành phố Hứa Xương, thuộc tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, được gọi là “thủ phủ tóc giả” của thế giới. Với hơn 300.000 cư dân kiếm sống ở nhiều điểm khác nhau trong chuỗi cung ứng này, thành phố sản xuất 1 nửa số tóc giả trên thế giới và cung cấp cho hơn 120 quốc gia. Hàng nghìn tấn tóc được vận chuyển đến đây mỗi năm. Ở thời kỳ đỉnh cao của ngành, khoảng 20.000 người dân địa phương này thu thập tóc ở khắp nơi trên thế giới.
Theo những ghi chép của thành phố này, dưới triều đại của Vua Gia Tĩnh (1521-1567), người dân nơi đây bắt đầu làm tóc giả cho các đoàn hát. sau đó, 1 người dân địa phương lên là Bai Xi đã có mối quan hệ đối tác với 1 thương gia đến từ Đức để mua tóc và họ mở “ngân hàng tóc” đầu tiên của Trung Quốc. Họ mua tóc từ các thương nhân ở nông thông, sau đó chải, buộc thành bó và bán ra nước ngoài.
Tuy nhiên, giờ đây, việc kinh doanh này lại không còn dễ dàng như vậy.
“Vàng đen”
Xu Mengge, cô bé 11 tuổi, có mái tóc đen và dài. Cha cô – ông Xu Hai, coi đó như một “mỏ vàng”. Cô bé chưa từng đến cửa hàng cắt tóc vì thường tự cắt ở nhà. Tóc của Mengge hiện dài đến ngang eo và cũng rất dày. Dù có chấy và gàu ở chân tóc, nhưng phần ngọn vẫn rất mượt, thẳng và không bị chẻ ngọn.
Tóc cô bé được cắt sau đó búi gọn gàng, đặt lên bàn cân. Người mua tóc trong làng đưa ra mức giá thông thường là 600 NDT (89 USD). Khi thấy ông Xu Hai chưa hài lòng, người này đã mở balo và cho ông xem những búi tóc đã mua. Người này nói: “Nhìn này, đây là những gì tôi thu thập được. Tôi là người mua trung thực, tóc cô bé không uốn hay nhuộm, có độ dài vừa phải, nên 600 tệ là giá hợp lý.” Vậy là số tiền đã được “chốt”.
Ảnh minh họa một bé gái đang cắt tóc để bán.
Ông Hai sống cùng 3 người con tại một ngôi là ở huyện Tân Thái của tỉnh Hà Nam. Ở đây, những phụ nữ trong làng từ nhỏ đã bán tóc để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Trong lớp của Mengge, ít nhất 2-3 em cũng làm như vậy. Cô bé chia sẻ, mức giá cao nhất ở đây là 1.600 NDT.
1.600 NDT là số tiền nhiều hơn mà gia đình Xu Hai có thể kiếm được từ việc trồng ngô. Ông Hai chỉ học tiểu học, cả cha mẹ và vợ ông đều qua đời từ khi còn trẻ. Ông cũng từng trải qua một ca phẫu thuật lớn ở bụng nên không thể lao động nặng nhọc. Tuy nhiên, Mengge lại không muốn bán tóc của mình.
Dù người mua đặt ra mức giá cố định cho cả làng, nhưng lại đưa ra giá khác cho các nhà máy dựa theo trọng lượng và độ dài của tóc. Chỉ dài hơn vài cm cũng có thể có giá cao hơn tới vài trăm NDT. Vì vậy, những người thu gom thường cắt bắt đầu từ phần gần chân tóc vì đây là nơi tóc khỏe nhất.
Ở trường của Mengge, việc nhận ra bé nào từng bán tóc rất dễ dàng. Tóc các bé đầu ngắn, cắt lởm chởm và lộ cả mảng da đầu. Ông Hai thì không cho rằng đó là vấn đề lớn. Theo ông, vẻ ngoài chẳng đáng giá bao nhiêu, nếu nó tệ đến vậy thì ông có thể mua cho cô bé một chiếc mũ.
Ông coi mái tóc của con gái hư cây trồng. Ông nói: “Cần có thời gian và sự cẩn thận, chưa kể đến tiền bạc, thì mua dầu gội cũng tốn kém.” Khi vừa bán tóc, mùa đông đã đến nhưng 3 đứa trẻ nhà ông Hai vẫn đi dép lê nên đây là thời điểm thích hợp để lấy tiền đó mua quần áo ấm.
Người mua thì cố gắng thuyết phục Mengge và nói với Hai: “Nếu cô bé đổi ý thì anh phải bán cho tôi.”
Họ không hề biết rằng, ở cách đó 230 km tại Hứa Xương, các nhà máy sản xuất tóc giả đang rất cần búi tóc này. Bộ tóc giả mà họ bán ra có thể có giá hơn 1.000 NDT.
Một cuộc khủng hoảng đang “nhen nhóm”
Trên đường phố ở Hứa Xương, các cơ sở kinh doanh liên quan đến tóc xuất hiện ở khắp nơi. Các cửa hàng cắt tóc đưa ra mức giá cao để mua tóc dài. Các nhà máy sản xuất tóc giả thì dán quảng cáo trên tường và phát tờ rơi ở mỗi cửa sổ.
Zhou – một người dân địa phương từng thu thập và xử lý tóc người được 13 năm, cho hay: “Kiếm ‘vàng đen’ rất đơn giản. Bạn chỉ cần có 1 chiếc kéo và làm trên phố.”
Khi mới kinh doanh, tất cả những gì Zhou có một chiếc kéo và một chiếc túi vải. Sau khi mua tóc từ người dân và những người thu thập, anh vệ sinh sạch sẽ, gỡ rối tóc và phân loại thành từng bó sau đó bán cho các xưởng làm tóc giả.
Do công việc không đòi hỏi quá nhiều kỹ năng phức tạp khi bắt đầu, nên các nhà máy sản xuất tóc giả và những ngôi là chuyên thu gom tóc mọc lên ở Hứa Xương trong những năm 1990. Các công ty tóc giả Hàn Quốc khi đó mở nhà máy ở Trung Quốc do chi phí lao động ở quê nhà cao. Hứa Xương đã trở thành “trung tâm tóc giả” của cả thế giới, nhờ dân cư đông đúc, lao động giá rẻ và nguồn nguyên liệu dồi dào.
Zhou nhớ lại rằng, ở thời kỳ hoàng kim của ngành này, trong làng thậm chí còn chẳng có bóng dáng một thanh niên nào. Họ bận rộn đi thu mua tóc ở khắp nơi trên cả nước, sáng đến tỉnh An Huy và sau đó đến tỉnh Giang Tây vào buổi chiều. Hầu như ngày nào họ cũng di chuyển, trừ dịp Tết. Zhou cho biết, lúc thuận lợi nhất, tỷ suất lợi nhuận của họ lên tới 70%.
Hình ảnh công nhân vận chuyển các bao tải tóc hồi cuối tháng 10 ở Hứa Xương.
Tuy nhiên, Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động giao thương với nước ngoài. Các công ty ở Hứa Xương không thể nhập khẩu tóc từ nước ngoài, khiến họ rơi vào cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng.
Năm 2020, Hứa Xương là nơi sinh sống của 4,38 triệu người, cứ 14 người thì có 1 người làm trong ngành tóc giả. Sự cạnh tranh cũng rất khốc liệt vì có nhiều đối thủ và thương mại điện tử phát triển cho phép người mua so sánh giá để lựa chọn. Các xưởng nhỏ hơn ít kinh phí để quảng cáo. Khách hàng thường xuyên chỉ đến nhờ các chiến lược marketing tích cực và cuộc chiến giá cả cũng diễn ra.
Nhiều người dân địa phương không còn lựa chọn nào khác ngoài rời khỏi Hứa Xương, cố gắng tái tạo mô hình kinh doanh này ở những thành phố khác. Các tỉnh và siêu đô thị đông dân như Tứ Xuyên, Hồ Nam và Trùng Khánh là những điểm đến ngày càng phổ biến do có nhiều lao động tương đối rẻ. Dù Hứa Xương vẫn là “thủ phủ tóc giả”, nhưng nhiều người cho rằng thời kỳ hoàng kim đã qua rồi.
Song, Liu Qing – giáo viên của Mengge, cho rằng đây không hoàn toàn là trọng tâm của vấn đề.
Tóc không còn… nhiều
Đây là năm thứ 5 Liu đến ngôi làng này để giảng dạy. Chị thấy rằng điều khiến hoạt động kinh doanh tóc sa sút là vì ít người bán tóc hơn.
Liu sinh vào khoảng những năm 1980 tại một ngôi làng nông thôn ở tỉnh Hà Nam. Chị kể rằng cả mẹ, chị gái và dì của mình đều bán tóc. Và mái tóc của những cô bé tuổi chưa thành niên có giá cao nhất vì là tóc khỏe nhất.
Liu chia sẻ: “Giờ đây, kinh tế nông thôn đã có sự cải thiện, cha mẹ ngày càng quan tâm đến việc học hành của con cái và mong chúng có thể lên thành phố để lập nghiệp. Để không bị phân tâm, ngay từ đầu nhiều cha mẹ đã không cho con để tóc quá dài.”
Zhou cũng nhìn rõ được cuộc khủng hoảng này. Mỗi năm trôi qua, ngày càng nhiều thanh niên rời quê và những phụ nữ còn lại trong làng đều là trung niên hoặc người cao tuổi. Do thích làm đẹp nên họ bắt đầu uốn và nhuộm tóc. Zhou giải thích đây là lý do các công ty phải nhập khẩu tóc từ nước ngoài.
Mengge và cô giáo Liu.
Yang Cheng – một chủ tiệm cắt tóc ở Hứa Xương, từng có thu nhập chính là kinh doanh tóc, cho biết giờ đây công việc của anh không phải là cắt tóc từ gốc nữa mà là tạo kiểu. Trước đây, việc buôn bán tóc rất thuận lợi nên họ không cần phải học cách tạo kiểu và chỉ cần 1 công cụ cơ bản nhân. Giờ đây, dù các cửa hàng bên ngoài không thay đổi so với những năm 1990, nhưng bên trong lại là những tấm áp phích về kiểu tóc thời thượng nhất cùng những chiếc kéo đủ hình dạng và kích cỡ.
Gần đây, Yang phải sử dụng internet để đa dạng hóa các kênh cung cấp tóc. Cả Yang và Zhou học cách sử dụng mạng xã hội để quảng cáo cửa hàng nhưng vẫn không mấy thành công. Giờ đây, một người muốn bán tóc sẽ dễ dàng liên hệ với nhiều bên mua để so sánh giá.
Họ sẽ yêu cầu bên mua ra giá trước dựa theo video họ gửi. Zhou nói rằng việc tóc qua video khó có thể xác định được chất lượng, trọng lượng và chiều dài của tóc. Nhưng anh không có lựa chọn nào khác ngoài việc thích nghi với thời đại.
Điều khiến Zhou lo lắng nhiều hơn là nhiều nhà máy lớn ở Hứa Xương hiện đã có đủ vốn để đổi mới, sử dụng chất liệu tổng hợp thay vì tóc thật để sản xuất. Yang thì nhún vai nói: “Khi mọi thứ đến mức này thì tôi nghĩ chúng tôi sẽ thất nghiệp.”
Quay trở lại với Mengge. Cô bé quyết định không bán tóc. Ông Xu Hai cho rằng cô bé không nên để tóc dài, nên bán nó đi và tập trung vào việc học. Cuối cùng, cô giáo Liu đã đưa Mengge lên thị trấn và chỉ cắt tóc đến ngang vai, sau đó bán với giá 600 NDT, con số tương đương với thu nhập vài tháng của bố cô bé.
Tham khảo Sixth Tone
Chi Lan
Nhịp sống thị trường