SHB và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) ký khoản vay đầu tiên trong gói vay 120 triệu USD từ nguồn vốn trực tiếp kỳ hạn 3 năm của IFC vào ngày 21/3.
Khoản vay nhằm hỗ trợ Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) phát triển danh mục cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng. Ngoài ra, IFC sẽ xúc tiến một gói vay bổ sung huy động từ các bên cho vay quốc tế.
Với khoản vay này, SHB cam kết dành tối thiểu 37,5% giá trị để cho vay các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Ngân hàng cũng sẽ nhận được khoản tài trợ 226.000 USD từ Quỹ Sáng kiến Tài chính dành cho nữ doanh nhân (We-Fi) và Quỹ Tạo cơ hội cho nữ doanh nhân (WEOF) – các sáng kiến tài trợ toàn cầu với mục tiêu mở rộng cơ hội tiếp cận vốn cho nữ doanh nhân.
Bên cạnh đó, 16,7% giá trị khoản vay sẽ được tài trợ cho doanh nghiệp SME tham gia vào các chuỗi cung ứng. Song song đó, IFC cũng tư vấn cho ngân hàng đẩy mạnh tài trợ chuỗi cung ứng, từ đó, tạo đòn bẩy và sức bật, đem đến các giải pháp tài chính giúp tạo sự liền mạch, tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả chuỗi cung ứng.
Tại lễ ký kết, bà Ngô Thu Hà – Tổng giám đốc SHB cho biết, việc IFC và các tổ chức tài chính quốc tế đồng hành cùng SHB góp phần khẳng định năng lực của ngân hàng trên thị trường tài chính quốc tế, cũng như chiến lược phát triển để tăng trưởng ổn định, bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Thời gian qua, nhà băng này cũng triển khai nhiều chương trình đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp SME, đặc biệt là doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ – nhóm doanh nghiệp đang đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế.
“Nếu có những chính sách và giải pháp hỗ trợ kịp thời, nhất là về dòng vốn ưu đãi như từ IFC, nhóm doanh nghiệp này sẽ phát huy thế mạnh hơn nữa, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng tới phát triển bền vững”, bà Hà chia sẻ thêm.
Ngoài thỏa thuận hợp tác lần này, IFC cũng dự kiến cung cấp hạn mức bảo lãnh tài trợ thương mại 75 triệu USD cho SHB trong khuôn khổ chương trình Tài trợ Thương mại Toàn cầu (GTFP). Việc tham gia GTFP sẽ giúp ngân hàng mở rộng mạng lưới đối tác toàn cầu, đồng thời, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng về thương mại, hỗ trợ các hoạt động xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp trong nước.
Cũng tại sự kiện, ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào tin rằng, quan hệ hợp tác giữa hai bên sẽ giúp SHB củng cố hoạt động kinh doanh theo chiến lược phát triển, giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển nhờ vào nguồn vốn vay cũng như liên kết với các chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm ở Việt Nam.
“Điều quan trọng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phải được hỗ trợ, có thể tiếp cận nguồn vốn cần thiết để phát triển và mở rộng hoạt động kinh doanh của mình”, ông Thomas Jacobs nói.
Trong quá trình hợp tác, IFC cùng các đối tác sẽ đồng hành hỗ trợ và tư vấn cho SHB trong việc xây dựng chiến lược phát triển, kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực quản trị điều hành, quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế.
Theo đó, nhà băng này sẽ có thêm nguồn lực và lợi thế để nắm bắt cơ hội, kết nối cung – cầu vốn hiệu quả hơn cũng như cho các kế hoạch dài hạn để tiếp tục tăng trưởng bền vững và hiệu quả.
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 551.000 tỷ đồng, vốn tự có theo chuẩn Basel II đạt 62.577 tỷ đồng, tổng huy động đạt hơn 407.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay khách hàng đạt hơn 385.000 tỷ đồng. Tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh trong năm 2022 đạt hơn 19.350 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 9.658 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ. Các chỉ số an toàn vốn, quản lý rủi ro của SHB đều đạt ở mức tốt hơn so với quy định của Ngân hàng Nhà nước và thông lệ chuẩn mực quốc tế.
SHB hướng tới mục tiêu ngân hàng số một về hiệu quả và công nghệ trong các ngân hàng thương mại tại Việt Nam năm 2027. Tầm nhìn tới năm 2035, SHB trở thành ngân hàng bán lẻ hiện đại trong top đầu của khu vực.
IFC là thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới – tổ chức phát triển toàn cầu tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân ở các thị trường mới nổi, làm việc tại hơn 100 quốc gia, sử dụng vốn, chuyên môn và tầm ảnh hưởng của mình để tạo ra thị trường và cơ hội tại các nước đang phát triển. Trong năm tài chính 2022, IFC đã cam kết khoản tiền 32,8 tỷ USD cho doanh nghiệp tư nhân và tổ chức tài chính ở những nước đang phát triển nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng chung.
An Nhiên