Sinh viên Việt Nam nên học tập và thích ứng như thế nào trong thời đại mà Google biết tất cả mọi thứ?

Đó là phát biểu của ông Andreas Schleicher, Giám đốc Ủy ban Giáo dục và Kỹ năng của OECD, trong Diễn đàn Bền vững Việt Nam diễn ra hôm nay (18/01).

Ông Andreas Schleicher nhận xét giáo dục Việt Nam thành công trong việc trang bị cho học sinh những kiến thức nền tảng cần thiết. Một nghiên cứu của OECD cho thấy 10% học sinh có hoàn cảnh khó khăn Việt Nam trong độ tuổi 15 học tập tốt như các bạn đồng trang lứa bên Mỹ.

Tuy nhiên, các môn học ở trường là không đủ trong một thế giới hiện đại và luôn thay đổi. Sinh viên châu Âu áp dụng kiến thức được học tại nhà trường theo cách rất khác với sinh viên châu Á. Nghiên cứu của OECD cũng cho thấy học sinh Việt Nam chưa áp dụng lý thuyết theo cách sáng tạo trong những tình huống cụ thể. Ông Schleicher cho rằng đây chính là thách thức lớn của giáo dục Việt Nam.

Sự khác biệt giữa quá khứ và hiện tại

Theo vị Giám đốc, tri thức của thời đại này là chiếc bể khổng lồ mà mọi người đều đóng góp vào đó. Vấn đề là làm sao để có thể trích xuất từ bể tri thức để tạo ra các sản phẩm, sáng kiến để cuộc sống tốt đẹp hơn.

Nếu như trong quá khứ, chúng ta luôn cần những tấm gương để học tập và phấn đấu thì ngày nay mỗi người cần hiểu rằng mọi người có năng lực như nhau, tri thức mang tinh chia sẻ và thuộc về tất cả mọi người. Trước đây các nước phát triển là tấm gương cho các nước đang phát triển, nhưng ngày nay các nước đang phát triển có nhiều điều mà ngay cả các nước G7 cũng phải học hỏi. Ví dụ, tỷ lệ tiếp cận Internet của Việt Nam, Malaysia cao hơn so với một số quốc gia thuộc G7.

Trong quá khứ, các môn học khá riêng rẽ, học viên chủ yếu làm việc độc lập và phấn đấu cho những kỳ vọng của họ trong tương lai. Trước đây, nhà trường được thiết kế chuyên biệt cho việc học, nên thiếu kết nối với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, tương lai sẽ rất khác với sự tích hợp của nhiều môn học với nhau, học viên hợp tác cùng nhau học tập. Việc học trong nhà trường sẽ liên quan đến những vấn đề đang xảy ra và những bối cảnh cụ thể của thế giới.

Nếu như trong quá khứ, giáo viên trao đi kiến thức và học sinh tiếp nhận kiến thức thì trong tương lai họ phải cùng nhau hợp tác. Nói cách khác, giáo viên hay học viên cần phối hợp cùng phát triển. Nếu quá khứ đề cao sự chuẩn hóa thì thời nay chúng ta đề cao tính sáng tạo.

Ông Andreas Schleicher nhấn mạnh: “Giáo dục vì tương lai của thế hệ trẻ, không phải vì quá khứ của chúng ta”.

Cuộc chạy đua giữa giáo dục và công nghệ

“Khi nền kinh tế thế giới thay đổi thì bạn cũng cần thay đổi nhanh. Nếu không thì bạn không thể bắt kịp với thế giới, không thể tận dụng được những cơ hội mà thời đại số hóa mang lại”, vị Giám đốc cho biết.

Ông Schleicher cho rằng thời đại ngày nay là cuộc chạy đua giữa công nghệ và giáo dục. Sự tổng hòa của hai khía cạnh này chính là con đường đưa một quốc gia đi đến phồn vinh, thịnh vượng. Trong tương lai, robot và máy móc tự động sẽ thay thế nhiều công việc của con người. Do vậy nếu không bắt kịp sự thay đổi của khoa học công nghệ thì cuộc cách mạng 4.0 có thể còn mang đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực hơn là tích cực.

“Công nghệ song hành với bạn nhưng không có nghĩa là nó sẽ dẫn bạn đi đường dài. Bạn cần có kỹ năng để biến công nghệ thành một người bạn chứ không phải để nó chi phối và kiểm soát cuộc sống của bạn”, ông nói thêm.

Trong thời đại mà mọi thứ luôn tăng tốc và thay đổi, giáo dục không thể duy trì tư duy giảng dạy kiểu cũ. Ngày nay, giáo dục cần phải cung cấp cho mọi người những công cụ định hướng để mỗi người tự tìm ra lối đi cho mình trong một thế giới phức tạp. Nền giáo dục hiện nay cần cung cấp cho người học kĩ năng học tập suốt đời.

Ngày nay, chúng ta cần hiểu rằng mỗi cá nhân trong xã hội có phương thức học tập khác nhau. Vì vậy, hệ thống giáo dục thì cần phải tạo ra nhiều phương thức học tập cho phép mọi người học tập một cách thuận lợi nhất. Học tập không chỉ giới hạn trong nhà trường nữa mà thật sự là một hoạt động suốt đời, làm sao để không ai bị bỏ lại phía sau.

Tuy nhiên, sinh viên ở những nước đang phát triển như Việt Nam chưa được trang bị đầy đủ các kĩ năng để hòa nhập vào thế giới số. “Thế giới hiện đại không còn trao thưởng cho bạn chỉ vì những gì bạn biết nữa bởi vì Google biết mọi thứ, nhưng bạn sẽ nhận được phần thưởng nếu bạn có thể làm được điều gì đó với kiến thức của bạn”, ông Schleicher nhận xét.

Nghịch lý ở giáo dục ở Việt Nam cách để sinh viên không bị thất nghiệp trong thời đại số

Bài viết mới