Số phận của các startup sau khi đóng máy Shark Tank Việt Nam: Chỉ 1/3 được rót vốn, rất nhiều startup chờ nhiều tháng ròng rồi nhận về cái lắc đầu của cá mập

Shark Tank Việt Nam – Thương vụ Bạc tỷ là một chương trình truyền hình nổi tiếng – nơi các công ty khởi nghiệp (Startup) thuyết trình trực tiếp trước các cá mập (Sharks) để tìm nguồn vốn. Shark Tank được phát sóng từ ngày 11/11/2017 đến 24/2/2018, với 48 Startup lọt vào vòng thương thuyết và 22 Startup nhận được cam kết rót vốn trên truyền hình.

Tuy nhiên, nhận được cam kết rót vốn trên truyền hình không có nghĩa các Startup sẽ được rót vốn trong thực tế.

Liên hệ với các Startup được cam kết rót vốn, chỉ có 8 Startup cho chúng tôi biết đã hoặc sẽ nhận được rót vốn từ các cá mập. Trong đó, có 7 Startup đã qua được giai đoạn thẩm định doanh nghiệp, 1 Startup không rõ Due Dil (Due diligence) hay thẩm định doanh nghiệp là gì, nhưng tin tưởng mình sẽ được rót vốn như cam kết.

7 Startup đang trong quá trình Due Dil. Một số cũng cho rằng quá trình Due Dil đã diễn ra quá lâu. Có Startup đến với Shark Tank khi đã cạn vốn, đến giờ họ vẫn phải “vay chỗ này, mượn chỗ nọ” để nuôi nhân viên và duy trì Startup.

“Tôi thấy quá trình Due Dil kéo dài quá lâu, không cần thiết”, một Founder cho biết. Từng được truyền thông là sắp nhận được khoản rót vốn, nhưng vào thời điểm chúng tôi liên hệ chiều 18/6, Startup này vẫn đang trong quá trình Due Dil và chưa nhận được đồng nào.

Số phận của các startup sau khi đóng máy Shark Tank Việt Nam: Chỉ 1/3 được rót vốn, rất nhiều startup chờ nhiều tháng ròng rồi nhận về cái lắc đầu của cá mập - Ảnh 1.

4 Startup cho biết sẽ không nhận được vốn từ các cá mập. Trong đó, 1 Startup đã từ chối Shark do thay đổi chiến lược phát triển công ty sau chương trình. Một số Startup thất bại sau quá trình Due Dil do không thống nhất được các điều kiện rót vốn với các cá mập .

Dù chương trình Shark Tank mùa 1 đã kết thúc vào 24/2/2018, nhưng đến nay vẫn có 1 Startup chưa bắt đầu Due Dil do đang đàm phán lại với cá mập về số vốn góp và tỷ lệ cổ phần hoán đổi.

Deal lớn nhất chương trình Shark Tank mùa 1 – Gcalls với cam kết rót vốn 1 triệu USD từ Shark Thái Vân Linh hiện đang trong quá trình Due Dil. Về việc khi nào dự kiến hoàn tất quá trình thẩm định hay Shark Linh có thay đổi điều kiện rót vốn hay không, đại diện từ Gcalls từ chối trả lời.

Số phận của các startup sau khi đóng máy Shark Tank Việt Nam: Chỉ 1/3 được rót vốn, rất nhiều startup chờ nhiều tháng ròng rồi nhận về cái lắc đầu của cá mập - Ảnh 2.

Trong số 22 Startup nhận được cam kết trên truyền hình, có 2 Startup chúng tôi không liên hệ được.

Số phận của các Startup sau khi đóng máy Shark Tank: Nhận được lời hứa rót tiền nhưng mất 7 tháng để đợi chờ cái lắc đầu của Shark

Mặc dù đặt mục tiêu tham gia Shark Tank để gọi vốn, nhưng nhiều Startup “sống” cực tốt sau chương trình Shark Tank dù chưa thực sự được rót vốn.

Đỗ Đức Mười – sinh viên năm thứ 3 của ĐH Kiến trúc, Cofounder của công ty Transform Studio – cho biết: Thay đổi lớn nhất của Transform Studio sau chương trình Shark Tank là lượng đơn hàng tăng lên rất nhiều, quy mô công ty cũng phải tăng lên để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Là một trong số những Startup qua được vòng Due Dil cho đến thời điểm này, “8x bán dấm” Trần Tâm Phương cho rằng, cái lợi nhất khi tham gia Shark Tank là về mặt truyền thông. Về sự hỗ trợ của các nhà đầu tư, anh kỳ vọng đưa dấm gạo Thủy Tâm vào các chương trình Marketing của Sunhouse, đồng thời mong sẽ được sử dụng nguồn nguyên liệu (hồ tiêu và gạo) từ SAM Agriculture của SAM Holdings, cũng như được đơn vị này hỗ trợ xuất khẩu.

Startup Vietferm của Phương đã qua được vòng Due Dil mà không bị thay đổi tỷ lệ cổ phần cũng như số tiền rót vốn, dự định sẽ ký được thỏa thuận rót vốn vào cuối tháng 6 và tuần đầu tiên của tháng 7 sẽ xây dựng được xưởng sản xuất.

Tuy nhiên, không phải Startup nào cũng may mắn như vậy.

Mặc dù nhận được cam kết rót vốn trên truyền hình, Farmtech với sản phẩm mạng xã hội nông nghiệp đã không thành công trong quá trình Due Dil với hai Shark Trần Anh Vương và Shark Phạm Thanh Hưng.

“Vòng gọi vốn phải nhanh, trong khi mình phải đợi 7 tháng. Mất 7 tháng để đợi lời lắc đầu từ Shark Vương. Mỗi tháng với 14 nhân viên, tốn trăm triệu tiền duy trì”, đại diện Farmtech chia sẻ.

(Còn nữa)

Rời ghế nóng Shark Tank, “cá mập vui tính” Trần Anh Vương nói về 3 lần phải bật khóc

Bài viết mới