Không chỉ đẹp trai , shark Lê Đăng Khoa còn là nhà khởi nghiệp cực kì thành công với một loạt những thương hiệu nổi tiếng tại Sài Gòn. Trong tập 3 và 4 của Shark Tank Việt Nam, rất nhiều người xem đã cực ấn tượng trước sự điềm đạm và vẻ ngoài bóng sáng của chàng trai này.
Sinh năm 1983 – tức năm nay chỉ vừa tròn 34 tuổi nhưng Lê Đăng Khoa đã là một doanh nhân trẻ có tiếng tại Sài Gòn. Năm 22 tuổi, sau khi tốt nghiệp Đại học, anh chàng đã bắt đầu sự nghiệp của mình với vị trí nhân viên kinh doanh tại chính công ty phân bón của gia đình. Sau một thời gian dài thử thách, Khoa vươn lên vị trí Giám đốc điều hành. Tính đến hiện nay, Lê Đăng Khoa đã nắm giữ rất nhiều thương hiệu nổi tiếng, tham gia nhiều lĩnh vực khác nhau từ du lịch sinh thái, nông nghiệp, dịch vụ, hoa, bất động sản…
Cùng trò chuyện để hiểu thêm về vị shark hot nhất của “Thương vụ bạc tỷ” này nhé!
Trẻ nhất, ít tiền nhất nhưng tự tin là người có khả năng xây dựng thương hiệu tốt nhất!
Chào Lê Đăng Khoa, đầu tiên Khoa có thể chia sẻ cảm xúc của mình sau khi tập 3 “Thương vụ bạc tỷ” lên sóng và bạn đã nhận được rất nhiều sự chú ý từ khán giả không?
Ban đầu Khoa đến Shark Tank với mong muốn lớn nhất là để học hỏi những kinh nghiệm, kiến thức cũng như bản lĩnh của các shark đàn anh đàn chị khác, đồng thời tìm kiếm những cơ hội đầu tư tiềm năng cho mình. Vậy nên lúc được mọi người chú ý, Khoa thật sự bất ngờ. Sau khi các bạn đăng tải bài viết đầu tiên về “soái ca khởi nghiệp” thì khắp newsfeed Facebook Khoa là hàng trăm người chia sẻ link bài, hàng chục page khác cũng đăng tải lại khiến mình cảm thấy bị ngợp trước sự quan tâm của mọi người.
Lần đầu tham gia vào một chương trình truyền hình thực tế, Khoa có gặp phải áp lực nào không?
Trước đây mình là fan của Shark Tank phiên bản Mỹ nên khi được mời ngồi vào ghế shark, cảm giác lạ lắm: vừa vui vừa hồi hộp mà cũng sợ nữa. Một chương trình truyền hình thực tế vốn đã mang nhiều rủi ro, chưa kể Shark Tank còn là chương trình về kinh doanh, mọi quyết định được ra đều liên quan đến tiền tươi thóc thật chứ không phải lời nói gió bay. Chậm một bước thì mất cơ hội đầu tư béo bở, nhưng vội vã đưa ra quyết định thì sẽ khiến mình bị hớ, bị mất tiền.
Đến với chương trình này, Khoa phải giành giật, nhưng đồng thời không được quá sỗ sàng, bỗ bã. Cách sử dụng ngôn ngữ phải vừa gần gũi, chính xác, thể hiện được sự quyết liệt của shark Lê Đăng Khoa nhưng vẫn cho thấy được sự tôn trọng của mình với những shark khác.
Là người trẻ nhất trong số 5 shark trong chương trình nhưng có thể thấy Khoa không hề bị lép vế trước các đàn anh/ đàn chị. Đâu là vũ khí bí mật khiến bạn tự tin như vậy khi ngồi cạnh một dàn “cá mập khủng”?
Trẻ tuổi nhất vừa là điểm yếu nhưng cũng đồng thời là điểm mạnh của Khoa. Vì sao lại là điểm mạnh? Khi mình trẻ tuổi, mình có thể nói chuyện với các bạn trẻ dễ hơn, tạo cho các bạn cảm giác gần gũi và dễ thuyết phục các bạn về với mình hơn.
Với những mô hình kinh doanh mà Khoa đang làm thì mình nghĩ thế mạnh lớn nhất của mình chính là khả năng xây dựng thương hiệu. Khoa tự tin mình có thể xây dựng được những thương hiệu tốt trong thời gian ngắn nhất. Mà ở thời đại cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, những thứ liên quan đến hình ảnh, đến thương hiệu là cực kì quan trọng.
Bên cạnh đó Khoa còn có background về nông nghiệp, về truyền thông, về marketing, về bất động sản – đây cũng là những điều khiến Khoa tự tin khi đứng cùng dàn shark khủng.
Tham gia Shark Tank, Khoa nhận xét thế nào về những dự án khởi nghiệp trong chương trình?
Khoa cảm thấy khá là bất ngờ. Mình mới tham gia 2 tập thôi nhưng đã nhiều lần phải “wow” vì các bạn trẻ giỏi hơn mình nghĩ rất là nhiều. Có những bạn sinh năm 92, 93 nhưng đã có những ý tưởng rất táo bạo, tiềm năng.
“Phần gọi vốn thành công của EmWear là hoàn toàn xứng đáng. Ý tưởng chỉ là phụ, giá trị lớn nhất mà các shark muốn đầu tư nằm ở con người.”
Ở format quốc tế, có nhiều người kêu gọi vốn tại Shark Tank thất bại nhưng sau đó start-up của họ lại thành công vang dội khiến các shark phải tiếc nuối. Khoa có nghĩ sẽ có lúc mình đưa ra những quyết định sai lầm không?
Không hề sợ. Tại vì Khoa nghĩ đơn giản, trong một khoảng thời gian ngắn, với lượng thông tin giới hạn thì việc đưa ra một quyết định sai lầm là chuyện bình thường. Và thẳng thắn luôn, mình chưa bao giờ nghĩ mình là một doanh nhân giỏi đâu. Càng kinh doanh nhiều thì Khoa càng thấm thía cái câu của Steve Jobs: “Stay hungry. Stay foolish.” Mình làm nhiều chừng nào thì mình càng cảm thấy mình… ngu chừng đó.
Trong tập 3 vừa qua, phần gọi vốn của EmWear bị nhận xét là không thuyết phục nhưng vẫn nhận được số tiền vượt mức mong đợi. Một là chương trình đã cắt ghép khiến mạch xem bị đứt quãng, hai là các nhà đầu tư đã quá dễ dàng đưa ra quyết định với dự án này. Khoa nghĩ sao?
Khi lên sóng, mọi người chỉ trích Emwear khá nhiều: ý tưởng không có gì khác biệt, sản phẩm thì cao giá… Nhưng quan điểm của Khoa là, một sản phẩm bình thường nhưng đằng sau có một ê kíp tốt vẫn có giá trị hơn rất nhiều so với ý tưởng tốt nhưng đằng sau là một ê kíp bình thường.
Trên truyền hình các bạn chỉ thấy được 15 phút tranh luận. Nhưng ở trường quay là 90 phút. Bạn Trang kia đã bị 5 shark chất vấn liên tục trong 1 tiếng rưỡi đồng hồ từ marketing cho đến tài chính, cách sale, sản phẩm. Bạn ấy đã trả lời được hết. Bản thân Khoa nếu đứng ở vị trí của Trang còn chưa chắc làm tốt được như vậy.
Mọi người nói sản phẩm của bạn này “định giá hơi sai”, “thấy cũng bình thường”. Nhưng mà cái vấn đề người ta có doanh thu người ta có lợi nhuận, và đương nhiên những công ty đi thi Shark Tank họ chắc chắn là những khởi nghiệp tiềm năng, chứ chưa phải tốt hoàn hảo. Ý tưởng & sản phẩm chỉ là phụ, giá trị lớn nhất mà các shark muốn đầu tư nằm ở con người. Nghĩa là đầu tư vào chính cái cô Trang này cơ.
Ngày hôm nay Trang với Emwear là bình thường, nhưng không có nghĩa là 3 năm nữa 5 năm nữa Trang vẫn như thế. Có thể Trang sẽ trở thành nữ cường nhân nào đó với tài sản triệu đô. Và rõ ràng các Shark phải thấy được cái tiềm năng trên cái cô bé này thì mới giành nhau đến như vậy.
Đối với bản thân Khoa, một dự án thế nào sẽ được xem là có tiềm năng và đáng để rót vốn?
Việc đầu tiên Khoa chú trọng đó là yếu tố về con người. Mình rất quan trọng về cái êkíp đứng đằng sau một doanh nghiệp, một sản phẩm. Cái người chủ tính cách như thế nào, background ra sao, êkíp có bao nhiêu thành viên, trong công ty của họ mỗi thành viên đóng vai trò gì, và cái thái độ của họ như thế nào khi họ trình bày ý tưởng. Rồi tiếp theo mới là cái ý tưởng của họ có khác biệt hay không, rồi sau đó mới tới vấn đề dòng tiền của họ, những vấn đề nó chuyên môn hơn, đi sâu hơn.
Nhờ có những tháng ngày phụ nhà bán bánh ướt, chả lụa mới có được ngày hôm nay
Nhắc tới khởi nghiệp, shark Linh đã chia sẻ là “đau nhưng đáng”, vậy còn với Khoa, khởi nghiệp là gì?
Khởi nghiệp là rất đau.
Tại vì sao? Vì kinh doanh cũng như tình yêu, thất bại nào cũng đều đau đớn. Đối với khởi nghiệp thì khả năng thất bại còn lớn hơn gấp nhiều lần. Phải khởi nghiệp rồi thì bạn mới biết có 1 tỉ cái lí do dẫn đến thất bại: non kinh nghiệm, kiến thức chưa đủ, không có độ nhạy về thị trường, thiếu nghị lực, bỏ bê mặt truyền thông, nhân lực kém.
Ai làm khởi nghiệp cũng xem nó như mối tình của đời mình và mong đợi những điều ngọt ngào nhất. Khi nó thất bại, thứ bạn mất không chỉ là tiền mà còn là niềm tin, là sự tôn trọng của người khác dành cho mình.
Nhưng vì sao nó đáng? Té càng sớm, càng đau thì khả năng vực dậy sẽ càng lớn. Phải té, ai cũng té hết, té sớm thì hồi phục sớm, té muộn thì hồi phục muộn, té muộn quá, đi luôn!
Đến nay đã hơn 12 năm Khoa bước chân vào thương trường, vậy đâu là thất bại đáng nhớ nhất trong suốt chặng đường sự nghiệp của bạn?
Thất bại đầu tiên của Khoa đó là khi nhảy vào ngành in ấn. Mình mất một số tiền rất lớn, khiến bố mẹ mất niềm tin và đánh mất cả sĩ diện của bản thân. Trước lúc bắt đầu, Khoa vẫn tin đó sẽ là điểm sáng cho sự nghiệp của mình nhưng cuối cùng nó lại là điểm đen khiến Khoa đau lòng nhất mỗi khi nhắc lại.
Tuy nhiên cũng nhờ có lần thất bại đầu đời mà Khoa hiểu rằng không phải cứ giỏi ở lĩnh vực này là sang lĩnh vực khác cũng sẽ thành công. Luôn phải học hỏi, trau dồi và rèn luyện để có thể trở nên bản lĩnh, dày dạn, cứng cáp hơn cho những dự án tiếp theo.
Được biết trước khi về Việt Nam tiếp quản sự nghiệp của gia đình, Khoa từng học ngành Tâm lý tại Mỹ. Ngành học này đã có ý nghĩa thế nào với sự nghiệp của bạn?
Vào thời cấp 3, mình muốn trở thành một kĩ sư Hoá, đến khi lớn lên lại theo đuổi ngành tâm lý học. Kinh doanh là một ngã rẽ mới mẻ của Khoa. Với ngành tâm lý học, tưởng chừng không liên quan gì đến kinh doanh nhưng lại giúp ích rất nhiều.
Cụ thể, nó giúp mình nắm bắt tâm lí khách hàng, tâm lí đối tác. Nó cho mình cái khả năng quan sát rất cao, khả năng lắng nghe và khả năng phân tích tâm lí khá là tốt. Những thứ đó chính là tiền đề để tạo ra những sản phẩm phù hợp đối với những khách hàng mục tiêu, những thị trường mục tiêu của mình. Khoa luôn biết ơn những năm tháng học đại học vì nhờ nó mà chặng đường sự nghiệp sau này của mình dễ dàng hơn rất nhiều.
Khoa có nghĩ rằng ngay từ xuất phát điểm, bạn đã may mắn hơn nhiều người không?
Tiếp quản từ một nền tảng gia đình không có gì là xấu hết. Với Khoa, đó còn là một điều đáng tự hào. Thật ra tiền bạc chỉ là một phần thôi, cái quan trọng nhất mà Khoa có được từ gia đình chính là những kinh nghiệm sống, kinh nghiệm kinh doanh, những ý tưởng, cách nhìn nhận, đánh giá vấn đề.
Ít ai biết rằng trước khi có được ngày hôm nay, gia đình Khoa đã phải trải qua những năm tháng khốn khó, cơ hàn. Những năm cấp một của Khoa gia đình rất nghèo, ba mẹ bán bánh ướt , bánh canh. Cả gia đình ở trong một cái nhà lợp lá dầu mà Khoa nhớ cứ mỗi lần trời mưa là dột mười mấy chỗ. Cứ nghe tí tách là tự động chạy vô góc nhà bưng mười mấy cái chậu chia đều ra từng chỗ như một phản xạ tự nhiên. Vậy nên ai nói mình sinh ra đã sướng và may mắn là sai.
Đâu là những giá trị cốt lõi mà Khoa đã được thừa hưởng từ bố mẹ?
Mẹ Khoa là người sống rất quy củ, rõ ràng. Nhà dù có khó khăn đến mấy nhưng luôn phải cho con học trường tốt nhất, lớp tốt nhất. Bước ra khỏi nhà là áo bỏ vô quần, bỏ ra ngoài quần là đánh bầm dập liền, phải chỉn chu đàng hoàng. Tác phong của mình vì thế cũng được uốn nắn từ nhỏ.
Còn với ba, thì đó những buổi chiều hai cha con đi giao hàng hay ngồi hàng quán lề đường. Ngồi ở đâu ba cũng phân tích rất rõ vì sao chỗ này nó đông, quán cà phê kia vì sao lại vắng, mô hình kinh doanh này có gì hay ho, cái nào sẽ sinh lời, cái nào là tiềm năng. Cứ như thế từ ngày này qua năm khác, cái máu kinh doanh ngấm vào Khoa từ khi nào không hay.
Cũng nhờ ba mà mình học được cách nhìn ra những cơ hội kinh doanh. Ba Khoa nói một câu mà mình nhớ hoài: “Tiền như lá rụng ngoài đường, đầy luôn. Người giỏi thì biết quét nhiều, người dở thì tìm hoài không ra, vậy thôi.”
Kinh qua nhiều lĩnh vực: phân bón, du lịch sinh thái, bất động sản, vậy đâu là lĩnh vực khiến Khoa cảm thấy đam mê và muốn chinh phục nhất?
Thề với bạn luôn, phải thích thì mới làm. Khoa không kinh doanh cái gì mà mình không thích hết. Đam mê làm còn muốn thất bại nữa. Phải thích, phải thấy cơ hội ở trong đó mình mới làm.
Start-up thành công cần đến 1001 yếu tố. Nhưng chỉ cần gãy một cái là coi như sụp đổ hoàn toàn
Người ta nói nếu làm khởi nghiệp mà chỉ nghĩ đến tiền thì sớm muộn gì cũng thất bại. Vậy còn Khoa thì sao, ngoài chuyện lời lỗ, giá trị lớn nhất mà bạn tìm kiếm khi khởi nghiệp là gì?
Mình phải nghĩ cái sản phẩm, cái dịch vụ mình tạo ra có khác biệt, có mang lại giá trị, giải pháp nào cho cuộc sống hay không,… Làm cho bữa ăn của người ta phong phú hơn, làm cho cuộc sống của người ta tiện ích hơn chẳng hạn.
Một giải pháp khác biệt mới tạo ra một mô hình kinh doanh khác biệt. Một mô hình khác biệt mới tạo ra một mô hình kinh doanh sinh lời, bền vững. Bắt đầu bằng ý tưởng khác biệt trước đã, khoan nghĩ đến việc kiếm được bao nhiêu tiền.
Trong những năm gần đây, khởi nghiệp đã trở thành một trào lưu của giới trẻ Việt. Ai cũng muốn làm chủ, làm giàu và sở hữu một thứ riêng của mình. Ở vị trí của một nhà khởi nghiệp, Khoa có lời khuyên nào đến các bạn trẻ muốn dấn thân vào con đường này không?
Khởi nghiệp là một câu chuyện vô cùng căng thẳng. Các bạn sẽ phải đánh đổi rất nhiều mồ hôi, nước mắt, rất rất nhiều thứ. Nhưng khởi nghiệp là thứ các bạn trẻ nên làm, phải làm. Vấn đề ở chỗ, từ chỗ “muốn khởi nghiệp” đến “có một mô hình khởi nghiệp”, nó là đoạn đường rất dài và gian nan.
Khoa có cảm giác các bạn nhìn chuyện khởi nghiệp dễ dàng quá. Nên các bạn hay hình dung khởi nghiệp chỉ cần một ý tưởng hay là được, không phải. Hay là các bạn hay nghĩ là chỉ cần một ý tưởng hay là mình có thể kiếm được rất nhiều tiền. Không đúng.
Một mô hình khởi nghiệp thành công yêu cầu yếu tố: ekip đúng, chiến lược tài chính rõ ràng, ý tưởng kinh doanh xuất sắc, hiểu về marketing/ tài chính/ dòng tiền. Có tất cả những thứ này, bạn mới chỉ có 1 công ty tiềm năng thôi, chưa nói đến thành công.
Và thông thường các bạn trẻ bị một cái lỗi như vậy. Các bạn chỉ giỏi một hai mảng thôi. Giỏi tạo ra sản phẩm thôi, mấy bạn không nghĩ bán nó, tiếp thị nó như thế nào. Hoặc các bạn tạo ra sản phẩm tốt rồi các bạn bán được rồi, các bạn không biết xử lí dòng tiền ra sao, các bạn không biết định giá công ty của chính mình.
Liệu có thể start-up khi không học về kinh tế?
Hoàn toàn có thể.
Muốn làm kinh tế, nhất định phải có kiến thức nền tảng về kinh tế. Nhưng kiến thức nền tảng đó không nhất thiết phải tới từ trường lớp, nó có thể đến từ đọc sách, đến từ việc mình đi học hỏi các đàn anh, đàn chị, quan sát những người thành công họ đạt được thành tựu của họ như thế nào.
Và quan trọng là phải trải nghiệm. Nếu mình có ý tưởng quá đẹp thì mình cứ nuôi dưỡng ý tưởng đó đi, nhưng mình phải đi làm, phải trải nghiệm. Vì những kiến thức đó trải nghiệm đó sau này giúp cho mình rất nhiều, để cho mình có thể phát triển ý tưởng của mình thành một cái mô hình kinh doanh thực thụ.