Số lượng khổng lồ các mặt hàng chịu kiểm tra trước thông quan

Sáng 16/11, trong phần chất vấn Bộ trưởng Tài chính tại hội trường Quốc hội, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi về cải cách thủ tục hành chính, kéo giảm thời gian thông quan với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Đại biểu Nguyễn Tạo, tỉnh Lâm Đồng cho biết, thực tế công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trong thời gian qua đang là một trở ngại lớn, việc kéo dài thời gian thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu làm tăng chi phí và gây rất phiền hà cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết trong thời gian qua, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo vào việc này. Hiện nay, có khoảng 200 danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành trước khi thông quan với khoảng 100.000 hàng hóa, mặt hàng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết qua khảo sát, chỉ có 28% thời gian thông quan là trách nhiệm của hải quan, còn lại 72% là trách nhiệm các bộ, ngành.

Chính phủ đã giao cho 13 bộ, ngành xây dựng, sửa đổi hoàn thiện các văn bản pháp luật, nâng cao chất lượng hoạt động kiểm tra chuyên ngành theo hướng giảm thiểu số lượng hàng hóa và kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu và áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành và chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

“200 danh mục nhưng hàng trăm ngàn mặt hàng, trong đó có những danh mục như mặt hàng thuốc thú y có đến 400 mặt hàng, danh mục nguyên liệu làm thuốc và dược liệu gần 1.200 mặt hàng”, Bộ trưởng nói.

“Trách nhiệm các bộ, ngành liên quan đến các quy định về kiểm tra chuyên ngành là khâu chốt rất quan trọng mà chúng ta phải tháo, nếu không tháo được thì chúng ta sẽ không có động lực để thúc đẩy giao lưu thương mại hàng hóa qua biên giới. Hiện xuất nhập khẩu của Việt Nam chúng ta hiện nay chiếm gấp 1,6 – 1,7 lần so với giá trị GDP, đây là một điều rất quan trọng. Chúng ta là quốc gia xuất nhập khẩu mà không tháo được nút này thì rất ách tắc cho công tác xuất nhập khẩu”, ông nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng cho biết một bất cập lớn trong công tác kiểm tra chuyên ngành là tình trạng một số mặt hàng chịu nhiều hình thức quản lý và kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan. Một hàng hóa thuộc quản lý của nhiều bộ, nhiều đơn vị trong cùng một bộ.

Ví dụ, sữa chua hay sữa bột phải kiểm dịch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và kiểm tra an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ CôngTthương. Nghĩa là một sản phẩm như thế khi nhập khẩu phải hai giấy phép.

Đây là khâu mà các bộ, ngành phải tập trung khớp vào với Bộ Tài chính và các bộ, ngành phải chỉnh sửa để tạo thuận lợi hơn cho kiểm tra chuyên ngành.

Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình kiểm tra và việc kiểm tra phải đẩy mạnh theo hướng xã hội hóa, tức là các doanh nghiệp, các cơ sở có thể đầu tư các trang thiết bị và họ kiểm tra chuyên ngành theo tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy trình do các bộ đề ra.

Thủ tướng cũng đã đã đồng ý và Bộ Tài chính đã phối hợp với 10 bộ quản ngành thành lập và đưa vào hoạt động 10 địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập chung tại 6 địa bàn hải quan trọng yếu, đó là Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Nội, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh và Quảng Ngãi. Tuy nhiên, các điểm kiểm tra này mới chỉ lấy mẫu kiểm tra, chưa đưa ra được kết quả tại chỗ do khâu trang thiết bị.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp và đôn đốc các bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ được giao; rà soát các mặt hàng xuất nhập khẩu đang thực hiện cùng lúc nhiều thủ tục kiểm tra chuyên ngành để đề xuất phương án đổi mới kiểm tra chuyên ngành theo hướng giảm thủ tục giấy tờ, thủ tục chồng chéo, giảm đầu mối kiểm tra chuyên ngành.

Đặc biệt phải chuyển mạnh theo chỉ đạo của Thủ tướng là tăng cường quản lý theo rủi ro và hậu kiểm. Hiện nay kiểm tra chuyên ngành đang tiền kiểm rất lớn, không đáp ứng được thời gian thông quan, không đáp ứng được yêu cầu của quản lý chất lượng hàng hóa.

Cùng với đó, phối hợp với các bộ, ngành để tiếp tục rà soát, thống nhất mã HS phù hợp với danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu; tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành đánh giá theo mức độ rủi ro, quản lý theo phương thức quản lý rủi ro và áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên.

Tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ triển khai cơ chế 1 cửa quốc gia, cơ chế 1 cửa ASEAN giai đoạn 2016 – 2020; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

Về phía hải quan, Bộ đang chỉ đạo hải quan tiếp tục hoàn thiện thêm 1 bước nữa là giai đoạn 2 của dự án VNACC/VCIS (thông quan điện tử tự động); tiếp tục đầu tư và nâng cao hiệu quả hoạt động tại các điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung có hiệu quả.

Thu ngân sách hơn 1.500 tỷ đồng từ kiểm tra sau thông quan

Bài viết mới