“Siêu ủy ban” quản lý vốn Nhà nước đã được chuẩn bị đến đâu?

Theo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 12/2017 về tái cơ cấu DNNN, một “siêu ủy ban” quản lý vốn Nhà nước sẽ được thành lập trong năm 2018. Cụ thể, ủy ban này là cơ quan chuyên trách, làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp. Quy mô vốn và tài sản của “siêu ủy ban” lên đến hơn 5 triệu tỷ đồng.

Về chức năng nhiệm vụ, Ủy ban có vai trò giúp Chính phủ quản lý, giám sát có hiệu quả vốn và tài sản Nhà nước tại các doanh nghiệp; thực hiện các chủ trương về tái cơ cấu, thoái vốn, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước.

“Siêu ủy ban” quản lý vốn Nhà nước có thể học tập từ mô hình Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản Nhà nước (SASAC) của Trung Quốc hay Quỹ đầu tư Temasek quản lý cổ phần trong các DNNN được cổ phần hóa của Singapore.

“Siêu ủy ban” dự kiến có quyền gì?

Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XII (2016) đã thống nhất chủ trương thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại điện chủ sở hữu đối với các doanh nghiệp Nhà nước. Sau đó, Bộ Kế hoạch & Đầu tư trình Chính phủ dự thảo thành lập “Siêu ủy ban”.

Theo dự thảo này, Ủy ban sẽ được quản lý bởi các bộ, cơ quan ngang bộ theo ngành, lĩnh vực, song sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp với Chính phủ về kết quả và hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng tài sản và vốn tại các doanh nghiệp.

Khi Ủy ban được thành lập, sẽ tách hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước ra khỏi Bộ chủ quản và chuyển sang cơ quan chuyên trách. Siêu ủy ban sẽ xóa bỏ tình trạng DNNN bị quản lý phân tán ở các Bộ như hiện nay, các cơ quan quản lý Nhà nước có thể làm tốt hơn trong công tác xây dựng chính sách.

Dự thảo đã công bố danh sách dự kiến 30 doanh nghiệp và vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ chuyển giao cho Ủy ban này quản lý, trong đó có 9/10 tập đoàn kinh tế (ngoại trừ Tập đoàn Viettel là doanh nghiệp quốc phòng) và 21 tổng công ty đang thuộc sự quản lý của 7 bộ, gồm Công thương, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp, Tài chính, Thông tin truyền thông, Xây dựng và Y tế.

Đáng chú ý là Ủy ban mới này cũng sẽ quản lý cả Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) – doanh nghiệp được thành lập với chức năng tương tự như Ủy ban. Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), SCIC được lập ra để quản lý tài sản Nhà nước tại các doanh nghiệp theo mô hình tiên tiến, chuyên nghiệp chuẩn thế giới. Tuy vậy, vị thế “thấp” của SCIC làm cho cơ quan này khó “điều khiển” các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước lớn. Thực tế, SCIC mới chỉ quản lý được 7-10% vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Những phương án được đưa ra

Phương án thứ nhất, thành lập mới ủy ban quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN. Ủy ban này sẽ quản lý các tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn mà Nhà nước đang nắm giữ 100% vốn điều lệ, DNNN nắm cổ phần chi phối và Tổng Cty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Phương án hai, thành lập ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN để quản lý các DN 100% vốn nhà nước và DN có vốn nhà nước trên cơ sở nâng cấp SCIC.

Phương án ba, tăng cường, củng cố, kiện toàn SCIC trực thuộc Chính phủ, làm chức năng đại diện chủ sở hữu (theo mô hình DN, không phải ủy ban).

Hiện tại, Bộ KH&ĐT có phần nghiêng về phương án 1, tức là thành lập một ủy ban mới độc lập do Chính phủ quản lý. Ủy ban sẽ thuần tuý làm nhiệm vụ quản trị chứ không làm nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Gần đây, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã ký Quyết định số 2012/QĐ-TTg phê duyệt phương án cơ cấu lại SCIC đến năm 2020. Hai mục tiêu được đặt ra: thứ nhất là nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của SCIC theo cơ chế thị trường và quy định của pháp luật; thứ hai là đưa SCIC thực sự trở thành một công cụ, kênh truyền vốn nhà nước; thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước để tập trung vào những khâu, công đoạn then chốt của nền kinh tế; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tại doanh nghiệp.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng phải thành lập “Siêu ủy ban” bởi khối lượng tài sản của Nhà nước đang bị phân tán, quá nhiều đầu mối quản lý khi xảy ra sai phạm không ai chịu nhận trách nhiệm giải trình trước Chính phủ, Quốc hội. Ông Cung nói thêm: “Chúng tôi lập dự thảo Nghị định thành lập Uỷ ban không có một lợi ích nhóm nào đằng sau, không bảo vệ lợi ích của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mà thực chất bộ chủ quản cũng mất nhiều thứ. Việc thành lập còn nhiều thứ phải bàn tiếp nhưng quản lý như hiện tại chắc chắn thất bại”.

TS. Lưu Bích Hồ, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển khẳng định các nước trên thế giới quản lý theo mô hình như vậy, ngay cả Trung Quốc cũng áp dụng. Uỷ ban có thể thất bại hay thành công nhưng điều cần làm là phải có cơ chế minh bạch, có sự giám sát của Quốc hội và người dân, chiêu mộ được người giỏi.

Ghế nóng “siêu uỷ ban” quản lý vốn Nhà nước đã có người đảm trách

Bài viết mới