Ra đời năm 2013, tự nhận mình non trẻ trong làng sách (trẻ hơn những công ty sách kỳ cựu khác những 10 tuổi) nhưng đến nay thành tích của Skybooks không… non chút nào.
5 năm sau khi thành lập, nhà sách này đã trình làng hơn 300 đầu sách, doanh thu 7 tỷ/tháng. Ngoài có một lượng fan trẻ hùng hậu từ những cuốn sách “tản văn thất tình” như Tạm biệt em ổn, Hôm nay tôi thất tình, Lạc lối giữa cô đơn… Skybooks còn là nhà sách mở đầu trào lưu sách comic ở Việt Nam, là nơi mang tác phẩm của tác giả trẻ 9x đến gần hơn với công chúng.
Vì trẻ nên liều, lao vào trend để lớn thần tốc
Bắt đầu bằng dòng truyện ngắn Hoa Học Trò, nhưng 1 năm sau khi ra đời, khi dòng truyện ngắn này có dấu hiệu bão hòa, Skybooks rơi vào bế tắc: Chưa tìm được hướng đi mới, doanh thu có tháng chỉ 20 triệu đồng.
Xuân Lê (hiện là Giám đốc điều hành của Skybooks) gia nhập Skybooks vào thời điểm khó khăn đó, kể lại: “Sếp mình bảo là, nếu không muốn làm Skybooks (lúc đó còn là một dự án – PV) thì có thể bỏ đi, làm cái khác.”
“Đến lúc đấy thì mình cứ làm thôi,” Xuân nhớ lại.
Xuân kể: “Đợt ấy nhân sự chỉ có 3 người, mỗi tháng chỉ ra được 1 cuốn sách. Nên thấy độc giả thích gì thì lôi về làm hết, gần như là thử nghiệm.”
Nhận thấy độc giả từ truyện ngắn Hoa Học Trò chuyển sang đọc tản văn, Xuân Lê bắt tay vào làm sách tản văn. Công việc tìm tác giả ban đầu khá khó khăn, đội ngũ phải “ăn nằm” trên mạng xã hội và tận dụng mọi mối quan hệ để tìm tác giả.
“Hồi xưa mình rất thích bài thơ: Em là cô gái mang giày đỏ bỏ cả thế giới nhỏ để yêu anh… Mình đọc từ hồi cấp 3 đã thích rồi nhưng cũng không để trong đầu,” Xuân kể.
Một hôm tình cờ thấy một bạn độc giả kết bạn Facebook với mình, đăng bài thơ này lên. Lúc ấy Xuân Lê có suy nghĩ là phải tìm đến tác giả này.
“Thế là mình có quyển Yêu người yêu người ta của Gia Đoàn,” cô nhớ lại.
Cô cho hay đó cũng là cuốn sách đầu tiên thành công, đánh dấu việc vượt qua giai đoạn khó khăn của Skybooks.
Sau đấy thì cứ tiếp tục, kéo theo một loạt các đầu sách tản văn khác đều bán rất chạy: Lạc lối giữa cô đơn, Chúng ta rồi sẽ ổn thôi, Hôm nay tôi thất tình…
Những đầu sách “tản văn thất tình” làm nên tên tuổi Skybooks
Nhớ lại giai đoạn đó, Xuân cho hay Skybooks đã xác định muốn phát triển thần tốc thì phải bám vào xu hướng của người đọc. Thấy độc giả trẻ của mình thích gì, tác giả nào hot là… lao vào làm.
“Rất nhiều tác giả mình nắm được thông tin từ việc độc giả comment, inbox cho Fanpage. Tên sách, trend bìa cũng bắt nguồn từ độc giả. Có những tác giả mà mọi người hỏi, em ơi em đào ở đâu ra những người viết hay như thế? Mình trả lời: độc giả comment.
Mình nghĩ Skybooks thành công được chính là nhờ vào nhìn vào nhu cầu của khách hàng để phát triển,” cô nói.
Trong suốt quá trình làm sách của mình, mình cực kỳ biết ơn độc giả. Vì tất cả những gì mình làm là độc giả dẫn đường.
Năm 2014, sau tản văn, truyện và tiểu thuyết Việt Nam, thấy bạn trẻ thích đọc truyện tranh của các họa sĩ trẻ trên mạng, Skybooks bắt tay vào một dòng sách hoàn toàn mới – truyện tranh .
“Mọi người cứ bảo nếu cứ ra liên tục mỗi tháng 1 cuốn thôi thì đã không có người mua rồi, bởi vì độc giả thích thì mua 1 cuốn chơi chơi thế thôi, còn cuốn thứ 2 thì chưa biết thế nào,” Xuân kể lại băn khoăn hồi đó.
Nhưng rồi Skybooks cũng thêm một mảng mới Skycomics, với tư tưởng: “Không được thì sập, có gì đâu.”
Thế là Skybooks tuyển thêm 1 team mới làm cuốn Nhật ký Mèo Mốc, và sau đó là liên tục dồn dập các đầu sách truyện tranh của các họa sĩ trẻ khác – Cả nhà thương nhau của Thăng Fly, Xấu hổ hay dễ thương (Awkward or cute) của Chucky, Chuyện vặt của Múc của Bích Ngọc…
“Gần như là mở ra một trào lưu đọc sách mới trong độc giả trẻ,” Xuân Lê tự hào nhớ lại.
Skybooks đưa tranh trên mạng của các họa sĩ trẻ Việt vào trang sách
Ổn định rồi, làm những cuốn sách ít fan hơn
Skycomics chỉ là bước chân ra khỏi comfort zone đầu tiên. Từ năm 2015 đến nay, Skybooks mở thêm dòng sách Skynovel (sách ngoại văn), tủ sách Sống khác (sách self-help), Skymommy (sách cho mẹ), Skykids (sách cho bé), sách chiêm tinh, sách khoa học…
Giải thích về sự ra đời của các dòng sách không-sở-trường và không cùng tệp fan trung thành cũ, Xuân Lê cho hay khi doanh thu đã ổn định (7 tỷ/tháng), Skybooks sẽ đổi chiến lược, thay vì lao vào trend như trước thì nay phát triển theo chiều ngang, làm những cuốn sách “khó” hơn, tức là… ít fan hơn.
“Chưa bao giờ mình nghĩ sẽ mãi đánh vào một dòng nào đấy, vì như thế mình sẽ không bao giờ đi lên, không phát triển bền vững được,” Xuân nói.
Tháng 6/2018, từ một dự án Skybooks chính thức thành lập công ty TNHH văn hóa và truyền thông Skybooks Vietnam. “Đây sẽ là một giai đoạn thách thức mới, vì nó mở rộng ra, nhiều người lên, sẽ là câu chuyện quản lý, câu chuyện nhân sự, câu chuyện đoàn kết,” Xuân nói.
Đội ngũ Skybooks
Một nguyên nhân khác của việc mở rộng các dòng sách, theo Xuân, là để định hướng và tri ân những độc giả trẻ – tệp fan trung thành của Skybooks: “Quá trình làm sách của mình là cả một hành trình biết ơn, và sâu sắc nhất là biết ơn độc giả . Mình luôn nghĩ với sự biết ơn thì mình sẽ tri ân lại như thế nào?
Bằng cách không thể nào cứ mãi làm sách tản văn thất tình yêu đương nữa,” cô nói.
Xuân cho hay: “Mình đang làm sách theo kiểu lớn dần lớn dần độ tuổi của độc giả. Sách self-help cho các đối tượng vừa mới ra trường. Sách kỹ năng xin việc, kỹ năng ứng xử để cho những bạn có nhu cầu rồi các bạn làm bố làm mẹ sẽ có sách mẹ bé. Mình nghĩ với công việc của một nhà sách mình sẽ phải hoàn thiện hết các nhu cầu đấy.”
Những cuốn sách kỹ năng đáng chú ý gần đây của Skybooks là Gập ghềnh tuổi 20, Nhắm mắt bắt được việc, Mình là cá việc của mình là bơi…
Năm 2016, Skybooks ra mắt tủ sách Sống Khác
“Mình nghĩ Skybooks làm được một cái đó là biến tất cả những cái khô khan mình thành dễ chịu, đơn giản, dễ đọc, để đến gần hơn với các bạn trẻ.”
Cụ thể “đến gần hơn” bằng cách nào? Xuân giải thích: “Bìa sách làm thế nào? Tên sách đặt thế nào? Cách truyền thông có đúng cách các bạn ấy đang tìm không.
Nếu làm sách bày cách xin việc mà đặt tên “làm sao để xin được việc” thì sẽ không bao giờ tiếp cận được các bạn. Nó bị khô khan. Và đừng bao giờ thuyết phục các bạn ấy đọc bằng cách bảo rằng: Đây, quyển sách này giá trị lắm, em đọc đi.”
“Rất nhiều người cứ hỏi mình là bạn trẻ đang đọc tản văn thất tình và ngôn tình nhiều quá, có thấy văn hóa đọc xuống không? Nhưng mình nghĩ do chưa… chọc đúng mạch thôi,” Xuân nói, “Người trẻ đọc sách rất nhiều và thật sự muốn đọc, quan trọng là mình có mang tác phẩm của tác giả đến gần hơn với các bạn ấy hay không thôi.”
“Với tác giả Việt, một cuốn sách chỉ như một kỷ niệm tuổi trẻ thôi”
Nói chuyện sách Việt đắt hay rẻ, Xuân đưa ví dụ ngay: “Giá giấy đang tăng lên với tốc độ chóng mặt và người đọc chưa nhận thức được vấn đề là sách phải đắt lên. Giá giấy 3 tháng trở lại đây nó tăng lên khoảng 30%, nhưng mọi người luôn luôn bảo là: Sao sách dạo này đắt thế!
“Mình thì chưa bao giờ thấy sách ở Việt Nam là đắt, chắc do mình là người làm sách.” Xuân cười.
Cô kể lại chuyện làm truyện tranh: “Hồi đấy hầu như các bạn họa sĩ đều vẽ màu hết, phải in full màu. Mà in full màu đồng nghĩa với việc giá sẽ cao. Mà giá cao thì độc giả sẽ không mua, vì độc giả đã quen với việc mua truyện tranh nước ngoài với giá không hề cao.”
“Ra một cuốn sách chỉ giống như là một kỉ niệm của tuổi trẻ thôi, không phải là một cái gì đấy sống được bằng nghề…”
Cô cho hay, “họa sĩ để sống với việc vẽ truyện tranh và chỉ vẽ thôi thì khó. Bây giờ mọi người có thể nhận thêm các job quảng cáo, job game để sống. Nói chung họa sĩ định vị là hoạt động song song, vừa vẽ truyện vừa làm công việc khác.”
Tình trạng của các nhà văn trẻ cũng tương tự. Từng phát hiện và đưa nhiều cây bút Việt đến gần với độc giả, Xuân cho biết:
“Mới mức chiết khấu từ 10 – 15%/giá bìa một cuốn sách mà mỗi tác giả nhận được, thì ra một quyển sách thì có thể có được mấy chục triệu.
Mà các bạn ấy viết một quyển sách, có người viết một năm, có người viết 2 năm, có người viết 5 năm, thậm chí có người viết 9 năm.”
“Ra một cuốn sách chỉ giống như là một kỉ niệm của tuổi trẻ thôi, không phải là một cái gì đấy sống được bằng nghề…”, Xuân nói.
“Phải một thời gian rất dài nữa khi mà nền văn học phát triển hơn nữa, việc mà kịch bản của các bạn ấy thành phim, thành nhạc được… hoặc như nước ngoài có những diễn đàn trả tiền cho người viết thì cơ hội cho lớp viết trẻ có lẽ sẽ tốt hơn…”