Theo thông tin đã đưa, chương trình thực tế nổi tiếng của Mỹ Shark Tank sắp chính thức lên sóng tại Việt Nam. Theo phiên bản Mỹ, Shark Tank là một chương trình truyền hình thực tế bao gồm một hội đồng các nhà đầu tư tiềm năng, được gọi là các Shark (cá mập) những người sẽ cân nhắc đưa ra các lời đề nghị đầu tư đối với các doanh nhân khởi nghiệp đang tìm kiếm nguồn vốn.
Liên tiếp trong 9 mùa phát sóng, Shark Tank luôn là chương trình có lượng rating cao nhất mặc dù đài ABC chiếu vào tối thứ 6 ở một khung giờ không mấy “đẹp”. Shark Tank cũng chiến thắng 4 giải Emmy ở hạng mục Chương trình thực tế có cấu trúc xuất sắc nhất. Tháng 8 năm ngoái, chương trình này thậm chí vẫn tiếp tục thu hút khán giả mặc cho những trận đấu tiền mùa giải NFL (Giải Bóng bầu dục quốc gia Mỹ) đã được phát sóng.
Thành công của Shark Tank đã gây bất ngờ với chính những “cá mập” tham gia. “Ban đầu tôi nghĩ chương trình này sẽ thất bại. Không ai muốn nghe 5 doanh nhân nói cả! Liệu ai muốn xem chứ”, Daymond John – một trong những “cá mập” của chương trình trả lời phỏng vấn tờ CNBC vào đầu năm nay.
Nhưng hoá ra, nhiều người xem hơn Daymond tưởng tượng. Thực tế Shark Tank đã thu hút được lượng khán giả lên tới 10 triệu người, họ muốn học hỏi về nhiều thứ gồm biên lợi nhuận, nhượng quyền thương mại, giấy phép, sở hữu trí tuệ, khấu trừ, mua lại…
Điểm hấp dẫn nhất là: Shark Tank giống như một Giấc mơ Mỹ, hiện lên trong căn phòng khách của bạn từ tuần này qua tuần khác. Thật khó có thể kể ra một chương trình truyền hình thực tế nào vừa mang được sự cộng hưởng cũng như truyền cảm hứng cao độ như Shark Tank.
Vậy tại sao Shark Tank thành công đến vậy?
Được tạo ra bởi nhà sản xuất huyền thoại Mark Burnett (nhà sản xuất của những bộ phim bom tấn như Survivor hay Fargo) – Shark Tank dựa trên một chương trình thực tế của Nhật Bản mang tên Money Tigers.
Ban giám khảo Shark Tank là đội hình gồm 5 người được xem là cực kỳ xuất sắc gồm: Barbara Cornoran, 68 tuổi – nữ hoàng bất động sản đồng thời là người dẫn dắt chương trình. Nhà sáng lập FUBU Daymond John vốn là doanh nhân người New York sành sỏi. Lori Grenier là “nữ hoàng QVC” – cô và ông trùm công nghệ Roberg Herjavec được xem là những “cá mập” ấm áp. Kevin O’Leary – người ở giữa sân khấu đóng vai một nhân vật phản diện và cuối cùng là tỷ phú, ông chủ đội bóng Dallas Maverics Mark Cuban.
Ngoài ra qua các mùa, chương trình này còn có sự tham gia của các khách mời cũng nổi tiếng không kém như tỷ phú Richard Branson.
Thể lệ chơi rất đơn giản: Các doanh nhân tiềm năng tiến vào trường quay, đứng trước ban giám khảo. Họ sẽ đưa ra một lượng tiền vốn nhất định mà mình cần (ví dụ khoảng 150.000 USD tức là 20% cổ phần công ty họ) và sau đó bắt đầu bài thuyết trình gọi vốn. Khoản tiền đầu tư cho các dự án trong chương trình hoàn toàn là tiền của các Shark. Các doanh nhân khởi nghiệp có thể đàm phán hợp đồng ngày trên sân khấu nếu một người trong số các Shark cảm thấy hứng thú.
Tuy nhiên, nếu tất cả các thành viên của hội đồng đều không đồng ý đầu tư, người chơi sẽ ra về tay trắng. Phần trình bày của người chơi thường kéo dài 1 giờ, nhưng khi phát sóng sẽ được cắt giảm xuống còn 15 phút.
“Một kỹ sư kêu gọi 1 triệu USD để xây dựng một thùng nước trên biển, biến nước biển thành vàng – đó là một chương trình TV tuyệt vời phải không”, Corcoran nói.
Một trong những doanh nhân đáng nhớ nhất của Shark Tank là Susan Peterson ở Mùa 5 – người kêu gọi vốn đầu tư cho công ty giày trẻ em của mình. Câu chuyện của cô đã thực sự thuyết phục được ban giám khảo: Susan có ý tưởng kinh doanh và một tham vọng rõ ràng nhưng lại không có tiền. Chính vì vậy, cô đã nói với anh trai – người sở hữu một công ty lắp cửa rằng hãy cho cô ấy những cánh cửa cũ. Sau đó cô đã tự phá những chiếc cửa này, đập vỡ kính, lấy nhôm từ khung và mang tới bãi phế thải bán lấy 200 USD để khởi nghiệp.
Nghe câu chuyện của Susan, tỷ phú Cuban đã nói với cô rằng đó là câu chuyện khởi nghiệp thú vị nhất ông từng nghe và nó nên được đưa vào bất kỳ cuốn sách dạy về kinh doanh nào. Nó thể hiện sự điên rồ nhưng không thiếu phần quyết tâm của những người Mỹ điển hình. Điều đáng nể ở Susan là cô ấy không hề có ý định vay tiền anh trai mà tìm cách tự kiếm tiền – dù là rất ít ỏi để khởi nghiệp.
Hiện tại theo ghi nhận của Forbes, công ty giày trẻ em của Susan đã trở thành doanh nghiệp trị giá hàng triệu đôla. “Tôi rất thích thú khi mọi người nói rằng tôi không thể làm gì đó. Đảm bảo rằng trong thực tế tôi sẽ làm nó cho bằng được”, Susan chia sẻ.
Dù là một chương trình truyền hình nhưng ở Shark Tank, bạn sẽ thường xuyên chứng kiến những lời lẽ “khó nghe”. Nếu như Corcoran luôn mềm mỏng, xoa dịu những người tham gia và bị từ chối thì những “cá mập” còn lại như O’Leary thường tỏ ra tàn nhẫn và thể hiện sự không quan tâm của mình đối với cả những câu chuyện về sự kiên trì. Ông ấy thậm chí không ngần ngại nói với những người tham gia những lời lẽ như: “Cô là một kẻ lừa đảo” hay “Cút ra khỏi đây đi”.
Nhưng đó lại chính là công thức thành công kỳ diệu của chương trình này: Người xem có thể gián tiếp trải nghiệm cả những nỗi sợ hãi tồi tệ nhất trong công việc đến những giấc mơ hoang dã nhất.
Năm nay, Shark Tank thông báo rằng tổng giá trị những thoả thuận được ký kết thông qua chương trình đã lên tới con số 100 triệu USD, tạo ra 10.000 việc làm.
“Cá mập” Mark Cuban từng chia sẻ về chương trình như thế này: “Khi chứng kiến mọi người đi ra khỏi đây, thấy họ thành công, tôi chắc rằng bạn sẽ nghĩ: Mình cũng có thể làm được như vậy. Ở Shark Tank bạn nhận được những lời khuyên, phản hồi và tổng thể đó là một sự giáo dục. Điều đó thật sự quan trọng trong thời đại ngày nay, trong thế giới này”.